Liên quan đến đề nghị của luật sư về việc rút tội danh làm giả con dấu đối với bị cáo Huyền Như, VKS khẳng định hành vi làm giả con dấu là hành vi rất nguy hiểm và hành vi này đã xâm phạm đến quyền quản lý của nhà nước, cấu thành một tội danh độc lập do đó cần truy tố xét xử nếu không sẽ lọt người, lọt tội. Trong phiên tòa sáng nay (22.1), VKS vẫn giữ nguyên quyết định truy tố tội danh này.
Cũng trong phần đối đáp với 46 vị luật sư tham gia phiên tòa, VKS đề nghị cần áp dụng khoản 1 điều 42 của bộ luật hình sự buộc Huyền Như phải bồi thường toàn bộ thiệt hại này.
Huyền Như (áo hồng) tại tòa.
Các luật sư bảo vệ Ngân hàng ACB cho rằng, VKS đánh tráo khái niệm “hợp đồng chỉ thật với ACB nhưng giả với Vietinbank".
Đáp lại lời bào chữa của luật sư Lưu Văn Tám (luật sư bảo vệ Ngân hàng ACB), VKS cho rằng, Vietinbank không đưa ra lãi suất ngoài hợp đồng mà bằng thủ đoạn của Như và sự hợp tác nhiệt tình của ACB nên mới bị Như Chiếm đoạt tiền. Vì vậy hợp đồng này có giá trị với ACB chứ không có giá trị với Vietinbank. VKS trả lời, do vụ án đặc biệt nghiêm trọng, với số lượng lớn hồ sơ, luật sư phải mất cả tuần mới chụp hết.
Trước đó, tại toà ACB đưa ra tình tiết là thông báo số dư tài khoản mang tên Phạm Công Hoàng và cho rằng là tính tiết mới chứng minh tài khoản của ACB đã vào tài khoản Vietinbank và buộc Vietinbank phải bồi thường.
Về vấn đề này, theo VKS không phải là tình tiết mới và đã được cơ quan điều tra cập nhật. VKS lý giải, tiền của ACB có số dư hơn 700 tỷ đã được Như làm giả 65 thẻ tiết kiệm, số còn lại Như làm giả thêm 16 thẻ tiếp tục rút. Tổng số tiền 18,7 tỷ đồng trong tài khoản của 17 nhân viên ACB tại Vietinbank đã lên đến 21 tỷ bao gồm cả gốc và lãi. Và 21 tỷ trong tài khoản Như chưa rút được vì nhiều yếu tố khách quan, do vụ án bị phát hiện nên Như chưa chiếm đoạt được số tiền trên là ngoài ý muốn. Vì vậy thông báo số dư mà luật sư đưa ra tại phiên tòa VKS khẳng định đây không phải là tình tiết mới.
Tuy vậy, đáp lại ý kiến của VKS, luật sư Tám khẳng định: “Chính vì những vi phạm của Vietinbank mới dẫn đến việc mất tiền của khách hàng. Liên quan số tài sản bị Như chiếm đoạt thì trách nhiệm là Như phải trả tiền cho Vietinbank và Vietinbank có trách nhiệm phải trả lại cho khách hàng là hoàn toàn hợp lý”.
Đối với Công ty cổ phần chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS), VKS VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố cũng như trong phần luận tội. VKS chứng minh, sự bất cẩn của Công ty SBBS là ngay bước mở tài khoản và công ty này đã bị Như đánh tráo hồ sơ mở tài khoản với chữ ký và con dấu giả để làm giả thủ tục chiếm đoạt tiền của công ty SBBS. VKS khẳng định, công ty này không thực hiện đúng quy định để bị Như chiếm đoạt mất 210 tỷ đồng.
“Nói cách khác công ty này đã giao túi tiền của mình cho Như. Chính sự bất cẩn của công ty này ngay từ khi mở tài khoản và chuyển tiền theo yêu cầu của bị cáo Như chẳng khác nào công ty này mở khóa tủ tài sản của mình bỏ mặc cho Như định đoạt” - VKS khẳng định.
Đối với phần bào chữa của các luật sư bảo vệ cho các bị cáo khác trong vụ án, VKS tiếp tục giữ nguyên quan điểm truy tố do các bị cáo tạo điều kiện thuận lợi để Như chiếm đoạt tiền.
“Qua nhiều ngày xét xử, có nhiều ý kiến tranh cãi căng thẳng nên nhiều bị cáo phần lớn đều có dấu hiệu suy giảm sức khỏe. Tuy nhiên, để đảm bảo cho phiên tòa vẫn tiếp tục diễn ra, đề nghị các luật sư tranh luận tránh lặp đi, lặp lại nhiều lần trong một vấn đề. Điều đó sẽ làm cho phiên tòa thêm kéo dài và thêm căng thẳng thêm. Bởi vụ án không phải chỉ có vài trăm bút lục mà vụ án có đến 70 ngàn bút lục, toàn bộ hồ sơ vụ án cân nặng 300 kg chứ không phải 100kg. Vì vậy, đề nghị luật sư nêu những vẫn đề có liên quan đến nội dung bào chữa trong khuôn khổ chừng mực nhất định không nên mở rộng. Việc này, chủ tọa không phê phán gì mà chỉ nhắc lại” - Chủ tọa Nguyễn Đức Sáu lưu ý với các luật sư khi tham gia tranh tụng.
Chiều nay (22.1) phiên tòa sẽ tiếp tục tranh luận.
Võ Đức Phúc (Võ Đức Phúc)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.