Xử lý ông Lê Nam Trà, ông Trần Bắc Hà về mặt Đảng chỉ là bước đầu?

Phi Long Chủ nhật, ngày 01/07/2018 13:47 PM (GMT+7)
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia khi trao đổi với Dân Việt xung quanh việc xử lý và đề nghị xử lý kỷ luật đối với hàng loạt cán bộ cao cấp vừa được kết luận tại kỳ họp 27 của UBKT Trung ương.
Bình luận 0

img

Xử lý ông Lê Nam Trà và ông Trần Bắc Hà về mặt Đảng có thể mới chỉ là bắt đầu của một bước xử lý tiếp theo. (Ảnh: IT)

Trao đổi với Dân Việt, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng: Các quyết định và đề xuất xử lý hàng loạt cán bộ cấp cao vừa được UBKT Trung ương công bố, trong đó có 2 người được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm là ông Lê Nam Trà và ông Trần Bắc Hà, đã cho thấy sự quyết tâm rất lớn của Đảng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. 

“Lúc đầu, vụ việc AVG và cả vụ liên quan tới ông Trần Bắc Hà tưởng đã “chìm xuồng” nhưng đến nay khi có những xử lý về mặt Đảng, người dân có thể thấy Ban Chỉ đạo chống tham nhũng đã xử lý đến cùng, xử lý dứt điểm những vụ việc nghiêm trọng này. UBKT Trung ương làm đúng nguyên tắc của Đảng, đưa ra mức xử lý cao nhất là khai trừ khỏi Đảng cả 2 ông Trà và ông Hà, từ đó sẽ tiến tới xử lý về mặt pháp luật”, ông Long nói.

PGS,TS. Ngô Trí Long cũng cho rằng, sau khi xử lý về mặt Đảng, là bước xử lý phức tạp nhất, nhiều khả năng vụ việc sẽ được tiến hành xử lý nếu có vi phạm về pháp luật. "Trong vụ việc này, người dân đã và đang mong chờ sẽ không có hiện tượng “đánh trống bỏ dùi”, bất kỳ đối tượng nào, dù hạ cánh hay chưa vẫn phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Long nhấn mạnh.

Ông Long cũng cho biết: “Không phải tôi mà bất kỳ người dân nào cũng mong muốn xử lý các cán bộ cấp cao có sai phạm cũng phải đồng thời xử lý về Đảng, về pháp luật và đặc biệt những thất thoát về tài sản phải thu hồi được. Việc có xử lý Đảng và hình sự cũng chỉ là đạt 50%, còn lại 50% là làm sao phải lấy lại được tài sản nhà nước, đó cũng là tiền thuế của người dân”.

img

Cả ông Lê Nam Trà và ông Trần Bắc Hà đều là những người liên qua tới các vụ việc tương đối phức tạp (Ảnh: IT)

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện tài chính) cũng bày tỏ: Cả ông Lê Nam Trà và ông Trần Bắc Hà đều là những người liên qua tới các vụ việc tương đối phức tạp. Trong cả 2 vụ việc, có cán bộ thì UBKT Trung ương có thể đưa ra luôn mức xử lý về mặt Đảng nhưng cũng có cán bộ thuộc quản lý của Ban Bí thư nên UBKT trung ương mới kiến nghị mức xử lý và phải chờ Ban Bí thư có quyết định.

“Qua những vụ việc lớn đang được dư luận đặc biệt quan tâm này cũng cho thấy Đảng ta đã rất quyết tâm xử lý dứt khoát vụ việc vì nếu không đã không có quyết định kỷ luật về Đảng. Nhiều người bị khai trừ và cách toàn bộ chức vụ trong Đảng, qua đó cho thấy sự kiên quyết và tạo điều kiện cho cơ quan pháp luật thực hiện công tác điều tra, luận tội với các đối tượng này ở những bước tiếp theo”, ông Thịnh nói.

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, mong muốn của nhiều người dân là việc xử lý các vụ việc này phải đạt được mấy mục tiêu: Thứ nhất, phải xử lý người có tội tham ô hối lộ, làm sai phải bị xử lý đúng tội gây ra theo quy định của pháp luật; Thứ hai, qua vụ việc cũng có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa với những người đang đương chức để không tạo ra khuyết điểm tương tự; Thứ ba, hình thức xử lý phải theo hướng cố gắng khắc phục và giải quyết hậu quả mà các đối tượng này gây ra (như thu hồi được tài sản thất thoát, tham nhũng...).

Ông Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, qua vụ việc liên quan tới ông Trần Bắc Hà hay qua thương vụ Mobifone - AVG dù đã trả lại cơ bản hết khoản thất thoát (ví như vụ Mobifone đã trả khoảng 8.000 tỷ, vụ liên quan tới ông Trần Bắc Hà đã thu được cơ bản khoản tiền nên thất thoát gần như không có). Tuy nhiên, sai sót từ trước đó là rất nhiều, thể hiện cố tình thực hiện hành vi sai phạm của mình. Do đó, dù có bồi hoàn thì vẫn phải xử lý.

“Anh lấy tiền tham ô, khi thấy có nguy cơ bị xử lý thì trả lại với ý nghĩ đã trả tiền rồi thì không có tội là không được”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đinh Trọng Thịnh, thu hồi như vậy thực tế là khó tính đầy đủ vì với vốn gốc trước khi bị thất thoát lên tới hàng chục nghìn tỷ. Nếu số tiền đó để đầu tư vào lĩnh vực khác hiệu quả thì đã đem lại rất nhiều tài sản cho ngân sách Nhà nước. Do đó, khi thu hồi cũng phải tính đến cả chi phí cơ hội hoặc chỉ tính lãi suất gửi ngân hàng cũng là một số tiền không hề nhỏ.

Tại kỳ họp thứ 27, diễn ra ngày 27 và 28.6, UBKT Trung ương đã thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Nam Trà, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty MobiFone và ông Phạm Đình Trọng, Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Cao Duy Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty MobiFone bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

Ông Phạm Hồng Hải, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bị khiển trách. Ngoải ra, UBKT Trung ương cũng đề nghị kỷ luật ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn.

Chiều 30.6, UBKT Trung ương  cũng đã có quyết định kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà (nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem