Tại sao Việt Nam đang thúc đẩy việc chăn nuôi không nhốt lồng, chăn nuôi không nhốt lồng là gì?
Tại sao Việt Nam đang thúc đẩy việc chăn nuôi không nhốt lồng, chăn nuôi không nhốt lồng là gì?
Nghĩa Lê
Thứ tư, ngày 16/10/2024 10:10 AM (GMT+7)
Sáng ngày 15/10/2024, tại Trung tâm PN&PT ở Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổ chức Humane Society International phối hợp tổ chức hội thảo về "trứng sạch chuồng", chăn nuôi không nhốt lồng. Đây là cơ hội để các bên thảo luận thúc đẩy chăn nuôi theo các tiêu chuẩn phúc lợi của động vật tại Việt Nam...
Toàn cảnh hội thảo “Kết nối doanh nghiệp phúc lợi động vật tại Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội ngày 15/10/2024, nhằm thúc đẩy mô hình chăn nuôi không nhốt lồng và các tiêu chuẩn phúc lợi động vật. Ảnh: Nghĩa Lê
Phát biểu tại khai mạc, bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi và Thú y trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ: "Trong những năm vừa qua Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với tổ chức HSI để tuyên truyền mạnh mẽ về chăn nuôi không nhốt lồng và phúc lợi động vật. Ngoài chúng tôi thì còn các đối tác khác quan tâm về vấn đề này...".
Theo ông Nguyễn Duy Điều, đại diện trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết: "Chăn nuôi không nhốt lồng là mô hình chăn nuôi nơi động vật, đặc biệt là gia cầm như gà, được nuôi trong không gian mở, tự do di chuyển thay vì bị giam trong những chiếc lồng chật hẹp. Trong mô hình này, gà có thể tự do đi lại, đậu trên cành hoặc gặm thức ăn từ mặt đất, điều này giúp chúng sống gần với môi trường tự nhiên hơn".
Mô hình chăn nuôi không nhốt lồng không chỉ đơn thuần là một phương thức chăn nuôi, mà còn là một cách thể hiện sự tôn trọng và đối xử nhân đạo với động vật.
Theo bà Hải, các trường đại học liên quan đến ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng cần tuyên truyền mạnh mẽ cho sinh viên cũng phải biết về chăn nuôi không nhốt lồng và phúc lợi động vật tại Việt Nam.
Mặc dù ai cũng biết chăn nuôi theo phúc lợi động vật mang lại hiệu quả rất là to lớn, chất lượng sản phẩm nâng cao nhưng giá trị sản phẩm cũng phải nâng cao thì mới bền vững được".
Bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi và Thú y Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu khai mạc hội thảo, nhấm mạnh tầm quan trọng mạnh mẽ về tuyên truyền chăn nuôi không nhốt lồng. Ảnh: Nghĩa Lê
Hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi từ hệ thống chuồng sang sản xuất trứng sạch chuồng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc đạo đức.
Cũng tại hội thảo, bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc Quốc gia của HSI/Vietnam, phát biểu nhấn mạnh rằng: "Chuyển đổi sang sản xuất trứng sạch chuồng tại Việt Nam không chỉ là hoàn thành cam kết của doanh nghiệp, mà còn là xây dựng một tương lai nhân văn hơn cho ngành thực phẩm".
Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc Quốc gia của HSI/Vietnam, rất vui khi câu chuyện nuôi gà không nhốt lồng và phúc lợi động vật được biết đến rộng rãi hơn trên cả nước. Ảnh: Nghĩa Lê
Trong phiên đầu tiên của hội thảo, bà Lê Hằng, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của HSI, đã chia sẻ về các thực hành tốt nhất trong sản xuất trứng sạch chuồng, giới thiệu những thành công từ các nước trong khu vực.
"Việt Nam đang có vị trí tốt để dẫn đầu Đông Nam Á trong phong trào trứng sạch chuồng", bà Hằng cho biết, đồng thời kêu gọi sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ để hỗ trợ quá trình chuyển đổi.
Hội thảo cũng ghi nhận những nỗ lực từ các doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất trứng. Ông Trương Chí Cường, Phó Giám đốc Vĩnh Thành Đạt (V.Food), chia sẻ về vai trò tiên phong của công ty khi thành lập cơ sở sản xuất trứng sạch chuồng quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam.
"Bằng cách chuyển đổi sang sản xuất trứng sạch chuồng, chúng tôi không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu, mà còn nâng cao tiêu chuẩn phúc lợi động vật tại Việt Nam. Trong đó, công ty V.Food đang nỗ lực tối ưu hóa sản xuất trứng sạch chuồng và chúng tôi dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm trứng sạch chuồng dạng lỏng trong những tháng tới", ông Cường nói.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Tập đoàn Dabaco, cũng chia sẻ về hành trình mở rộng sản xuất trứng sạch chuồng của công ty Dabaco hiện sở hữu hai chuồng sạch và đang hợp tác với các nhà chế biến và bán lẻ để phát triển quy mô sản xuất, nhằm đáp ứng các yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Cục Chăn nuôi phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Kinh doanh để thiết lập tiêu chuẩn cụ thể, với mục tiêu nâng cao chất lượng phúc lợi động vật trong ngành chăn nuôi và xuất khẩu.
Đối với quan điểm "coi động vật là thực phẩm", bà Thẩm Hồng Phượng, đại diện từ Tổ chức HSI, nêu rõ tầm quan trọng của việc tôn trọng phúc lợi động vật.
Bà chia sẻ rằng, việc không giết mổ hoặc không nuôi theo mô hình trang trại là một thách thức lớn, nhưng cần có những phương án xử lý rác thải và phụ phẩm để đảm bảo phúc lợi động vật và môi trường.
Các lãnh đạo doanh nghiệp trong phiên thảo luận cũng nhấn mạnh việc tích hợp mô hình trứng không nhốt lồng vào quy trình thu mua, đồng thời duy trì quan hệ đối tác bền vững với các nhà cung cấp địa phương.
Điều này không chỉ giúp đảm bảo phúc lợi động vật mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài và bền vững trong ngành chăn nuôi tại Việt Nam.
Hội thảo kết thúc với phần hỏi đáp và bữa trưa giao lưu, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai, đồng thời tạo điều kiện để các đại biểu gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia từ HSI/Vietnam và NAEC.
Sự kiện được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu cam kết phát triển một ngành sản xuất thực phẩm nhân đạo và bền vững hơn tại Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.