Xuân đến với những người bị án oan

Ngọc Lương Thứ hai, ngày 15/02/2016 06:55 AM (GMT+7)
Người trước, người sau được giải án oan, với họ mùa xuân đến mang theo nhiều điều tốt lành, mở ra những mong chờ và kỳ vọng mới. Phóng viên NTNN gặp lại những con người từng gây chấn động dư luận những năm qua.
Bình luận 0

“Năm nay gia đình mới sum họp đầy đủ”

Được trả tự do trở về quê từ đầu tháng 11.2013, đã 2 năm đón tết cùng gia đình nhưng đối với ông Nguyễn Thanh Chấn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) thì Xuân Bính Thân này có một sự đặc biệt. Đó là gia đình ông được đoàn tụ đầy đủ, việc yêu cầu bồi thường oan sai cũng đã được nhà nước giải quyết xong.

img

Được về nhà từ hơn 2 năm trước nhưng tết này gia đình ông Chấn mới được sum họp đủ. Ảnh: T.L

“Tháng 4.2015, tôi chính thức được TAND Tối cao tổ chức xin lỗi tại địa phương. Hai tháng sau con gái tôi là Nguyễn Thị Quyền cũng về nước sau 6 năm biền biệt đi làm thuê ở Đài Loan. Quý III.2015, các cơ quan chức năng cũng đã giải quyết xong việc bồi thường hơn 7,2 tỷ đồng cho tôi. Hai tết trước tôi đón xuân cùng gia đình trong niềm vui của người tù được minh oan sau 10 năm trong trại giam, nhưng vẫn thấy thiếu bởi đứa con gái vẫn biền biệt nơi đất khách không biết cuộc sống ra sao. Năm nay chính thức gia đình tôi mới được sum họp đầy đủ" - ông Chấn cười bảo.

Nhớ lại những lần đón tết trước, ông Chấn kể: "Năm 2004, tôi đón cái tết đầu tiên trong tù ở Trại Kế, Bắc Giang. Từ cái tết thứ hai trở đi, tôi ở trại giam Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc. Những năm đón tết trong tù, tôi không nhớ gì hơn ngoài sự buồn tủi vì oan ức không thể giãi bày". Tiếp lời chồng, kể về những ngày còn phải đi tiếp tế cho chồng vào mỗi dịp tết đến, bà Nguyễn Thị Chiến nói trong nước mắt: "Cứ khoảng 25-27 Tết, mấy mẹ con tôi lại dắt díu nhau lên thăm chồng, thăm cha. Thường ngày, tiền bạc đã không có vì làm bao nhiêu đều dồn cho việc đi kêu oan, đến tết thì nhà gom được chút gì thì đem lên thăm nuôi".

Tạm gạt những chuyện buồn tủi trong quá khứ, bà Chiến khoe, đón tết năm nay gia đình ông bà đã xây được gian bếp mới rộng khoảng 40m2, có công trình phụ khép kín, làm được giếng khoan nên không còn phải dùng nước giếng khơi nữa. "Căn nhà lụp xụp từ thời bố mẹ anh Chấn thì vẫn giữ nguyên, sân gạch trước nhà cũng vậy, chúng tôi chưa có kế hoạch gì cả bởi vợ chồng cứ đau ốm, thường xuyên phải đi điều trị"- giọng bà Chiến chùng xuống.

Trước Tết Nguyên đán Bính Thân, vợ chồng ông Chấn phải đưa nhau  lên Hà Nội, vào Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 khám và mua thuốc, mỗi người hết hơn 7 triệu đồng. Được hỏi về dự định tiếp theo, cả hai vợ chồng chia sẻ, khoản tiền nhà nước bồi thường để gửi tiết kiệm để lo cho con cái và lo cho sức khỏe tuổi già. 

“Năm mới mong không phải đi đòi bồi thường”

Nhấp chén trà nóng và nhìn ra đường với khung cảnh phố phường tấp nập, ông Lương Ngọc Phi (68 tuổi, ở phường Quang Trung, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) ngậm ngùi: "Người ta bảo khi Tết đến, Xuân về mọi việc trong năm được giải quyết xong xuôi thì ăn tết sẽ vui hơn. Nhưng việc đòi bồi thường của tôi kéo dài đến nay đã 12 năm vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Cuối tháng 11.2015, TAND tỉnh Thái Bình đã đình chỉ vụ án, chấp nhận bản án của TAND thành phố Thái Bình tuyên bồi thường cho tôi gần 23 tỷ đồng, thế nhưng việc nhận bồi thường của tôi đến nay vẫn phải chờ".

img

Ông Lương Ngọc Phi mong năm mới không còn dính đến chuyện kiện tụng. Ảnh: N.L

Ra khỏi tù năm 2001 sau 1.066 ngày oan trái, ông Lương Ngọc Phi nhớ lại: "Lúc đó tôi xúc động lắm, sung sướng lắm khi Tết đến Xuân về được sum vầy đầm ấm bên gia đình. Từ một giám đốc doanh nghiệp tư nhân đang xông xáo trên thương trường, bỗng bị rơi vào cảnh suốt ngày giữa bốn bức tường, còn gì cay đắng hơn hả anh. Tôi phải đón 3 cái tết trong trại tạm giam, đó là những cái tết tủi cực chẳng thế nào quên được. Lúc đó tôi chỉ mong vụ án của mình sớm được làm sáng tỏ, được minh oan". 

"Tôi phải đón 3 cái tết trong trại tạm giam, đó là những cái tết tủi cực chẳng thế nào quên được. Lúc đó tôi chỉ mong vụ án của mình sớm được làm sáng tỏ, được minh oan".

Ông Lương Ngọc Phi

Ông Phi là Giám đốc Công ty Khai thác chế biến nông hải sản xuất nhập khẩu Hòa Bình (Thái Bình). Năm 1999, ông bị TAND tỉnh Thái Bình kết án oan 17 năm tù về 2 tội (trốn thuế và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa). Toàn bộ tài sản của ông gồm nhà xưởng, ô tô, và nhiều hàng hóa nông sản... đều bị phát mãi. Sau đó đã được các cơ quan tố tụng minh oan.

"Người ta năm hết tết đến ngồi tổng kết lại việc làm ăn, còn tôi hàng chục năm nay cứ ngồi phải tổng kết chuyện kiện tụng đòi bồi thường oan sai" - ông Phi cười gượng gạo chỉ vào chồng hồ sơ nặng cả chục kg.

Chồng hồ sơ cho thấy, năm 2004, ông Phi bắt đầu việc đòi bồi thường. Ông đã 6 lần thương lượng với đại diện TAND tỉnh Thái Bình nhưng bất thành. Năm 2007, ông đã phải khởi kiện TAND tỉnh Thái Bình, đơn vị thụ lý vụ án là TAND thành phố Thái Bình. Nhận thấy vụ án phức tạp, TAND thành phố Thái Bình đã tách vụ kiện về phần bồi thường thiệt hại do đi tù oan riêng, phần bồi thường thiệt hại về tài sản riêng.

Năm 2010, TAND tỉnh Thái Bình đã bồi thường cho ông Phi 666 triệu đồng, đây là số tiền bồi thường cho việc ông Phi đi tù oan và thu nhập bị mất. Còn vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản, 6 năm kể từ ngày khởi kiện mới được đưa ra xét xử nhưng bản án sau đó bị hủy.

Đến tháng 8.2015, TAND thành phố Thái Bình đã xử sơ thẩm và tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình bồi thường cho ông Phi gần 23 tỷ đồng. "Tôi rất mong các cơ quan chức năng hoàn tất các thủ tục cần thiết để nhà nước chi trả khoản tiền bồi thường cho tôi. Có như vậy tôi mới kết thúc được hành trình đi đòi bồi thường dài đằng đẵng, sang năm mới được an hưởng tuổi già bên con cháu" - ông Phi giãi bày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem