Xuất khẩu cà phê của Việt Nam cao nhất lịch sử, doanh nghiệp cà phê làm ăn thế nào?

Nguyễn Phương Thứ tư, ngày 16/10/2024 14:22 PM (GMT+7)
Kết thúc niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm 11,3% so với niên vụ trước, nhưng kim ngạch thu về đạt kỷ lục hơn 5,4 tỷ USD. Dù kim ngạch xuất khẩu cà phê cao kỷ lục, song tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cà phê đến nay lại biến động rất khác nhau...
Bình luận 0

Xuất khẩu cà phê cao chưa từng có, nhiều doanh nghiệp lại thua lỗ 

Kết thúc niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê xuất khẩu giảm 11,3% so với niên vụ trước, nhưng kim ngạch thu về đạt kỷ lục hơn 5,4 tỷ USD. Hiện giá cà phê đã hạ nhiệt so với những tháng trước nhưng vẫn cao hơn khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,1 triệu tấn, tương đương giá trị kim ngạch hơn 4,3 tỷ USD, giảm 11,7% về lượng nhưng tăng 38,7% giá trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù sản lượng giảm nhưng nhờ giá tăng mạnh nên kim ngạch xuất khẩu cà phê đã vượt mốc 4,24 tỷ USD đạt được trong cả năm 2023, và thiết lập mốc kỷ lục mới.

Như vậy, kết thúc niên vụ 2023-2024 (từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm nay), Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 1,47 triệu tấn cà phê, giảm 11,3% so với niên vụ trước.

Tuy nhiên, giá trị kim ngạch xuất khẩu trong niên vụ vừa vẫn tăng tới 33%, lên mức 5,42 tỷ USD - cao nhất trong lịch sử do được thúc đẩy bởi giá cà phê xuất khẩu cao hơn gần 50% so với niên vụ trước, đạt bình quân 3.673 USD/tấn.

Tính riêng trong tháng 9 vừa qua, giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 5.469 USD/tấn - mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 68,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cà phê cao nhất trong lịch sử, doanh nghiệp cà phê làm ăn thế nào? - Ảnh 1.

Riêng quý II/2024, Cà phê Thắng Lợi chỉ đạt doanh thu 99 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 19 tỷ đồng, tăng vọt 1.571%.

Dù kim ngạch xuất khẩu cà phê cao kỷ lục, song tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cà phê lại khác nhau đáng kể, ở niên vụ 2023-2024.

Nằm trong số doanh nghiệp lãi là Cà phê Thắng Lợi (mã CFV), một trong những doanh nghiệp cà phê lớn tại Đắk Lắk. Trong nửa đầu năm 2024 doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt đến 29 tỷ đồng, tăng gần 26 tỷ so với năm ngoái, dù doanh thu thuần giảm 32 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, đạt 265 tỷ đồng.

Riêng quý II/2024, Cà phê Thắng Lợi chỉ đạt doanh thu 99 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 19 tỷ đồng, tăng vọt 1.571%. Theo Cà phê Thắng Lợi, việc lợi nhuận tăng mạnh xuất phát từ giá cà phê trong nước tăng đột biến. Công ty đã tập trung thu mua cà phê trước khi bán ra, đồng thời tiết giảm chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cũng là doanh nghiệp có lợi nhuận lớn. Doanh nghiệp này cho biết, 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu hợp nhất là của Vinacafe đạt 1.579 tỷ đồng; trong đó, Công ty mẹ đạt 988 tỷ đồng, bằng 107% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hợp nhất đạt 10,6 tỷ đồng; trong đó, Công ty mẹ đạt 4,6 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 63 tỷ đồng; trong đó, Công ty mẹ đạt 13,5 tỷ đồng.

Vinacafe thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 trong điều kiện giá cà phê tăng cao mang lại cơ hội lớn cho Tổng công ty.

Xuất khẩu cà phê cao nhất trong lịch sử, doanh nghiệp cà phê làm ăn thế nào? - Ảnh 2.

Kết thúc niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê xuất khẩu giảm 11,3% so với niên vụ trước, nhưng kim ngạch thu về đạt kỷ lục hơn 5,4 tỷ USD.

Ngược lại với số doanh nghiệp có lãi, nhiều công ty cà phê lại đang rơi vào cảnh thua lỗ hoặc có lợi nhuận giảm. Vinacafé Biên Hòa (mã VCF) là công ty có doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại giảm.

6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Vinacafé Biên Hòa đạt 1.072 tỷ đồng, tăng 63 tỷ đồng so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ đạt 167 tỷ đồng, giảm 8 tỷ so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính được giải thích là do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, không bù đắp được mức tăng của doanh số. 

Công ty CP Cà phê Phước An (mã CPA) cũng là doanh nghiệp có doanh thu tăng nhưng vẫn lỗ. Cà phê Phước An ghi nhận tổng doanh thu gần 13 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, tăng 66% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty vẫn lỗ gần 2 tỷ đồng.

Công ty CP Cà phê Gia Lai (mã cổ phiếu FGL) thì chưa có doanh thu chính và lỗ nặng. Cà phê Gia Lai báo lỗ gần 14,3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024 sau soát xét. 

Nguyên nhân chủ yếu là do công ty chưa thu được doanh thu từ cà phê nhân xô, mặt hàng chính mang lại lợi nhuận. Thời gian thu hoạch cà phê của công ty chỉ bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 12/2024, nghĩa là toàn bộ cà phê vụ trước đã được bán hết trong năm 2023.

Bên cạnh đó, chi phí quản lý và tài chính tăng cao, cộng thêm các chi phí khác liên quan đến việc phá bỏ các vườn cây kém hiệu quả, đã khiến tình hình kinh doanh của công ty thêm phần khó khăn.

Công ty CP Cà phê Petec (mã cổ phiếu PCF) cũng có doanh thu lao dốc, lãi thấp. Trong quý I/2024, doanh thu của công ty chỉ đạt 10 tỷ đồng, so với 105 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 37 triệu đồng, giảm mạnh so với 202 triệu đồng cùng kỳ. Cổ phiếu của doanh nghiệp này đang bị đưa vào diện cảnh báo. Các kết quả kinh doanh quý II và III đầu chưa có.

CTCP Minh Khang Capital Trading Public (Mã: CTP) cũng có tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2024 không sáng sủa. CTP ghi nhận doanh thu thuần gần 709 triệu đồng. Công ty lỗ sau thuế 178 triệu đồng, trong khi 6 tháng đầu năm ngoái lãi 274 triệu đồng. Tại ngày 30/6, tổng tài sản của CTP đạt 152 tỷ đồng, giảm hơn 40 tỷ đồng so với đầu năm. 

Doanh nghiệp cà phê vẫn đối diện thế tiến thoái lưỡng nan

Ông Lương Tuấn Vũ, Tổng Giám đốc CTCP Hàng hóa Gia Cát Lợi, cho biết một thực tế, từ nhiều năm nay, cứ khi nào giá cà phê biến động lớn là doanh nghiệp lại khó khăn, thậm chí bị bể nợ.

Ở Tây Nguyên, trước đây cà phê thu hoạch xong được đem về nhà lưu trữ nhưng lưu trữ tại nhà dễ bị ẩm mốc do kho không đảm bảo tiêu chuẩn, cộng với tình trạng trộm cắp làm người trồng lo lắng. Vậy nên đa số người dân sẽ ký gửi lượng cà phê thu hoạch được cho các doanh nghiệp cà phê lớn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhận ký gửi của người dân thì phải đau đầu về bài toán kho bãi, vận chuyển, trông coi, chất lượng cà phê hao hụt, giảm sút. Để lưu kho lâu thì lỗ do nhiều chi phí, mà đem bán đi thì giá lên cao không có tiền để bù lỗ cho người nông dân.

Để tìm cách giải bài toán này nhiều doanh nghiệp đã phải rất đau đầu. Không nhận cà phê của người dân thì không có mối làm ăn. Nhận xong thì các loại chi phí phải chịu rồi vẫn phải canh bán giá nào cho tốt để có lợi nhuận. 

Cần nói thêm là nhiều doanh nghiệp khi kinh doanh đã sử dụng đòn bẩy tài chính lớn rồi vay mượn gia đình người thân. Họ chỉ muốn bán ổn định ăn chênh lệch giá, ví dụ mua cà phê của người dân 70 bán lại cho thương lái 71, 72 để kiếm chênh lệch giá mua bán để mong phát triển một cách bền vững. Nhưng giá cả cà phê lại đang biến động hàng ngày.

Khi doanh nghiệp sử dụng thêm đòn bẩy bằng việc mượn cà phê của nông dân đi mua bán ăn chênh lệch giá thì rủi ro là cực lớn. 

Xuất khẩu cà phê cao nhất trong lịch sử, doanh nghiệp cà phê làm ăn thế nào? - Ảnh 3.

Khi doanh nghiệp sử dụng thêm đòn bẩy bằng việc mượn cà phê của nông dân đi mua bán ăn chênh lệch giá thì rủi ro là cực lớn.

Hiện tại, cả thị trường cà phê trong và ngoài nước đều rất nhạy cảm với các thay đổi trong sản lượng. Sản lượng cà phê niên vụ mới của Việt Nam nhiều khả năng sẽ vẫn giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi.

Không những vậy, các đơn vị xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện đang phải vật lộn với áp lực tài chính, thiếu hụt sản phẩm và chi phí vận chuyển cao hơn, khiến họ thận trọng hơn khi nhận đơn đặt hàng mới.

Giá cà phê vẫn duy trì mức cao, nhưng câu chuyện về vay vốn tài chính, chi phí vận chuyển, thiếu hụt sản phẩm,… còn tiếp tục gây "đau đầu" cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê.

Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) - chia sẻ, niên vụ năm nay công ty sẽ giảm sản lượng xuất khẩu so với năm trước khoảng 15% (từ 115.000 tấn theo mục tiêu đề ra xuống 100.000 tấn).

Giá cà phê đang biến động nên doanh nghiệp không đủ nguồn tiền để mua lúc cao điểm dẫn đến việc cần phải giảm sản lượng kinh doanh. Đặc biệt là phải siết chặt nguồn hàng bán ra để quản lý rủi ro, tránh thiệt hại về kinh tế, chỉ khi có đủ hàng mới bán cho đối tác quốc tế. Hơn nữa, niên vụ 2024 - 2025, cà phê tại địa bàn có khả năng mất mùa do hạn hán nên các doanh nghiệp cũng hết sức thận trọng trong hoạt động kinh doanh...



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem