Xuất hiện “hàng nhái” của 2 loại đặc sản miền Tây là cá linh, bông điên điển, thực hư thế nào?

Thứ bảy, ngày 10/08/2024 12:51 PM (GMT+7)
Mùa nước nổi miền Tây Nam Bộ đi kèm với nhiều loại đặc sản dân dã, nhất là con cá linh và bông điên điển. Cá linh non kho lạt, ăn kèm bông điên điển đã trở thành món ăn độc đáo và nổi tiếng nhất trong mùa nước nổi. Thời gian qua xuất hiện “hàng nhái” của 2 loại đặc sản này, không đúng nguồn gốc xuất xứ tự nhiên.
Bình luận 0

Cá linh có nguồn gốc từ biển hồ Tonle Sap, vương quốc Campuchia, theo con nước từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về đồng bằng sông Cửu Long. Từ khoảng rằm tháng 6 âm lịch hằng năm, cá linh bắt đầu xuất hiện trên các dòng sông vùng đầu nguồn biên giới Tây Nam nhưng còn rất bé nên gọi cá linh non. Cùng thời điểm này, cây điên điển mọc tự nhiên cặp các bờ sông biên giới bị ngập nước, trổ bông vàng rượm mỗi sớm mai.

Cá linh to gấp đôi, giá rẻ gần phân nửa?

Ông Nguyễn Văn Đượm chỉ tay về phía ngã ba sông, đầu chợ Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang, nơi đón nhận những dòng nước đầu tiên của dòng Mê Công (đoạn qua Campuchia gọi là sông Bassac) từ thượng nguồn đổ vào Đồng bằng sông Cửu Long. “Tháng bảy, nước nhảy khỏi bờ”, bữa nay 29 tháng 6 âm lịch rồi mà nước trên sông chẳng bao nhiêu. Nước nổi về chậm thì cua cá, nhất là con cá linh non cũng không nhiều”, ông Đượm nói.

Xuất hiện hàng nhái của 2 loại đặc sản miền Tây dân dã là cá linh và bông điên điển, thực hư ra sao?- Ảnh 1.

Cá linh non kho lạt ăn kèm bông điên điển là món đặc sản mùa nước nổi miền Tây.

Dọc theo sông Bình Di từ thị trấn Long Bình hướng về xã Khánh Bình, huyện An Phú, một nhánh lớn của sông Hậu nằm ngay ngã ba sông, chia sẻ nguồn nước từ sông Bassac. Hỏi thăm các ngư dân nuôi cá lồng bè trên sông này, mới biết nguồn cá tự nhiên, nhất là cá linh non “chạy” yếu.

“Mấy chỗ đặt đáy kia mà mỗi ngày đổ được chỉ vài ký cá linh non. Dân ở đây muốn ăn cá linh non hay mua nhiều gửi tặng người thân cũng không có. Con nước lên chậm, dân làm nghề hạ bạc vùng đầu nguồn đang ngóng lũ, ngóng cá tôm”, ông Tư Cao, một ngư dân tại đây cho biết.

Cũng theo ông Cao, hiện tại các cánh đồng biên giới đầu nguồn tỉnh An Giang vẫn chưa ngập nước. Trong khi, môi trường sinh trưởng của các loài cá tự nhiên trong mùa nước nổi là các cánh đồng ngập lũ. Tư Cao quả quyết: “Không có nước nổi tràn đồng thì cũng chẳng có cá tôm. Con cá linh non chiếm số lượng lớn nhất trong mùa nước nổi, vậy mà giờ ngư dân cũng “tìm… đỏ con mắt””.

Nghịch lý là, nguồn cung tại “xứ cá” chẳng bao nhiêu, vậy mà tại các chợ của thành phố lớn, nhà hàng, quán ăn lại dồi dào, muốn bao nhiêu cũng có. Qua tìm hiểu thực tế tại các chợ Mỹ Bình, phường Mỹ Bình; chợ Mỹ Long, phường Mỹ Long; chợ Bình Khánh, phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang cũng có bán cá linh non, nhưng số lượng chỉ vài kilogam mỗi ngày.

Xuất hiện hàng nhái của 2 loại đặc sản miền Tây dân dã là cá linh và bông điên điển, thực hư ra sao?- Ảnh 2.

Vùng đầu nguồn nước nổi An Giang rất ít cá linh non, nhưng các chợ ở thành phố Cần Thơ thì bán cá linh to, giá rẻ gần phân nửa.

“Cá linh non năm nay xuất hiện muộn hơn năm ngoái nên đến thời điểm này cá chỉ bằng đầu đũa ăn cơm. Mỗi ngày bạn hàng từ biên giới Tây Nam giao cho các chợ, mỗi người chỉ được chừng 2kg thôi, nên đâu có dám nhận đặt hàng. Cá linh non ở đây tui bán 300.000 đồng/kg cá đã móc hầu, lấy ruột”, chị Linh, bán cá ở chợ Mỹ Bình nói.

Rảo quanh một số chợ ở thành phố Cần Thơ cũng thấy nhiều người bày bán cá linh, nhưng cá to gấp đôi so với cá linh non tự nhiên bắt được ở đầu nguồn, mà giá lại rẻ hơn gần phân nửa.

Xuất hiện hàng nhái của 2 loại đặc sản miền Tây dân dã là cá linh và bông điên điển, thực hư ra sao?- Ảnh 3.

Cá linh non được bán tại chợ khu dân cư 586, phường Phú Thứ, quận Cái Răng với giá 200.000 đồng/kg.

Tại chợ khu dân cư 586, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, một người phụ nữ đang móc hầu, lấy ruột liên tục mời khách mua cá linh non. Cạnh đó là một túi ni-lông đựng vài ký cá linh còn nhảy tanh tách mà không cần oxy hay nước chảy. “Cá linh non này tui lấy ở Long Xuyên, tỉnh An Giang, mua đi chú, tui bán 200.000 đồng/kg”, người phụ nữ khẳng định.

Cách đó không xa, một người phụ nữ khác cũng mời khách mua cá linh non, nhưng nguồn gốc được mua từ thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, mà giá bán cũng như người bên cạnh. Tôi ướm thử, cá linh ở đây có kích thước khá đều nhau, cỡ bằng ngón tay út của người trưởng thành.

Còn chị T., tại chợ cá Tân An, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ bày thau cá linh hơn 5kg và quả quyết là cá linh non vùng biên giới Tây Nam. Thế nhưng, kích thước cá linh ở đây khá to và đều, có con to bằng ngón tay áp út. “Muốn bao nhiêu kilogam cũng có, chỉ cần chiều hôm trước gọi điện thoại cho tôi là sáng hôm sau có cá”, chị T., quả quyết.

Xuất hiện hàng nhái của 2 loại đặc sản miền Tây dân dã là cá linh và bông điên điển, thực hư ra sao?- Ảnh 4.

Cá linh non được bán tại chợ Tân An, phường Tân An, quận Ninh Kiều với kích thước to cỡ ngón tay út, muốn mua bao nhiêu cũng có(?)

Có thể là cá trôi, cá linh nuôi

Không chỉ tại chợ, mà nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố Cần Thơ cũng đưa món cá linh non nằm nổi bật trong thực đơn. Tuy nhiên, một vài nơi lại không phải cá linh “rặt” có nguồn gốc tự nhiên. Khi bị khách chất vấn, quản lý một nhà hàng nói “cũng không biết chắc nữa, do mối lái ở chợ giao hàng, nói cá linh non thì tin là cá linh non”.

Món cá linh non kho lạt ăn kèm với bông điên điển đã trở nên nổi tiếng và là đặc sản riêng có của mùa nước nổi ở miền Tây. Cũng như con cá linh, bông điên điển chỉ nở hoa khi con nước nổi tràn bờ, ngập lút nửa thân cây. Thế nhưng, để phục vụ nhu cầu ẩm thực của khách, người dân đã đem cây điên điển về trồng quanh bờ ruộng rồi bơm nước vào giữ quanh năm, kích thích điên điển ra hoa, bất chấp quy luật mùa màng mà không đợi tới mùa nước nổi.

Chi cục Trưởng chi cục Thủy sản Cần Thơ Trần Thanh Hải nói rằng, chuyện cá linh non bị “làm giả” nguồn gốc xuất xứ hay dùng chủng loại cá khác có hình dáng giống cá linh đã từng xảy ra trước đây.

“Chỉ có dân chuyên môn về thủy sản thì nhìn là phân biệt ngay cá linh non thiệt hay “nhái”, chứ người dân, thực khách không nhiều người phân biệt được. Thường thì người ta dùng cá trôi Ấn Độ (cá ươm giống), cá trắm (cá ươm giống) hoặc cá linh nuôi, chứ không phải cá linh non có nguồn gốc đánh bắt tự nhiên”, ông Hải nói.

Xuất hiện hàng nhái của 2 loại đặc sản miền Tây dân dã là cá linh và bông điên điển, thực hư ra sao?- Ảnh 5.

Cá linh non trong rổ này khá to, sống khỏe mà không cần ô-xy, được bán ở chợ khu dân cư 586 quận Cái Răng.

Theo ông Hải, Cần Thơ nằm ở trung lưu gần về hạ lưu của sông Hậu nên trên sông rạch thời điểm này không có cá linh non. Cá trôi, cá trắm khi còn bé có hình dáng khá giống cá linh non, nhưng khi trưởng thành có kích thước rất lớn, với trọng lượng từ một đến vài kilogam mỗi con”.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cần Thơ cũng cho biết, con cá linh non vì còn bé nên rất yếu, dễ chết nếu đưa lên khỏi dòng nước chảy. Trước đây, người dân đi bán cá linh non phải đi bằng ghe đục, xuồng đục (đục lỗ ở hai bên be (bằng gỗ) xuồng cho nước chảy vô ra, tạo ô-xy cho cá thở). Bởi vậy, khi cân cá, lấy vợt xúc lên cá linh non nhảy tanh tách.

Bây giờ để vận chuyển cá linh non đi xa phải bơm ô-xy vào túi ni-lông. Nhưng chỉ cần bỏ cá ra thau một lúc là nó chết nên phải móc hầu, lấy ruột ngay, tránh cho cá bị ươn. “Những loại cá không phải cá linh non “thật”, thí dụ như cá trôi, cá trắm nó mạnh hơn, có thể sống lâu hơn khi không cần ô-xy”, ông Hải chia sẻ thêm.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản An Giang cho biết, cá linh non tự nhiên chỉ mới xuất hiện ở vùng đầu nguồn biên giới Tây Nam khoảng 1 tuần nay với kích thước rất nhỏ. “Nhưng cá linh non đã được bán cả tháng nay rồi. Đó là cá linh nhân tạo được ươm giống rồi bán ra thị trường. Nó cũng là cá linh non, nhưng không phải nguồn gốc tự nhiên trong mùa nước nổi”, ông Dũng nói.

Quốc Dũng (nhandan.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem