Xuất khẩu thanh long bằng đường biển sang Trung Quốc, nếu không chắc chắn đừng cố tìm mọi cách

Trần Khánh Thứ năm, ngày 13/01/2022 06:16 AM (GMT+7)
Việc chuyển từ xuất khẩu nông sản bằng đường bộ sang đường biển không chỉ đơn thuần chuyển đổi phương thức mà còn là chuyển đổi về tư duy, và bạn hàng. Việc xuất khẩu thanh bằng đường biển sang Trung Quốc cũng cần có lộ trình chứ không thể một sớm một chiều.
Bình luận 0

Xuất khẩu thanh long bằng đường biển sang Trung Quốc: Không chắc thì đừng cố tìm mọi cách

Cục Hàng Hải cho biết, thống kê từ các cảng vụ, trong tháng 11/2021 có khoảng 1.400 container lạnh vận chuyển từ TP.HCM sang Trung Quốc. Đến tháng 12/2021, số liệu tăng đột biến, lên 4.100 container.

Điều này cho thấy sự dịch chuyển rất lớn của các mặt hàng nông sản di chuyển từ đường bộ sang đường biển. Khoảng thời gian này trùng khớp với thời điểm nông sản Việt Nam bị ùn tắc ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Cũng theo Cục Hàng Hải, tình trạng vỏ container bị thiếu do phần lớn nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc sử dụng container lạnh. Nhưng hàng nhập khẩu từ Trung quốc về lại không dùng container lạnh.

Điều này gây nên tình trạng mất cân đối các container, đồng thời cũng khiến chi phí container tăng lên. Giá container đang bị đẩy lên cao là ảnh hưởng chung toàn cầu chứ không riêng gì trong nước.

Tàu cập bến bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP.HCM. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ

Tàu cập bến bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP.HCM. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ

Cũng giống như trên đường bộ, Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện chính sách kiểm soát dịch Covid-19 nên việc thông quan bằng đường biển cũng tương đối chậm. Hiện tại, các bãi chứa hàng tại một số cảnh của Trung Quốc cũng đang bị ùn tắc.

Ông Văn Nhật Tùng, đại diện hãng tàu CMA  kể, ngoài mặt hàng thanh long đi Trung Quốc thì mặt hàng xuất khẩu chính ngạch phổ biến hiện nay là trái chuối. 

Các khách hàng xuất khẩu chuối thường có hợp đồng dài hạn và thường chọn cách đi đường biển.

Trong tháng 12/2021, do ách tắc ở biên giới, lượng hàng từ đường bộ đổ về đường biển tăng đột biến. Các hãng tàu dù cố gắng, cũng không thể đáp ứng kịp thời.

Ông Nhật cho biết, nếu khách hàng tiếp tục đề nghị ký hợp đồng xuất khẩu thanh long sẽ bị xung đột với các khách hàng cũ đang xuất khẩu chuối, bưởi.

Trong khi những khách hàng này đã xuất khẩu lâu dài, và có những cam kết ổn định với các hãng tàu.

Nghĩa là các khách hàng mới, muốn xây dựng tuyến đường biển cho thanh long cần phải có lộ trình. Cùng với đó là những cam kết nhất định về tính ổn định thì các đội tàu mới có thời gian điều chỉnh công suất phục vụ.

Cũng theo ông Tùng, khách hàng đi đường biển chính ngạch lâu nay đã quen với cách làm việc từ giấy phép xuất khẩu cho đến các yêu cầu kiểm dịch. Họ cũng có được sự tin tưởng nhất định từ chính quyền địa phương, cũng như lực lượng hải quan ở cảng đến.

Điều này không hề dễ dàng cho một khách hàng mới, vốn quen xuất khẩu đường bộ muốn chuyển ngay sang đường biển.

Thanh long là mặt hàng xuất khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách "zero Covid" của Trung Quốc. Trong ảnh: Thu hoạch thanh long ở Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thanh long là mặt hàng xuất khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách "zero Covid" của Trung Quốc. Trong ảnh: Thu hoạch thanh long ở Bình Thuận. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đã có rất nhiều thương nhân ở Trung Quốc kêu gọi phía Việt Nam ngừng đưa hàng đến cảng vì chính họ cũng không chắc có giải quyết được thủ tục thông quan hay không. Nhất là tình hình kiểm soát dịch Covid-19 đang rất nghiêm.

Thanh Long lại là mặt hàng rất dễ hư hỏng. "Nếu không chắc chắn có thể hoàn thành thủ tục thông quan, doanh nghiệp không nên cố tìm mọi cách đưa hàng từ đường bộ chuyển qua đường biển", ông Tùng khuyến cáo.

Cần kết nối tạo lộ trình

Ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, thủ tục hải quan xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ cơ bản không khác gì đường biển.

Tuy nhiên trên thực tế, việc thông quan các cửa khẩu đường bộ thường dễ hơn, chi phí cũng thấp hơn, kể cả có chi phí ngoài luồng.

Trong khi đó, xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển, doanh nghiệp phải đáp các hồ sơ chứng từ nghiêm ngặc hơn, các hợp đồng thường có giá trị lớn hơn.

Cũng vì thế mà xuất khẩu bằng đường biển cần có thời gian hình thành tuyến ổn định.

Thời gian qua, các hãng tàu đã không thể gánh đỡ hết khối lượng hàng xuất khẩu quá lớn từ đường bộ chuyển sang. Năng lực vận tải của đường biển không thể nào tăng công suất đột ngột.

Vấn đề Covid-19 thì mới đây nhưng chuyện nông sản ùn ứ thì diễn ra từ lâu rồi. 

"Các giải pháp trước mắt và lâu dài là tận dụng linh hoạt tất cả các phương thức vận tải. Trong đó, sớm tăng thị phần cho vận tải đường biển", ông Sang nói.

Nhiều container nông sản không xuất được sang Trung Quốc bằng đường bộ, đang tìm đường xuất khẩu bằng đường biển. Ảnh: Danviet

Nhiều container nông sản không xuất được sang Trung Quốc bằng đường bộ, đang tìm đường xuất khẩu bằng đường biển. Ảnh: Danviet

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, việc giải quyết sự cố ùn ứ nông sản hiện nay không đơn thuần chỉ là thay đổi phương thức vận chuyển.

Vấn đề quan trọng là phải chuyển đổi tư duy từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp và nông dân một cách đồng bộ để hướng đến xuất khẩu chính ngạch.

Việc thay đổi tư duy như thế cũng đồng nghĩa với thay đổi bạn hàng. Bởi vì lâu nay, xuất khẩu phần lớn thanh long bằng đường bộ qua tiểu ngạch để phục vụ một nhóm thị trường nhất định.

Nay chuyển qua vận chuyển đường biển, hàng hóa sẽ cập cảng ở nhóm thị trường khác. Hoặc hàng hóa phải di chuyển bằng đường bộ thêm 1 quãng đường nữa mới đến được nhóm thị trường cũ.

Các bộ ngành cần sớm chung tay, cùng thay đổi cách nghĩ cách làm; tìm những khách hàng lớn, thường xuyên thay vì chỉ dựa vào thương lái đưa hàng qua biên giới.

Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam đề nghị các bộ ngành cần sớm hình thành những đầu mối thu gom hàng nông sản. Đây là cơ sở để thích ứng với phương thức vận chuyển mới, bước đầu để ra tuyến hàng hải ổn định.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cũng cho rằng, Việt Nam có Hiệp hội logistics nhưng chưa có 1 bộ phận, 1 chi hội riêng cho về logistics cho nông sản. Vấn đề này cần được xem xét thêm thay vì phải thành lập thêm một tổ công tác liên ngành.

"Trước măt, Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tập hợp nhu cầu tiêu thụ, vận chuyển bằng đường biển. Ưu tiên tìm giải pháp để vận chuyển thuận lợi nhất, chi phí thấp nhất", Thứ trưởng Nam chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem