Xử phúc thẩm vắng mặt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - AIC

Gia Bình Thứ hai, ngày 22/05/2023 08:11 AM (GMT+7)
Đang bỏ trốn và bị tuyên án vắng mặt 30 năm tù, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn được luật sư và người nhà kháng cáo thay nên sẽ được xem xét lại bản án tại phiên phúc thẩm.
Bình luận 0

Sáng 22/5, TAND cấp cao tại Hà Nội đưa vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai ra xét xử phúc thẩm.

Phiên tòa được mở do có kháng cáo của 15/36 bị cáo và bị đơn dân sự. Dự kiến phiên tòa kéo dài trong 2 ngày dưới sự điều hành của thẩm phán Mai Anh Tài. Có 24 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Xử phúc thẩm vắng mặt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vắng mặt trong cả phiên sơ - phúc thẩm.

Bị xác định có trách nhiệm chính trong vụ án là Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC, người nhận án sơ thẩm 16 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và 14 năm tù về tội "Đưa hối lộ", tổng 30 năm tù.

Cơ quan tố tụng xác định bị cáo Nhàn vẫn đang bỏ trốn, bị truy nã từ tháng 5/2022. Bà được luật sư và 4 anh chị ruột của mình kháng cáo thay, xin xem xét lại toàn bộ bản án.

Xử phúc thẩm vắng mặt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - AIC - Ảnh 2.

Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án.

Ngoài ra, cấp phúc thẩm còn xem xét kháng cáo của Trần Mạnh Hà, cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC(đang bỏ trốn); Hoàng Thị Thúy Nga, cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC; Đỗ Văn Sơn, cựu Kế toán trưởng AIC...

Trong số 11 bị cáo từng là lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành hoặc cán bộ của Đồng Nai, chỉ Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Các ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy và Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai không kháng cáo án tù về tội "Nhận hối lộ".

Xử phúc thẩm vắng mặt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - AIC - Ảnh 3.

Các bị cáo kháng cáo tại tòa phúc thẩm.

Theo hồ sơ, dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được UBND tỉnh ra quyết định đầu tư năm 2007 với tổng số vốn 889 tỷ đồng nhưng đến tháng 5/2010, tăng lên 1.080 tỷ đồng.

Chỉ 2 tháng sau, tổng mức đầu tư lại được điều chỉnh, tăng lên 1,904 tỷ đồng. Tất cả có 5 lần điều chỉnh, vốn đầu tư tăng từ 889 lên tới 2.076 tỷ đồng; khởi công năm 2008 và hoàn thành năm 2018.

Trong các lần tăng vốn nói trên, tỉnh Đồng Nai gặp khó vào năm 2010 khi cần bổ sung vốn đầu tư thiết bị chuyên môn. Do vậy, bị can Trần Đình Thành khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai gọi điện cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn "nhờ" xin vốn Trung ương.

Bà Nhàn đồng ý việc "hỗ trợ tỉnh xin vốn". Cáo trạng không thể hiện nữ Chủ tịch AIC có tác động tới người, cơ quan có thẩm quyền hay không. Ông Thành cũng khai không rõ bà Nhàn "tác động bộ, ngành nào?".

Xử phúc thẩm vắng mặt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - AIC - Ảnh 4.

Phan Huy Anh Vũ là cán bộ duy nhất thuộc Đồng Nai có kháng cáo.

Sau đó, đoàn công tác của Đồng Nai làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì dự án bệnh viện được tăng 30% tổng mức đầu tư để bổ sung phần thiết bị y tế. Ông Thành lập tức chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện hồ sơ bổ sung cho dự án.

Tiếp đến, bà Nhàn chỉ đạo nhân viên của mình là Hoàng Thị Thúy Nga gặp ông Trần Đình Thành và bị can Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai tại một nhà hàng.

Trong bữa ăn, ông Thành giao cho Vũ việc "tạo điều kiện" để AIC trúng thầu các gói thầu thiết bị y tế của dự án bệnh viện vì đây là doanh nghiệp có khả năng, uy tín và "có nhiều mối quan hệ với Trung ương, có công xin vốn cho tỉnh".

Sau đó, AIC thực sự trúng 16 gói thầu tổng trị giá 665 tỷ đồng tại Bệnh viện Đồng Nai sai quy định, gây thiệt hại 152 tỷ đồng. Bị cáo Nhàn và cấp dưới cũng hối lộ 43,8 tỷ đồng cho nhóm Thành, Vũ và Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem