Xưng danh quốc tế cũng năm bảy đường!

Lương Duy Cường Thứ năm, ngày 08/08/2019 15:00 PM (GMT+7)
Sự việc đau xót khi bé trai trường Gateway tử vong vì bị bỏ quên trên xe đã lần nữa chứng minh rằng: Dù là trường mang mỹ danh quốc tế đấy nhưng không phải thứ gì trong đó cũng chất lượng quốc tế, đẳng cấp quốc tế...
Bình luận 0

Thảng thốt, đau xót, bất bình, phẫn nộ… là những cảm xúc của hàng triệu người bày tỏ trên các trang mạng xã hội cũng như sau bài viết trên các báo về vụ một học sinh lớp 1 của Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường. Người dưng đã thế thì cha mẹ chắc phải đứt từng khúc ruột.

Hãy cứ tưởng tượng một đứa bé bị nhốt cả ngày trong ôtô đóng kín cửa. Đói, khát, nóng bức và cuối cùng là sự hoảng loạn đến tột cùng sau những nỗ lực bản năng để cầu cứu nhưng vô vọng. Người lớn ở trong trạng thái thế cũng “thần hồn nát thần tính”, chứ nói gì đứa trẻ lên 6. Kinh khủng quá.

img

Trưởng phòng GDĐT quận Cầu Giấy thông tin: Trường Gateway trong quyết định thành lập không có chữ quốc tế. 

Cho nên, dù không cổ súy cho việc người này người khác lên tiếng kêu gọi tẩy chay cái trường vô trách nhiệm kia, nhưng chúng ta có quyền đòi hỏi chính quyền và cơ quan chức năng của Hà Nội phải khẩn trương vào cuộc, xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội, mà khởi tố vụ án hình sự là bước đầu tiên.

Nhưng dù trắng đen thế nào thì sự việc đau xót này cũng đã lần nữa chứng minh rằng: Dù là trường mang mỹ danh quốc tế đấy nhưng không phải thứ gì trong đó cũng chất lượng quốc tế, đẳng cấp quốc tế, kể cả điều quan trọng nhất, và cũng tối thiểu nhất, là trách nhiệm đối với tính mạng của học sinh. Chất lượng dạy dù có tốt đến mấy mà học sinh đến học rồi mãi mãi không về thì cái chất lượng ấy cũng vứt vào sọt rác. Không ai vội kết luận cái trường ấy là một trường vô trách nhiệm, nhưng sự việc nó tự nói lên như thế, có bào chữa cách gì cũng không được. 

Chuyện đau lòng này rốt cuộc là thêm lời cảnh tỉnh cho tất cả các bậc phụ huynh. Đừng cứ thấy trường quốc tế là bất chấp học phí trên trời vẫn chen chân đẩy con vào học. Mà nước ta bây giờ thì nhìn đâu cũng thấy trường quốc tế, từ bậc mẫu giáo cho đến tiểu học, THCS, THPT rồi trung cấp, cao đẳng cho chí đại học. Thì có ai cấm đâu, muốn là đặt thôi. Nói cho cân phân thì trong hằng hà sa số trường quốc tế ấy cũng có một số trường là quốc tế thật, đẳng cấp quốc tế thật. Có điều, đâu là trường quốc tế thật và đâu là trường quốc tế… dỏm thì mù mờ lắm, ảo diệu lắm, phụ huynh người trần mắt thịt hẳn khó mà phân biệt cho rạch ròi.

img

Xe đưa đón học sinh của Trường Gateway.

Nhưng đâu phải chỉ riêng trường học mới có cái sự loạn tên gọi quốc tế này. Cứ nhìn ra lĩnh vực nào mà chả thế. Doanh nghiệp gắn mác quốc tế cũng hằng hà sa số, hết người này sụp bẫy đến kẻ khác than khóc vì bị lừa mà khối người vẫn cứ tin mà giao dự án, hợp đồng làm ăn. Có ti tỉ phòng khám, bệnh viện quốc tế đấy, đố biết cái nào thứ thiệt. Mà ngay cả báo chí bây giờ cũng có cả “nhà báo quốc tế” dù chưa biết viết báo là gì nữa kia.

Mà khổ nỗi, dân ta lắm người mắc bệnh sính ngoại, cứ cái gì có gắn 2 chữ quốc tế vào thì cứ tin nó là đẳng cấp quốc tế.

Nhưng giữa cái mênh mông bể sở của cơn sốt loạn danh ấy thì dân chúng mới cần đến vai trò của các cơ quan chức năng, của hệ thống các cơ quan truyền thông. 

Lại nói hôm 6/8, hôm xảy ra sự việc đau lòng ở Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway ấy, tại hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2018-2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo ngành giáo dục phải tăng cường kiểm tra, mạnh dạn đóng cửa trường học kém chất lượng. Vậy nhân dịp này, ngành giáo dục hãy làm cho quyết liệt, để ít nhất cũng giúp cho phụ huynh biết rõ đâu là trường học đúng nghĩa, đâu chỉ là những doanh nghiệp núp bóng dưới danh nghĩa trường học chỉ nhắm vào mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Tìm kiếm lợi nhuận thì không xấu, đầu tư thì phải sinh lợi là tất yếu, nhưng bất chấp tất cả, làm ăn lấy được thì dứt khoát phải đóng cửa, dù đó là “sân sau, sân trước” của ai?

Các cơ quan quảng cáo, truyền thông cũng vậy, đừng thấy trường này trường kia, doanh nghiệp này doanh nghiệp kia mạnh tay chi tiền là nhảy vào quảng cáo, PR cho họ mà cố tình quên đi chức năng thông tin trung thực. Lấy được vài đồng quảng cáo từ tiền của những trường học hay doanh nghiệp làm ăn bê bối mà tung hô cho họ chính là vô tình tiếp tay cho việc lừa mị dân chúng. 

Mà mình thì cũng là dân chúng kia mà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem