Về Ðất Mũi Cà Mau xem vùng rừng ngập mặn nuôi tôm sinh thái: Mô hình xanh – thu nhập khủng
Về Ðất Mũi Cà Mau xem vùng rừng ngập mặn nuôi tôm sinh thái: Mô hình xanh – thu nhập khủng
Tân Điền
Thứ bảy, ngày 14/09/2024 16:35 PM (GMT+7)
Cà Mau có gần 40.000ha nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn, trong đó có khoảng phân nửa diện tích đạt chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ canh tác theo hướng bền vững, thu nhập của nông dân tăng đáng kể.
Tôm sinh thái là con tôm lớn lên trong môi trường thiên nhiên, sống và kiếm ăn với bản năng tự nhiên. Nhờ đó con tôm không mang dư lượng chất kháng sinh, chất tăng trọng, hóa chất làm sạch môi trường. Tùy địa phương, tôm sinh thái phát triển với các hình thái canh tác khác nhau như tôm – rừng, tôm – lúa,…
Đối với tỉnh cực Nam tổ quốc, đặc trưng là hệ sinh thái rừng ngập mặn, mô hình tôm rừng - nuôi tôm dưới tán rừng đước chiếm phần lớn diện tích. Tôm sinh thái ở rừng ngập mặn là tôm sống trong môi trường nước lợ, có độ che phủ rừng tối thiểu 50% diện tích mặt nước nuôi.
Ông Phạm Văn Lẫm ở xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, có hơn 20 năm nuôi tôm dưới tán rừng đước là một trong những hộ khá thành công với mô hình. Ông kể, từ xa xưa, phần lớn tôm giống bắt từ tự nhiên rồi bỏ vào vuông tôm để chúng tự phát triển mà không cần chăm sóc. Sau này, khi nghề nuôi tôm phát triển, số lượng tôm giống tự nhiên giảm dần nên bà con phải mua thêm con giống nhân tạo về nuôi trồng, nhưng vẫn giữ phương pháp sản xuất truyền thống.
"Những năm sau này, canh tác tự nhiên không còn hiệu quả do chất lượng nguồn nước giảm dần, người tiêu dùng cũng khó tính hơn. Nông dân bắt đầu chuyển sang nuôi tôm sinh thái", ông Lẫm cho biết.
Cũng theo ông Lẫm, doanh nghiệp đứng ra liên hệ và thuyết phục người dân xây dựng vùng nuôi tôm sinh thái, bao tiêu sản phẩm cho người dân trong vùng. Những ngày đầu, người dân chưa quen, nhưng dần cùng hiểu rõ lợi ích của mô hình rồi làm theo. Việc lựa chọn con giống được nông dân chú ý hơn, mật độ thả cũng thưa hơn trước.
Nuôi tôm sinh thái về cơ bản không khác cách làm cũ, chỉ có thay đổi nhỏ là nông dân không dùng thức ăn công nghiệp, thuốc diệt cá tạp và các loại thuốc cấm. Tôm sinh thái thường được nuôi theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến, tùy vào điều kiện từng vùng mà mật độ nuôi có thể cao thấp khác nhau và có thể bổ sung con giống định kỳ hàng tháng. Trong quá trình nuôi, nông dân phải tuân thủ các quy định về sử dụng phân bón, vi sinh (có nguồn gốc hữu cơ).
Cách đó không xa, ông Phạm Thế Kiệp cho biết gia đình đang có hơn 5ha đang sản xuất theo mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng. "Rừng có tán làm cho nhiệt độ nước giảm là điều kiện tốt để thủy sản phát triển. Lá đước rơi xuống là thức ăn cho tôm, cua bên dưới. Thông thường, nông dân sẽ thu hoạch tôm dần sau từ 4 đến 6 tháng nuôi. Nếu năm nào làm tốt, nuôi tôm kết hợp với cua, sò huyết hiệu quả thì tôi có lợi nhuận vài trăm triệu đồng. So với cách nuôi truyền thống, nông dân có nguồn thu cao và bền vững hơn", ông Kiệp cho hay.
Theo thống kê của ngành chức năng, một số nguồn thu nhập từ mô hình nuôi tôm sinh thái trung bình với tôm từ 100 - 120 kg/ha/năm; cua khoảng từ 50 - 80 kg/ha/năm, cá các loại 50 kg/ha/năm; sò huyết khoảng từ 100 - 150 kg/ha/năm, tổng thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng/ha/năm. Tôm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế sẽ được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thu mua với mức giá cao hơn khoảng 5 - 10% so với sản phẩm truyền thống khác. Cũng nhờ đó, nông dân áp dụng mô hình sẽ bớt lo về đầu ra, giá cả bấp bênh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 250.000 - 500.000 ha/năm và hỗ trợ về con giống có chất lượng cao để thả nuôi. Ngoài thu nhập từ nuôi trồng thủy sản, người dân được hưởng thêm nguồn thu từ việc khai thác cây rừng khi đến tuổi khai thác theo quy định.
Chất lượng tôm vượt trội
Tại Cà Mau, mô hình nuôi tôm sinh thái hình thành và phát triển từ trước năm 2000. Khi thị trường đánh giá cao sản phẩm tôm sinh thái, nhiều doanh nghiệp đã phối hợp với các đơn vị quản lý rừng đầu tư, xây dựng vùng nuôi tôm theo các chứng nhận.
Hiện tỉnh có khoảng 40.000ha nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, tập trung nhiều nhất ở huyện Ngọc Hiển với gần 23.000ha, Năm Căn với hơn 7.600ha, Đầm Dơi khoảng 5.000ha và Phú Tân có 4.000ha. Trong số diện tích này có khoảng 20.000ha tôm nuôi đạt các chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Theo bà Bùi Ngọc Tố Nga, cán bộ quản lý dự án tôm sinh thái của một doanh nghiệp ở Cà Mau, nuôi tôm sinh thái phải lưu ý hai yếu tố quan trọng là con giống và chất lượng nước. Ở mô hình này, con tôm được nuôi thuần tự nhiên, chất lượng nước khó can thiệp nên phía công ty phải đảm bảo con giống tốt. "Khu vực này thường có diện tích nuôi rộng nên chúng tôi cũng có nghiên cứu qua, số lượng con giống thả nhiều hơn thì hiệu quả cũng tương đương. Quan trọng nhất là con tôm sạch và hoàn toàn có thể xuất khẩu đi các thị trường quốc tế khó tính", bà Nga cho biết.
Tỉnh Cà Mau đang xác định nuôi thủy sản dưới tán rừng là mô hình bền vững để phát triển kinh tế, bảo vệ và phát triển rừng. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các dự án đầu tư hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng chú trọng liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nhận khoán trên đất rừng.
Ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau thông tin: Nuôi thủy sản dưới tán rừng là hình thức gắn với bảo vệ rừng và trồng rừng ngập mặn với nhiều đối tượng nuôi như tôm, cá, cua, sò huyết, ốc len,…Ngày nay, mô hình này còn được xem như biện pháp hấp thu carbon, giảm phát thải nhà kính, phù hợp với xu thế phát triển xanh trên thế giới. Đây là hình thức nuôi sử dụng thức ăn tự nhiên, hạn chế chất thải phát sinh, chi phí đầu tư thấp, đem lại thu nhập khá cao cho nông dân.
"Ngành nông nghiệp đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản xây dựng các vùng nuôi liên kết, gắn với các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng phải hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, chứng nhận vùng nuôi; xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường để tiêu thụ sản phẩm", ông Vũ nhấn mạnh.
Với vị trí đặc biệt, là tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển, Cà Mau có điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm. Tỉnh hiện có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước với gần 280.000ha. Địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ giữ vững, sản lượng đạt 280.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.