Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2015, dù chịu tác động của dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cả vật tư, thức ăn tăng mạnh… song chăn nuôi tiếp tục duy trì được tốc độ ấn tượng từ 4,5 – 5%/năm.
Đến năm 2015, ước tính tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt khoảng 205.400 tỷ đồng; tổng sản lượng thịt hơi tăng bình quân 3,38%/năm, trong đó thịt lợn tăng 2,7%, thịt gia cầm và trứng tăng lần lượt 10%/năm và 7,56%/năm. Sữa tươi là sản phẩm có mức tăng trưởng đột phá nhất trong 5 năm 2011 – 2015 với mức tăng lên tới 22,1%/năm.
Cục Chăn nuôi đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Ảnh: TX
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, năm 2014 sản lượng thịt lợn hơn đạt 4,6 triệu tấn, cùng 877.000 tấn thịt gia cầm, 49.000 tấn mật ong… bình quân đầu người đạt 32,5kg thịt xẻ, 90 quả trứng và 18 lít sữa/năm. Từ một nước thiếu thốn trầm trọng về thực phẩm, đến nay, có thể nói nhiều sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước như trứng, thịt lợn, thịt gia cầm… đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, một số sản phẩm chăn nuôi đã có xuất khẩu. Trong đó phải kể tới, trứng muối xuất khẩu 30 triệu quả mỗi năm sang Singgapore, Malaysia, Hong kong… Đặc biệt, mật ong, hiện Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều nhất trên thế giới vào thị trường Mỹ.
“Việt Nam cũng đã tạo ra được nhiều giống lợn, gia cầm, giống bò mới sử dụng có hiệu quả; nhiều tiến bộ kỹ thật được ứng dụng rộng rãi như công nghệ chăn nuôi khép kín, đệm lót sinh học, bể biogas, quản lý đàn bằng công nghệ thông tin, công nghệ lai tạo giống…”- ông Vân nói.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT đã tặng bằng khen cho tập thể Báo Nông Thôn Ngày Nay và nhà báo Nguyễn Thanh Xuân vì đã có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2010 – 2015.
|
Ngoài những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi cũng thẳng thắn nhìn vào những tồn tại như: Năng suất chăn nuôi còn thấp so với khu vực và thế giới; chăn nuôi còn phân tán, nhỏ lẻ; công tác giống chưa đồng bộ và chậm đổi mới; tổ chức sản xuất còn nhiều yếu kém; phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được thực hiện tốt; chi phí cho sản xuất cao, nhất là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nước ngoài…
Để chăn nuôi phát triển bền vững khi tham gia TPP và các hiệp định thương mại tự do khác, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Cần phải tìm mọi giải pháp giảm giá thành chăn nuôi và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; xây dựng các sản phẩm chăn nuôi có thương hiệu quốc gia và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chăn nuôi”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.