Xuất ngoại bắt kẻ mang lệnh truy nã quốc tế

Thứ sáu, ngày 15/02/2013 16:58 PM (GMT+7)
Trên chuyến bay về nước, trùm cờ bạc "Hạnh Sự" có 40 đàn em, bạn bè đi cùng. Tránh sự kiểm soát, người này thường xuyên đổi chỗ ngồi trên máy bay và liên tục vào nhà vệ sinh thay quần áo.
Bình luận 0

Khi máy bay cất cánh đi Bắc Kinh (Trung Quốc) để bàn giao 2 kẻ bị truy nã đỏ quốc tế cho nước bạn về tội Buôn lậu tài sản với hơn 4.500 tấn than chì, Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Công an hôm đó ngồi lặng lẽ ở hàng ghế cuối.

Ngoài thượng tá Nguyễn Trọng Dũng, Phó trưởng Phòng 4 (Cục C52), thiếu tá Vũ Ngọc Anh (C44) còn có sự góp mặt của hai nữ cảnh sát xinh đẹp là đại úy Đỗ Thị Quỳnh Phương, Phó Phòng 2 và trung úy Đặng Thùy Linh, cán bộ Phòng 2 (C55).

Đại úy Phương nói, do thạo tiếng Trung nên chị cùng trung úy Linh đảm nhận luôn việc phiên dịch trong suốt chuyến đi. Lúc đầu họ cũng bị áp lực vì cả 2 kẻ mang lệnh truy nã người đều to con, trong đó một người là võ sư. Tuy nhiên, do có kế hoạch từ trước nên các thành viên trong đoàn ai cũng chủ động để đảm bảo an toàn cho bản thân, kẻ bị truy nã cũng như các hành khách đi trên chuyến bay đó.

Lực lượng Cảnh sát Việt Nam dẫn giải đối tượng truy nã Lê Thị Kim Dung tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Lực lượng Cảnh sát Việt Nam dẫn giải kẻ bị truy nã Lê Thị Kim Dung tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Theo lời kể, suốt chặng đường, tội phạm không có biểu hiện chống đối. Việc bàn giao tội phạm của đoàn công tác đều diễn ra suôn sẻ, theo đúng luật định.

Không riêng chuyện bàn giao, việc xuất ngoại truy bắt, dẫn giải kẻ mang lệnh truy nã về nước cũng nhiều gian truân. Thượng tá Hà Văn Hường, Trưởng phòng 1, Cục C52 nhớ lại, trung tuần tháng 12.2012, sau khi làm xong mọi thủ tục để đưa kẻ mang lệnh truy nã quốc tế Hoàng Minh Đức (55 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Du lịch Hàng không) từ Bờ Biển Ngà về nước, bất ngờ một người phụ nữ Việt chạy vào khu hành lý kêu khóc. Bộ phận an ninh hãng hàng không Emirates đã trả lại hành lý, không cho Đức lên máy bay vì lo ngại vấn đề an toàn.

Thượng tá Hường bảo, đêm chờ để đưa Đức về nước anh đã phải thức trắng. Mọi việc trở nên khó khăn hơn khi hãng hàng không chỉ chấp nhận khi có 2 sỹ quan an ninh của hãng đi cùng với chi phí phải trả là 12.000 USD. Cách xa tổ công tác hàng vạn dặm, thiếu tướng Nguyễn Dĩnh (Cục trưởng Cục C52) trằn trọc không ngủ được. Chuông điện thoại của ông đổ dồn dập.

Để đảm bảo cho đoàn và chi phí, tướng Dĩnh quyết định đổi lịch trình và đi chuyến bay của hãng Ethoepian Airline. Quá cảnh tại sân bay Suvarnabhumi (Bangkok), cảnh sát Thái Lan đã hỗ trợ đoàn, đưa Đức cấp cứu tại khu vực y tế sân bay khi anh ta có biểu hiện khó thở. "Về đến sân bay quốc tế Nội Bài chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì nhiệm vụ đã hoàn thành", thượng tá Hường bộc bạch.

Cũng liên quan đến chuyện bắt kẻ mang lệnh truy nã, các trinh sát kể, sau khi bị phát lệnh truy nã về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc, Nguyễn Thị Hạnh (tức Hạnh Sự, 55 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) đã chạy trốn sang Lào và đổi tên thành Phommalath Ketsana. Chuyện Hạnh thường xuyên từ Lào bay sang Singapore để có mặt tại các sòng bài đã được các trinh sát Phòng 4 Cục C52 nắm bắt.

Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, đoàn công tác gồm 4 người lên đường sang Singapore. Khi Đại sứ quán Lào có công hàm gửi các cơ quan chức năng của Singapore về việc Phommalath Ketsana không mang quốc tịch Lào mà dùng giấy tờ giả để nhập cảnh Singapore, hộ chiếu Hạnh dùng để xuất nhập cảnh đã bị hủy giá trị, tổ công tác triển khai nhiều kế hoạch để có thể đưa Hạnh về nước ngay sau khi bị tòa án Singapore xét xử.

Các điều tra viên nhớ lại, sáng 5.6.2012, ngay sau khi Tòa án Havelock Square tuyên án cho Hạnh tại ngoại, Văn phòng Tổng chưởng lý Singapore đã ra lệnh bắt giữ, đồng thời trục xuất Hạnh ra khỏi lãnh thổ Singapore. Hạnh không ngờ rằng, trong những người ngồi dự phiên tòa có mặt một tổ công tác đặc biệt của lực lượng cảnh sát Việt Nam.

Chiều 7.6.2012, Cục Xuất nhập cảnh Singapore đã áp giải Nguyễn Thị Hạnh ra sân bay Changi (Singapore) để trục xuất về Việt Nam. Trên chuyến bay đưa Hạnh về nước có khoảng 40 người là đàn em, bạn bè của bà ta. Nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, Hạnh thường xuyên đổi chỗ ngồi và liên tục vào nhà vệ sinh thay quần áo. Song, mọi hành vi đều bị các trinh sát ngồi trên máy bay đưa vào tầm ngắm.

Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, 7 ôtô chở khoảng 50 cán bộ, chiến sĩ đã tập kết tại địa điểm được phân công. Nhiều người thân của Hạnh cũng xuất hiện tại sân bay. Cuộc chạm trán giữa lực lượng bắt Hạnh và nhóm giải cứu cho bà ta là cuộc đối đầu quyết liệt nhưng do có kế hoạch trước nên mọi việc diễn ra đều suôn sẻ.

Biết không thể thoát tội, Hạnh đã theo chân các trinh sát xuống nhà ga bằng lối đi đã được bố trí trước. Đến nửa đêm, khi Hạnh được đưa vào trại giam, đàn em của người phụ nữ này mới biết chuyện.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục C52, đến tháng 12.2012, có hơn 840 người mang lệnh truy nã của Việt Nam nghi trốn sang 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 170 người đã bị đề nghị Ban Tổng thư ký Interpol ban hành lệnh truy nã quốc tế. Thông qua kênh hợp tác Interpol, năm 2012, Cục C52 đã phối hợp với các đơn vị liên quan bắt 21 người truy nã có yếu tố nước ngoài. Thông qua hợp tác về Hiệp định tương trợ tư pháp, Cảnh sát các nước đã phối hợp truy bắt và đề nghị lực lượng Cảnh sát truy nã Bộ Công an Việt Nam tổ chức dẫn giải 4 kẻ truy nã về nước…
 
Theo Công an Nhân dân

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem