Xuất khẩu tôm: Giá cao, doanh nghiệp vẫn lỗ

Thứ sáu, ngày 11/03/2011 11:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giá tôm xuất khẩu đang tăng cao, từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn buồn vì họ đang kinh doanh huề vốn, thậm chí bị lỗ.
Bình luận 0

Giá tăng

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 2 tháng đầu năm 2011, giá tôm xuất khẩu tăng mạnh tại hầu hết các thị trường. Trong đó, thị trường Mỹ đạt mức giá cao nhất trong tất cả các thị trường, nhưng các nước ASEAN lại có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, gần gấp đôi.

img
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Minh Phú.

Cụ thể, hiện giá trung bình xuất khẩu sang Mỹ là 11,75USD/kg, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp đến Thụy Sĩ: 11,51USD/kg, tăng 15,2%, Canada 10,62USD/kg, tăng 11,4%… Đặc biệt, tại thị trường ASEAN giá trung bình xuất khẩu tăng gần gấp đôi, từ 4,64USD/kg lên 8,57USD/kg, chứng tỏ thị trường này đã bắt đầu quan tâm đến tôm chất lượng cao.

10 thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là Nhật, Mỹ, Trung Quốc và Hongkong, Đức, Canada, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Anh, Australia và Pháp, chiếm 72,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu sang Canada tăng mạnh nhất, gần 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái, Đức tăng gần 3 lần, Thụy Sĩ tăng gần 2,5 lần và các thị trường khác cũng tăng trưởng từ 15 - 68%.

Mặc dù giá xuất khẩu tăng ấn tượng như thế, nhưng các doanh nghiệp đều cho biết họ không có lời, thậm chí lỗ. Ông Chu Văn An - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, giá tôm xuất khẩu sau 2 tháng tăng hiện đang có dấu hiệu chững lại.

Trong khi đó, giá thành sản xuất tôm lại tăng vùn vụt từ 30 - 40% trong mấy tháng qua, khiến doanh nghiệp không còn lời, thậm chí lỗ.

"Bởi giờ là thời điểm mà phần lớn các doanh nghiệp đến hạn giao hàng cho hợp đồng đã ký từ 2-3 tháng trước. Khi đó giá thành nguyên liệu còn rẻ nên doanh nghiệp còn có lời, chứ đâu có ngờ mọi thứ chi phí đầu vào đều tăng chóng mặt như thế" - ông An giải thích.

Lỗ vì chi phí tăng

Các chi phí đầu vào tăng, theo các doanh nghiệp liệt kê, gồm có: Giá tôm nguyên liệu tăng từ 30 -50% (tôm thẻ chân trắng từ 50 - 60 nghìn đồng/kg, tăng lên 85 nghìn đồng/kg, tôm sú loại 20 con/kg từ 200 nghìn đồng/kg tăng lên 260 - 280 nghìn đồng/kg), giá thức ăn cho tôm, giá điện tăng lên 15%; giá xăng dầu tăng gần 20%, lãi suất ngân hàng 22-23%, lương lao động tăng từ 10 - 20%,…

Nhà nước nên có chính sách bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, bảo hiểm cho người nuôi vì tác động của ngành này quá lớn. Nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng nông dân thấy giá bán cao, tưởng ngon ăn "nhảy" vô nuôi, rốt cuộc lại lỗ, rồi bỏ ao, nợ ngân hàng và làm biến động thị trường như trong thời gian qua.

Mặc dù không có lời hoặc lỗ như thế, nhưng theo ông Trần Thiện Hải - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Minh Hải, các doanh nghiệp vẫn phải gồng mình mà chịu vì áp lực công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong công ty mình.

Một trong các giải pháp mà các doanh nghiệp chọn để nhằm giảm bớt giá thành là nhập khẩu thức ăn nuôi tôm từ Indonesia, Thái Lan,… vì giá bán ở các nước này đang thấp hơn Việt Nam từ 15 - 20 nghìn đồng/kg cho các sản phẩm cùng loại, có chất lượng tương đương.

"Đây là một điều cực kỳ phi lý. Chỉ có ở Việt Nam mới có kiểu "té nước theo mưa", tăng vô tội vạ như thế. Điều này khiến nông dân không thể không tiếp tục mua vì khi đó đã "lỡ leo lên lưng cọp", không lẽ bỏ cả ao hàng tỷ đồng? Chính tình trạng này đã đẩy giá nguyên liệu tôm tăng lên hơn giá thành thực 20%" - ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP, bức xúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem