Xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam có tiềm năng đạt trên 1 tỷ USD

Bùi My Thứ bảy, ngày 29/10/2022 07:13 AM (GMT+7)
Mặt hàng viên nén gỗ đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. Viên nén gỗ của Việt Nam có tiềm năng lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong tương lai.
Bình luận 0

Chiều 28/10, tại TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã tổ chức Đại hội thành lập Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam nhiệm kỳ I (2022-2025).

Xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam có tiềm năng đạt trên 1 tỷ USD - Ảnh 1.

Ra mắt Ban chấp hành Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam nhiệm kỳ I (2022-2025). Ảnh: Bùi My

Thông qua kết quả bỏ phiếu, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ đã bầu ông Nguyễn Thanh Phong - Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài làm Chi hội trưởng Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam.

Xuất khẩu viên nén gỗ bùng nổ trong năm 2022

Tại đại hội, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NNPTNT cho biết, trong thời gian qua, việc sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ không ngừng phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng.

"Hiện cả nước có khoảng 80 doanh nghiệp tham gia sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ. Giá trị xuất khẩu viên nén gỗ liên tục tăng từ 145 triệu USD vào năm 2017 lên hơn 500 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2022" - ông Nghĩa cho biết.

Theo ông Nghĩa, trong bối cảnh như hiện nay, việc thành lập Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam để đoàn kết, thống nhất các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ, giải quyết những khó khăn vướng mắc, đảm bảo cho ngành công nghiệp sản xuất viên nén gỗ phát triển bền vững, hiệu quả là hết sức cần thiết.

Ông Nghĩa bày tỏ hi vọng, sau đại hội sẽ có một chi hội có tiếng nói, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của hiệp hội nói riêng và ngành gỗ nói chung.

Thời gian tới đây, ngành gỗ sẽ tiếp tục có sự phát triển, phối hợp nhịp nhàng giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý các cấp để kịp thời phát hiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tồn tại.

Xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam có tiềm năng đạt trên 1 tỷ USD - Ảnh 2.

Viên nén gỗ Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Ảnh: CTV

Còn theo ông Bùi Thanh Phong, tuy mới hình thành, phát triển trong những năm gần đây, nhưng nhóm mặt hàng viên nén gỗ đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam.

Hiện Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén gỗ lớn thứ 2 trên thế giới. Năm 2021, lượng viên nén gỗ xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 413 triệu USD.

Nhưng chỉ trong 9 tháng đầu 2022, lượng viên nén gỗ xuất khẩu đã đạt gần 3,5 triệu tấn với kim ngạch khoảng 542,32 triệu USD.

Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam ra đời sẽ tập hợp các nhà sản xuất, xuất khẩu viên nén gỗ để trao đổi, kết nối, hỗ trợ nhau trong sản xuất, xuất khẩu; phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh ở trong và ngoài nước...

Tiềm năng xuất khẩu viên nén gỗ đạt trên 1 tỷ USD

Ông Bùi Thanh Phong cho biết thêm, viên nén gỗ của Việt Nam có tiềm năng lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong tương lai. 

Tại thị trường nội địa cho năng lượng tái tạo, viên nén gỗ cũng trở thành một mặt hàng quan trọng giúp ngành gỗ đi đầu góp phần thực hiện mục tiêu COP 26 của Việt Nam.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng nhận định, năm 2022, viên nén gỗ đứng thứ 4 về giá trị xuất khẩu trong 8 mặt hàng xuất khẩu gỗ và lâm sản, chỉ đứng sau đồ gỗ nội ngoại thất, gỗ nguyên liệu, dăm gỗ.

Là sản phẩm nằm trong chuỗi rừng trồng, nên viên nén gỗ có ý nghĩa rất lớn trong nâng cao giá trị cho trồng rừng ở Việt Nam. Xuất khẩu viên nén gỗ Việt Nam có thể đạt hơn 1 tỷ USD vào năm 2023.

Xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam có tiềm năng đạt trên 1 tỷ USD - Ảnh 3.

Việt Nam vươn lên trở thành nước xuất khẩu viên nén gỗ lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Ảnh: CTV

Tại đại hội, ông Vũ Duy Văn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, tỉnh Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu ra thị trường quốc tế, trong đó có sản phẩm chế biến từ gỗ, lâm sản.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh hi vọng, việc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thành lập Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam sẽ là tiền đề cho việc đầu tư và phát triển các nhà máy chế biến lâm sản chuyên sâu, hiện đại trên cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Tỉnh Quảng Ninh luôn sẵn sàng và tạo mọi điều kiện tốt nhất để chào đón các nhà đầu tư đến với tỉnh Quảng Ninh đầu tư, kinh doanh và phát triển.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem