Xử lý vi phạm về môi trường: Cần trao thêm quyền cho dân

Thứ hai, ngày 27/02/2012 18:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Pháp luật hình sự cần thay đổi để có thể xử lý hình sự một vài vụ nhằm răn đe và tránh không để tiếp tục xảy ra những vụ như Vedan, Sonadezi xả thải ra môi trường” - TS Nguyễn Văn Phương - Trưởng bộ môn Luật Môi trường (khoa Luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội) khẳng định.
Bình luận 0
img
TS Nguyễn Văn Phương - Trưởng bộ môn Luật Môi trường (khoa Luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội)

Hội cần vào cuộc sớm

Sau 7 tháng chúng ta vẫn chưa có kết quả xác định mức độ thiệt hại do hành vi xả thải của Công ty Sonadezi Long Thành (Đồng Nai) ra môi trường, nên việc bồi thường cho người dân chưa thực hiện được. Ông bình luận gì về điều này?

- Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2005, bên đòi bồi thường thiệt hại phải chứng minh thiệt hại của mình. Tuy nhiên, do đây là giai đoạn thương lượng nên người dân có thể đưa ra một con số thiệt hại nào đó gần sát thực tế để thương lượng. Nếu quá trình thương lượng không thành, người dân có thể trực tiếp hoặc thông qua ủy quyền khởi kiện tại tòa án. Lúc đó, toà án sẽ giúp đỡ xác định mức thiệt hại thông qua trưng cầu giám định thiệt hại.

Việc này có thể được thực hiện bởi một cơ quan giám định thiệt hại độc lập nào đó. Riêng về thời gian 7 tháng mà vẫn chưa xác định được thiệt hại, theo tôi không phải là quá dài bởi việc xác định còn phải tính toán cụ thể ảnh hưởng nguồn nước, chất độc đối với sản xuất của người dân....

Thưa ông, vì sao UBND tỉnh không ra một thời hạn nào đó để yêu cầu Sở TNMT Đồng Nai xác định mức độ thiệt hại do Sonadezi xả thải?

- Đúng là UBND tỉnh Đồng Nai có thể yêu cầu Sở TNMT phải thực hiện. Nhưng, quan trọng là tỉnh có đề nghị, yêu cầu Sở này thực hiện không khi mà Công ty Sonadezi là doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh. Tôi nghĩ, trong việc đòi Sonadezi bồi thường thì sự bất lợi đang nghiêng về phía nông dân. Nên nhớ là vụ Vedan dù chúng ta có quyết tâm chính trị, có sự lên tiếng của công luận nhưng chỉ đến khi người dân kêu gọi tẩy chay sản phẩm thì công ty này mới bồi thường cho người dân.

Nhưng Sonadezi không có sản phẩm như Vedan nên khó kêu gọi tẩy chay, tạo áp lực. Theo ông, người dân phải làm gì để Công ty Sonadezi bồi thường?

- Tôi nghĩ, Hội Nông dân cần vào cuộc để giúp đỡ người dân bị thiệt hại do hoạt động xả thải của doanh nghiệp. Hội Nông dân nếu được người dân uỷ quyền, sau khi thương lượng không thành thì có thể đưa đơn kiện ra toà án nhân dân để yêu cầu giải quyết. Khi đó, cơ quan tố tụng sẽ yêu cầu trưng cầu giám định thiệt hại.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2005, người dân phải tự xác định thiệt hại của mình, rồi chứng minh cho được việc xả thải của doanh nghiệp gây hại cho sản xuất, đời sống của mình. Ở đây, người dân nên thuê một cơ quan khoa học hoặc một cơ sở đánh giá độc lập về môi trường để xác định thiệt hại. Tuy nhiên, trước đó người dân có thể đề nghị cơ quan quản lý nhà nước (ví dụ như Sở TNMT) giúp đỡ.

Cần trao quyền cho dân

Từ vụ Sonadezi, trước đó là Vedan, chúng ta thấy có nhiều kẽ hở trong việc xác định thiệt hại và nếu người dân không chủ động đứng ra làm thì không có cơ quan nào giúp họ giám định?

- Đúng vậy. Qua nghiên cứu các quy định của pháp luật và thực tiễn tôi thấy chúng ta đang thiếu quy định về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan như UBND các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị trong việc giúp đỡ người dân xác định, chứng minh thiệt hại về môi trường. Trong lĩnh vực môi trường, người bị thiệt hại thường yếu thế hơn và lẽ ra phải có các quy định hỗ trợ họ.

img
Rạch Bà Chèo (Long Thành, Đồng Nai) ô nhiễm do doanh nghiệp xả thải.

Vì thế, tôi cho rằng, cần bổ sung thêm cơ chế khiếu kiện tập thể và hỗ trợ người thiệt hại trong việc chứng minh hoặc xác định nghĩa vụ chứng minh gây ô nhiễm môi trường thì mới có thể giải quyết triệt để tranh chấp về bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật môi trường.

Đồng thời, pháp luật cần trao cho người dân những quyền nhất định để có thể tự bảo vệ mình, ví dụ như quyền phản đối trong hòa bình đối với những hành vi vi phạm pháp luật môi trường đã được cơ quan quản lý nhà nước chứng minh và xử lý.

Hiện nay, trong các dự án luật mà Chính phủ đang có ý định xây dựng, thì đáng chú ý có luật biểu tình. Tôi hy vọng khi có luật này, người dân có thể biểu tình, phản đối doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường. Lúc đó, khả năng việc thỏa thuận và giải quyết bồi thường sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Ngoài bổ sung thêm các thiết chế luật pháp, việc nâng cao ý thức, đạo đức của doanh nghiệp liên quan đến xử lý vấn đề môi trường là quan trọng, thưa ông?

- Tôi rất đồng ý với ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM đã phát biểu trên báo NTNN rằng, C49 đã kết luận cụ thể về sai phạm của Sonadezi. Người dân đã làm đơn kiện đòi bồi thường thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm với cộng đồng.

Ở đây Sonadezi Long Thành nên chủ động thông qua các cấp Hội Nông dân ở Đồng Nai cùng các hộ có đơn yêu cầu bồi thường tổ chức thương lượng để giải quyết thiệt hại cho người dân do hành vi vi phạm của mình gây ra thì tốt hơn. Ở đây ý thức về môi trường, đạo đức của doanh nghiệp phải được đặt lên trên. Đó là chưa kể, lãnh đạo của tổng công ty này là đại biểu Quốc hội thì vấn đề này càng phải được thực hiện tốt hơn.

Xử lý hình sự để răn đe

Thưa ông, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội nói chung thì ngày càng có nhiều doanh nghiệp xả thải gây hại cho môi trường, sản xuất của người dân. Làm sao để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo vấn đề môi trường?

- Theo quan điểm của tôi, để ngăn chặn các doanh nghiệp vi phạm pháp luật môi trường, gây thiệt hại cho người khác, một mặt cần hoàn thiện hệ thống pháp luật môi trường theo hướng ngày càng rõ ràng và minh bạch, trong đó cần đề cao vai trò của xã hội dân sự. Pháp luật hiện dựa quá nhiều vào cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành pháp, tư pháp, mà quên mất vai trò của xã hội dân sự, truyền thông.

Thứ hai, cần nâng cao quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị trong hoạt động bảo vệ môi trường; phải coi phát triển bền vững là tiêu chí, tôn chỉ mục đích chứ không thể chạy theo lợi ích kinh tế xã hội mà coi nhẹ vấn đề môi trường.

Nghị quyết Đại hội Đảng XI xác định, gắn phát triển kinh tế- xã hội với phát triển môi trường, coi môi trường là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững. Nhưng từ chủ trương đến thực tế còn có nhiều vấn đề?

- Ở đây chúng ta hãy nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Về phía doanh nghiệp, đương nhiên bao giờ họ cũng có xu hướng tìm kiếm lợi nhuận. Các doanh nghiệp thường tìm cách trốn tránh việc xử lý chất thải, trốn tránh nghĩa vụ môi trường, đây là điều dễ hiểu. Vậy thì Nhà nước phải có những động thái để điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp, buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường...

“Pháp luật cần trao cho người dân những quyền nhất định để có thể tự bảo vệ mình, ví dụ như quyền phản đối trong hòa bình đối với những hành vi vi phạm pháp luật môi trường đã được cơ quan quản lý nhà nước chứng minh và xử lý”.

Thực tế thì chúng ta cũng đang sử dụng các chế định pháp luật để xử lý các hành vi vi phạm môi trường. Tuy nhiên, mức độ xử lý còn nhẹ nên chưa thể răn đe các doanh nghiệp?

- Nghị định 117/2009/NĐ –CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có quy định đóng cửa nhà máy, doanh nghiệp vi phạm pháp luật môi trường nghiêm trọng. Vấn đề là chúng ta có dám áp dụng quy định đó hay không, bởi nếu đóng cửa nhà máy sẽ tác động đến vấn đề kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu cứ nại lý do đó thì làm sao mà răn đe được các doanh nghiệp vi phạm? Vậy thì như tôi đã đề cập là cần có quyết tâm chính trị, xử lý nghiêm minh bằng cách đóng cửa nhà máy đó để tạo hiệu ứng tốt cho các doanh nghiệp khác.

Thưa ông, đóng cửa doanh nghiệp hay bắt bồi thường cũng chỉ là xử lý dân sự. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xử lý hình sự đối với những hành vi vi phạm pháp luật môi trường nghiêm trọng?

-Theo tôi, kể cả trong trách nhiệm dân sự nếu xử lý hành chính cũng phải nâng cao mức xử phạt, mức phạt phải tương xứng với lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp thu được. Thứ hai, phải sửa đổi chương 17 Bộ luật Hình sự, phần về tội phạm môi trường theo hướng xử lý hình sự cả đối với pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật môi trường nghiêm trọng - thay vì chỉ xử lý hành chính như hiện nay. Đương nhiên, hành vi nào thì áp dụng trách nhiệm hình sự, hành vi nào thì xử lý hành chính cũng cần phải phân định rất rõ.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem