Theo báo cáo của Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự kiến năm 2011 KNXK rau quả của cả nước sẽ chỉ đạt khoảng 500 triệu USD, tăng 10% so với năm 2010. Mặt hàng XK chủ lực vẫn gồm các loại quả nhiệt đới thanh long, dứa, xoài, bơ, đu đủ, mít; các loại rau quả đóng hộp và chế biến.
|
Chôm chôm Việt Nam chưa thể vào Mỹ vì không cạnh tranh nổi về giá với chôm chôm của nhiều nước khác. |
Khách hàng “ngại” ký hợp đồng
Cho đến nay, một vấn đề "nóng bỏng" khiến phần lớn rau quả của ta khó XK được là do chưa đảm bảo được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông Nguyễn Hữu Đạt - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Bộ NNPTNT), tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất bảo quản không đúng quy định diễn ra phổ biến đã gây lo ngại đối với người tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài.
Còn theo ông Trần Trọng Hiệu - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Trái cây VN, Giám đốc Công ty Hoàng Hậu thì các doanh nghiệp kinh doanh XK nông sản nói chung và mặt hàng rau quả nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2011, do tất cả các chi phí đầu vào tăng mạnh, giá thành sản phẩm tăng cao hơn tốc độ tăng giá XK. Sức cạnh tranh của mặt hàng rau quả và doanh nghiệp thấp đã gây tâm lý bất an cho khách hàng nước ngoài, khiến họ "ngại" ký hợp đồng. Tại các cửa khẩu biên giới, doanh nghiệp XK rau quả theo đường tiểu ngạch thường bị ép giá, hiệu quả XK không cao.
Theo đánh giá chung của Bộ Công Thương, hiện nay, sản xuất rau quả của ta vẫn còn những yếu điểm như phân tán, năng suất thấp, chưa giải quyết dứt điểm được khâu tạo giống, thu hoạch, bảo quản và chế biến rau quả XK cũng như khâu kiểm dịch, công nhận lẫn nhau giữa ta và các thị trường nhập khẩu.
Nên mỗi tỉnh chỉ phát triển 1-2 loại cây
Ông Phạm Tất Thắng-chuyên gia kinh tế, chuyên gia tư vấn của Viện Nghiên cứu thương mại cho rằng, cần sớm giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, mẫu mã cho rau quả XK. Bộ Công Thương cùng với Bộ NNPTNT đã kiến nghị Chính phủ đầu tư thích đáng cho khâu nhập giống mới có năng suất cao, nhân giống, hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân trong việc sử dụng giống mới để tạo ra sản phẩm mới có chất lượng cao, giá thành hạ.
Hiện tại cả nước có khoảng 60 nhà máy chế biến rau quả có công nghệ, thiết bị hiện đại, sản phẩm đa dạng với chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, công suất thực tế của phần lớn các nhà máy chỉ đạt 20-30% do phần lớn là thiếu vùng nguyên liệu tập trung, vùng nguyên liệu xa nhà máy, tổn thất chuyên chở lớn.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Bộ NNPTNT rà soát quy hoạch tại mỗi địa phương theo hướng mỗi tỉnh chỉ tập trung phát triển 1-2 loại cây chủ lực. Các vùng trồng rau quả cần thực hiện tốt quy trình sản xuất theo hướng GAP, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm với mục tiêu sản xuất để xuất khẩu.
"Ngoài thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần hướng tới các thị trường khác để đa dạng hóa, tránh lệ thuộc trong xuất khẩu như Mỹ, Nhật Bản, Liên bang Nga, EU…" - ông Thắng nói.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng, theo cam kết trong hiệp định nông nghiệp khi gia nhập WTO, VN được phép dành 10% tổng giá trị kim ngạch XK để hỗ trợ sản xuất. Chúng ta nên dành một phần số tiền này để quảng bá thương hiệu hàng nông sản quốc gia: Bưởi Năm Roi, vú sữa, thanh long...
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.