Xuất hiện 17 loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại ở An Giang, đó là những cây gì, con gì?

Thứ bảy, ngày 02/04/2022 13:03 PM (GMT+7)
Trong số 11 loài ngoại lai xâm hại xuất hiện, đáng chú ý các loài mai dương, ốc bươu vàng, bọ cánh cứng hại lá dừa, lục bình hiện đã xuất hiện ở hầu khắp các huyện trên địa bàn tỉnh An Giang.
Bình luận 0

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, năm 2021, An Giang ghi nhận sự xuất hiện của 17 loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT.

Tại An Giang ghi nhận 11 loài ngoại lai xâm hại gồm trinh nữ thân gỗ (cây mai dương), ốc bươu vàng, bọ cánh cứng hại lá dừa, cá tỳ bà (cá lau kính, cá dọn bể), bèo tây (bèo lục bình, bèo Nhật Bản), rùa tai đỏ, trinh nữ móc, cây ngũ sắc (bông ổi), tôm càng đỏ, ốc sên châu Phi và cỏ lào.

Đáng chú ý, các loài mai dương, ốc bươu vàng, bọ cánh cứng hại lá dừa, lục bình hiện đã xuất hiện ở hầu khắp các huyện trên địa bàn tỉnh An Giang.

Xuất hiện 17 loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại ở An Giang, đó là những cây gì, con gì? - Ảnh 1.

Ốc bươu vàng gây hại. (Ảnh: Công Luật/TTXVN).

An Giang cũng ghi nhận 6 loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại gồm cây keo giậu, cây lược vàng, ruồi đục quả, cây cứt lợn (cỏ cứt heo), cá rô phi đen và cá chim trắng.

Thời gian qua, bên cạnh công tác quản lý về loài ngoại lai xâm hại như ban hành các quy định, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, nhiều địa phương trên địa bàn An Giang đã tổ chức các hoạt động cụ thể để cô lập, diệt trừ tập trung vào một số loài có nguy cơ lây lan, phát tán cao như trinh nữ thân gỗ, ốc bươu vàng, bọ cánh cứng hại lá dừa…

Đối với cây trinh nữ thân gỗ (mai dương) tỉnh đã lựa chọn khu vực bị cây mai dương xâm lấn trên diện rộng để tổ chức ra quân diệt trừ kết hợp các biện pháp thủ công, cơ giới và hóa học như: chặt hạ cây lớn vào đầu năm (sau thời vụ xuống giống Đông Xuân) để tận dụng làm chất đốt; phun thuốc hóa học theo hướng dẫn để diệt trừ cây non vào giữa mùa mưa (khoảng tháng Năm, tháng Sáu); chặt hạ lần cuối vào tháng Tám (trước khi lũ về) đối với các khu đất ngập nước.

Đồng thời, vận động nông dân đưa đất đai bị cây mai dương xâm nhiễm vào gieo trồng các loại cây nông nghiệp khác có sức cạnh tranh cao hơn.

Đối với ốc bươu vàng, ngành Nông nghiệp hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp diệt trừ trước khi canh tác nông nghiệp như thả vịt vào ruộng lúa trước khi cấy hoặc sau khi thu hoạch để ăn ốc non; làm thức ăn cho một số loài thủy sản; đặt cắm cọc dọc theo bờ ruộng bắt ổ trứng; sử dụng một số loại thuốc hóa học diệt trừ.

Riêng đối với bọ cánh cứng hại lá dừa, ngành Nông nghiệp hướng dẫn biện pháp phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa bằng ong ký sinh Asecodes hispinarum.

Theo điều tra, đến thời điểm hiện tại, ong ký sinh Asecodes hispinarum vẫn tồn tại trong môi trường tự nhiên góp phần khống chế sự phát triển của loài.

Ông Tô Hoàng Môn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, tỉnh đã huy động các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh An Giang thực hiện nhiều giải pháp ngăn ngừa, kiểm soát, diệt trừ loài ngoại lai xâm hại góp phần hạn chế tác hại do việc lây lan, phát tán của chúng đến các hệ sinh thái, bảo tồn loài bản địa, bảo vệ hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh được bền vững.

Để phòng ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan quản lý gồm 10 sở, ban, ngành và 11 huyện, thị xã, thành phố trong quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; thực hiện kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm liên quan đến loài ngoại lai xâm hại trong hoạt động nhập khẩu, hoạt động kinh doanh…

An Giang cũng tiếp tục triển khai công tác điều tra, thống kê lập danh mục loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở xác định khu vực phân bố, lập kế hoạch cô lập và diệt trừ loài thuộc danh mục loài ngoại lai xâm hại theo Luật Đa dạng sinh học; tuyên truyền nhân dân địa phương nhận thức rõ về tác hại của loài ngoại lai xâm hại, góp phần chung tay, góp sức kiểm soát, tiêu diệt loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn địa phương lập kế hoạch cô lập và diệt trừ loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn theo quy định của Luật Đa dạng sinh học sau khi đã điều tra, lập Danh mục loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh; cung cấp tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn quản lý loài ngoại lai xâm hại để địa phương thực hiện công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.

Thanh Sang (TTXVN/Vietnam+)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem