Anh Nguyễn Văn Hậu - nông dân huyện Tam Bình (Vĩnh Long) cho biết: “Giá lúa đã lên trở lại. Hiện lúa thường có giá 5.800 đồng/kg, cao hơn hồi giữa tháng rồi khoảng 600 đồng/kg”.
Tạm yên tâm!
Tính đến đầu tháng 4 này, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các hợp đồng xuất khẩu mà doanh nghiệp đã ký nhưng chưa giao hàng còn đến hơn 1,5 triệu tấn (đã xuất được 1,85 triệu tấn). Trong khi đó, sau khi cân đối lượng gạo tồn kho, sản lượng vụ đông xuân… theo VFA, các doanh nghiệp chỉ cần ký thêm hợp đồng hơn 400.000 tấn nữa thì đã đạt kế hoạch xuất khẩu của quý 2 là 2 triệu tấn.
“Trong 3 tháng, thì con số ấy thừa khả năng đạt. Dự báo 6 tháng đầu năm Việt Nam có thể xuất khẩu được 3,85 triệu tấn” - giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL khẳng định.
Theo ông này phân tích, như chỉ riêng trong tháng 3.2011, các doanh nghiệp đã ký được các hợp đồng thương mại đến hơn 820.000 tấn. Như vậy, không cần đến các hợp đồng tập trung với tình hình thị trường hiện nay, kế hoạch xuất khẩu của quý 2 hoàn toàn có thể đạt được.
Dù những tháng đầu năm, thị trường truyền thống Philippines thay đổi chính sách, trì hoãn và giảm nhập khẩu, nhưng họ vẫn phải nhập gạo thông qua tư nhân. Do đó, nhiều khả năng các tư nhân ở Philippines vẫn tìm mua gạo của Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc dự báo vẫn sẽ tăng cường sản lượng gạo nhập khẩu. Và đáng nói nhất là Nhật Bản, sau thảm họa cũng sẽ tăng cường sản lượng lương thực nhập khẩu…
Với những thị trường đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể yên tâm về đầu ra và hướng tới kỷ lục mới của hạt gạo trong quý 2 này. Còn nhớ, 6 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu gạo đạt 3,35 triệu tấn; cùng kỳ năm 2009 là 3,8 triệu tấn.
Hiện tại, lượng gạo tồn kho tại các doanh nghiệp chỉ hơn 1,8 triệu tấn, thấp hơn con số dự kiến xuất được trong quý 2. Đây là cơ sở để nông dân có thể yên tâm, rằng giá lúa sẽ không giảm mạnh, ít nhất là đến đầu vụ hè thu tới.
Lo xa hơn
Mặc dù vậy, hiện nay khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam thấp do giá gạo Thái Lan đã giảm mạnh, gần tương đương giá Việt Nam, và nguồn cung lại dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu. Trong khi giá gạo Việt Nam đang biến động thường xuyên và khả năng cung cấp có hạn.
Đầu tháng 4.2011 giá gạo Thái Lan loại 5% tấm là 470USD/tấn, 25% tấm là 445USD/tấn, chỉ cao hơn gạo cùng loại của Việt Nam từ 10-15USD/tấn. Và chiến lược của Thái Lan hiện nay là cạnh tranh bán ra thay vì kềm giá, giữ tồn kho lớn như trước đây. Đồng thời, trong năm nay Chính phủ Thái Lan cũng tăng cường ngân sách, khoảng 1 tỷ USD để bảo hiểm giá lúa cho nông dân thay vì mất chi phí bởi lưu kho và thất thoát.
Theo báo cáo của VFA, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý 1 diễn biến khá phức tạp, nhưng đã nhanh chóng sắp xếp được thị trường và sản lượng xuất vẫn đạt ở mức cao nhất từ trước đến nay. Lũy kế cả quý 1 đạt gần 1,85 triệu tấn gạo các loại, trị giá (FOB) đạt 884,043 triệu USD, tăng 42,23% về lượng và 45,72% về trị giá (FOB) so với cùng kỳ năm 2010..
Do đó, nếu để tình hình kéo dài, tức nhún nhường và vô tình để mất dần khách hàng trong quý 2, Việt Nam nhiều khả năng sẽ mất thị phần lâu dài ở 2 thị trường Philippines và Trung Quốc- đang tăng cường nhập khẩu ở những tháng tới. Như vậy, theo dự báo của VFA, trong quý 3.2011, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn vì áp lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngành gạo, mới đây, chính phủ các nước ASEAN đã nhất trí ký bản Hiệp định ASEAN+3 về dự trữ gạo vào tháng 10 năm nay, với tổng số gạo dự trữ là 787.000 tấn. Theo đó, sẽ thành lập kho dự trữ gạo tại từng quốc gia nhằm tránh tình trạng "hỗn loạn" như đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008.
Ba nước đối tác của ASEAN gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng nhất trí với quyết định này. Điều này có nghĩa, sẽ có đợt nhập khẩu mới trong thời gian tới để bổ sung nguồn cho các kho dự trữ này. Quan trọng là Việt Nam phải đón đầu và khai thác tốt cơ hội.
Hoàng Quân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.