Xúc tiến mở cửa thị trường xuất khẩu 4 nhóm nông sản chính sang Anh
Xúc tiến mở cửa thị trường xuất khẩu 4 nhóm nông sản chính sang Anh
P.V
Thứ sáu, ngày 11/11/2022 18:19 PM (GMT+7)
Làm việc với Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Liên hiệp Vương quốc Anh, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề nghị phía Anh hỗ trợ vốn, công nghệ, xúc tiến mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông lâm thủy sản.
Hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Vương quốc Anh có nhiều bước tiến
Ngày 10/11, đoàn công tác Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã làm việc với Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Liên hiệp Vương quốc Anh.
Tại buổi gặp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết chuyến thăm này nhằm kế thừa và củng cố chuyến công tác hồi tháng 5/2022. Đây cũng là lời khẳng định của phía Việt Nam về mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ, thiết thực và hiệu quả với Vương quốc Anh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
"Hy vọng hai bên sẽ phát triển hợp tác lên tầm đối tác chiến lược, đặc biệt là ký Bản ghi nhớ giữa Bộ NNPTNT Việt Nam với Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2023" - Thứ trưởng nói.
Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Vương quốc Anh có nhiều bước tiến, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại song phương giữa hai nước (UKVFTA) có hiệu lực. Kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản hàng năm giữa hai nước đạt gần 1 tỷ USD.
Theo lãnh đạo Bộ NNPTNT, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 hiệp định FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như UKVFTA, EVFTA và CPTPP.
"Với vị thế của Vương quốc Anh, thị trường này luôn nằm trong ưu tiên hợp tác của Việt Nam" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Do các sản phẩm nông nghiệp của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có tính bổ trợ cho nhau, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến hy vọng buổi hội đàm ngày 10/11 sẽ đưa hợp tác hai bên lên một tầm cao mới.
Đáp từ, bà Tamara Finkelstein - Thứ trưởng Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Liên hiệp Vương quốc Anh khẳng định, Việt Nam là đối tác nông nghiệp quan trọng của quốc gia này. Điều này thể hiện ở việc, trong 10 tham tán nông nghiệp của Anh trên toàn thế giới, một vị đại diện được bổ nhiệm ở Việt Nam.
Bà Finkelstein cũng gửi lời cảm ơn Bộ NNPTNT khi phúc đáp các vấn đề liên quan xuất khẩu thịt gà sang thị trường Việt Nam hồi tháng 10. Bà đồng ý quan điểm, rằng an ninh lương thực của thế giới phải được đẩy cao thêm một bước và mong muốn triển khai hợp tác sớm với Việt Nam ngay sau khi đạt các thỏa thuận.
Xúc tiến mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản sang Anh
Tại hội đàm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giới thiệu về một số thành tựu nông nghiệp của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là về lĩnh vực trồng trọt như giảm diện tích, tăng năng suất, tăng sản lượng, nhằm hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Với thị trường Vương quốc Anh và châu Âu, một trong những nông sản chính của Việt Nam xuất sang là gạo, đặc biệt là các loại gạo thơm. Thứ trưởng cam kết, với đà tăng trưởng như hiện tại, Việt Nam đủ sức xuất khẩu từ 6,4 - 6,5 triệu tấn gạo trong năm 2022.
Một là, các sản phẩm có nguồn gốc thực vật (nông sản), Thứ trưởng đề nghị Vương quốc Anh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu những sản phẩm đặc trưng, đặc hữu từ nước nhiệt đới.
Hai là, các sản phẩm có nguồn gốc động vật, Thứ trưởng cho biết Bộ NN-PTNT sẽ gửi bộ câu hỏi liên quan đến sản phẩm thịt gà chế biến để phía Anh xem xét. Đồng thời, Cục Thú y sẽ làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan của Vương quốc Anh để sớm thống nhất nội dung và mở cửa thị trường theo quy định.
"Hiện chúng tôi quan tâm thúc đẩy sản phẩm thịt lợn chế biến, thịt gia cầm chế biến và trứng gia cầm các loại, sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam vào thị trường Anh", Thứ trưởng chia sẻ.
Bên cạnh đó, cơ quan thú y hai nước sẽ tăng cường trao đổi thông tin về các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở gia súc và gia cầm, đặc biệt là các phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật; nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; hoàn thiện mẫu giấy Chứng thư thịt lợn và thịt gà của Anh.
Ba là, các sản phẩm có nguồn gốc thủy sản, Thứ trưởng đề nghị tiếp tục trao đổi về những hoạt động liên quan đến bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm thủy sản; truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác; và chống khai thác IUU.
Bên cạnh đó, với thế mạnh về khoa học công nghệ, Vương quốc Anh được đề nghị hợp tác kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ thúc đẩy phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp, nuôi sinh thái theo hướng phát triển bền vững, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo đảm truy xuất nguồn gốc hiệu quả.
"Việt Nam mong muốn phía Anh giúp đỡ để sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm phát thải khí nhà kinh trong khai thác và nuôi trồng thủy sản", lãnh đạo Bộ NNPTNT bày tỏ.
Bốn là, các sản phẩm gỗ, Thứ trưởng đề nghị thúc đẩy đàm phán để Chính phủ hai nước ký Hiệp định thương mại gỗ giữa Việt Nam và Anh, tương tự nội dung Hiệp định VPA/FLEGT mà Việt Nam đã ký kết với EU.
Những năm qua, ngành gỗ liên tục tăng trưởng mạnh về xuất khẩu và đạt kỷ lục 15,8 tỷ USD năm 2021. Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến hy vọng Vương Quốc Anh sẽ phối hợp gỡ bỏ rào cản và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hoạt động phù hợp với quy định pháp luật hiện hành của hai bên, trên cơ sở chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về quản lý rừng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Ông Nguyễn Hoàng Long, Đại sứ Việt Nam tại Anh cho biết, Vương quốc Anh đang xem xét hỗ trợ Việt Nam các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững, nhằm đảm bảo các mục tiêu đề ra tại COP 26.
"Hy vọng Vương quốc Anh sẽ lồng ghép và đưa các thỏa thuận hợp tác về nông nghiệp vào trong khoản kinh phí hỗ trợ hàng năm", ông Long nói.
Làm rõ hơn vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam đã liên tục đẩy mạnh việc tái cơ cấu theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản và kết nối chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Hòa trong dòng chảy ấy, vai trò của HTX nông nghiệp, của khối tư nhân và các doanh nghiệp FDI trong đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được nâng cao. Các mô hình đầu tư hợp tác công - tư được nhân rộng.
"Chuyển đổi nông nghiệp bền vững đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên và cộng đồng quốc tế, trong đó có Vương quốc Anh", Thứ trưởng nói tiếp.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị Chính phủ Anh hỗ trợ Việt Nam dự án "Chuyển đổi nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu" với tinh thần từ các cam kết của Việt Nam tại COP26.
Qua trao đổi với người đồng cấp, bà Finkelstein, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề xuất hợp tác, hỗ trợ từ Vương Quốc Anh trong nghiên cứu, dự báo, cảnh báo các hiện tượng thiên tai, thời tiết cực đoan; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến; tăng cường hợp tác nghiên cứu về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và giảm thất thoát, lãng phí lương thực, thực phẩm.
Là một nước đang phát triển, Việt Nam cũng rất cần nguồn hỗ trợ về tài chính để đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Muốn vậy, Bộ NNPTNT cho rằng cần có cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin trong quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nước, bao gồm cả quản lý nguồn nước xuyên biên giới, tài nguyên biển.
"Chuyển đổi nông nghiệp bền vững sẽ tạo động lực cho quá trình sử dụng tài nguyên, hệ thống thực phẩm và hệ sinh thái bền vững", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Kết thúc buổi hội đàm, Bộ NNPTNT Việt Nam và Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các Vấn đề nông thôn Vương quốc Anh ký biên bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác.
Từ ngày 11-14/11, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NNPTNT thăm và làm việc tại Vương quốc Anh. Tại đây, đoàn công tác của Bộ NNPTNT hội đàm với Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn vào ngày 10/11.
Vào ngày 11/11, đoàn công tác của Bộ NNPTNT họp song phương với các Hiệp hội của Anh, đồng thời kết nối doanh nghiệp hai nước để tìm hiểu tiềm năng và cam kết hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.