Xuyên đêm theo chân những “chiến sĩ” nơi tuyến đầu chống dịch Covid -19

Chúc Ly Thứ năm, ngày 02/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
Nhanh chóng và chính xác là những từ dễ hiểu nhất để miêu tả công việc của lực lượng làm công tác truy vết, xét nghiệm Covid-19. Cùng trải qua một ngày làm việc với họ, chúng tôi mới hiểu hết sự đóng góp và những hy sinh thầm lặng.
Bình luận 0

Cán bộ xét nghiệm – thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, công tác xét nghiệm vô cùng quan trọng để triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, khoanh vùng và truy vết nhanh, không để lây lan rộng ra cộng đồng. Vì thế, khi phát hiện ổ dịch mới, công tác xét nghiệm luôn được đặt lên hàng đầu.

Theo Sở Y tế tỉnh Cà Mau, tính từ đợt dịch lần thứ 4 đến ngày 1/10, tỉnh Cà Mau chỉ ghi nhận 369 ca, là một trong những địa phương có số ca mắc Covid-19 thấp nhất ở ĐBSCL. Tuy nhiên, từ sau ngày 1/10 đến ngày 16/10, tỉnh vượt mốc 1.000 ca. Sau đó con số tăng từng ngày một cách nhanh chóng.

Tính từ đợt dịch thứ 4 (ngày 27/4) đến ngày 30/11, tỉnh Cà Mau ghi nhận có 9.217 trường hợp mắc Covid-19 (có 3.417 ca cộng đồng). 

Một ngày cùng những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch ở Cà Mau - Ảnh 2.

Ông Đặng Hải Đăng và cán bộ của Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Cà Mau, vào một buổi tối. (Ảnh: Chúc Ly).

Trước tình hình này, để đáp ứng nhu cầu chống dịch, công tác xét nghiệm sàng lọc Covid-19 bằng kỹ thuật Realtime RT PCR tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Cà Mau đóng vai trò rất quan trọng. Công tác xét nghiệm hỗ trợ rất lớn cho việc chẩn đoán và triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, khống chế dịch bệnh, không để lây lan rộng ra cộng đồng.

Khoa Xét nghiệm của CDC Cà Mau những ngày gần đây phải làm việc 24/24 với lực lượng cán bộ khá mỏng. Ông Nguyễn Văn Diện – Trưởng Khoa Xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng (CDC Cà Mau), cho biết, riêng bộ phận xét nghiệm Covid-19 chúng tôi chia làm 3 tổ với 2 ca trực 24/24. Mỗi tổ với 8 thành viên phải làm việc 12 tiếng/ca. Từ khoảng tháng 7, các cán bộ này phải đảm nhận lượng công việc tăng lên rất nhiều, với số lượng mẫu mỗi ngày trung bình từ 4.000-5.000 mẫu.

Theo ông Diện, xét nghiệm là công việc đòi hỏi độ chính xác cao. Từ khâu nhận mẫu, tách chiết vật liệu di truyền, chạy máy, phân loại, báo cáo trả kết quả… tất cả các quy trình đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuẩn xác. Bên cạnh đó, áp lực lớn đối với những cán bộ làm công tác xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 là phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với các mẫu bệnh phẩm.

Một ngày cùng những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch ở Cà Mau - Ảnh 3.

Cán bộ làm xét nghiệm Covid-19 là những người phải có chuyên môn và tâm lý vững vàng. (Ảnh: Chúc Ly).

"Do đó, những cán bộ được chọn làm xét nghiệm Covid-19 là những người vững vàng chuyên môn, tâm lý, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn sinh học. Trong xét nghiệm cố gắng không để xảy ra bất cứ sai sót nào dù là nhỏ nhất" - ông Diện chia sẻ.

Có mặt tại bộ phận xét nghiệm ở CDC Cà Mau, chúng tôi mới thật sự hiểu hết sự vất vả của lực lượng này. Các cán bộ xét nghiệm Covid-19 phải làm việc nhiều giờ trong phòng xét nghiệm. Ở thời điểm dịch bệnh căng thẳng, có lúc họ phải thay nhau làm việc liên tục, quên ăn, quên ngủ để phục vụ cho công tác tầm soát, bóc tách F0, F1.

Phía sau lớp khẩu trang in hằn lên mặt, những bộ quần áo bảo hộ nóng bức, mồ hôi vã ra như tắm là những nụ cười, nhiệt huyết, sự tận tâm với công việc mình đã lựa chọn.

Vẫn giữ nguyên bộ đồ bảo hộ để kịp thời gian thực hiện công việc trong phòng xét nghiệm, chị Lê Cẩm Tú – cán bộ xét nghiệm, cho hay: "Tụi em thấy quen rồi. Mỗi người một nhiệm vụ, em luôn cố gắng để hoàn thành tốt công việc của mình. Tuy công việc nhiều áp lực, không có nhiều thời gian dành cho gia đình và bản thân, nhưng đó là niềm vui, niềm tự hào khi đóng góp một phần công sức vào việc đẩy lùi dịch bệnh".

Động viên nhau vượt qua khó khăn để cùng chống dịch hiệu quả

Được tăng cường từ Bệnh viện đa khoa huyện Đầm Dơi vào bộ phận xét nghiệm Realtime RT PCR từ giữa tháng 7, đến nay em Trịnh Huỳnh Khánh Băng chỉ được về nhà 2 lần. Ngoài giờ làm việc, Băng cùng một số cán bộ được tăng cường khác ở lại tại CDC Cà Mau.

Một ngày cùng những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch ở Cà Mau - Ảnh 4.

Em Khánh Băng tranh thủ gọi điện về nhà. (Ảnh: Chúc Ly).

"Thời gian đầu mới tăng cường thì mỗi ca em chỉ làm 8 tiếng, nhưng sau này lượng mẫu tăng thì thời gian trực cũng nhiều hơn. Khi trực ca tối, hôm nào lượng mẫu ít thì tầm 7-8h tối tụi em sẽ tranh thủ ăn cơm. Tuy nhiên, hôm có nhiều mẫu test nhanh dương tính thì mọi người phải làm liên tục, có khi đến 11, 12h đêm vẫn chưa được ăn cơm chiều" - Băng chia sẻ.

Một ngày cùng những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch ở Cà Mau - Ảnh 5.

Những bước cuối cùng để cho ra kết quả xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật Realtime RT PCR tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Cà Mau. (Ảnh: Chúc Ly).

Còn theo em Lâm Quốc Đạt (được tăng cường từ Bệnh viện đa khoa huyện Cái Nước), thời gian đầu thì trong ca trực mỗi người thường sẽ làm một khâu. Tuy nhiên thời gian sau này khi mẫu bệnh nhiều nên mỗi người vừa làm nhiệm vụ của mình, vừa làm thêm nhiệm vụ của tổ khác để kịp thời trả kết quả. "Tuy công việc vất vả, nhưng ở đây anh em hiểu và động viên nhau rất nhiều. Nhờ vậy chúng em cùng nhau vượt qua khó khăn, bớt nhớ nhà" - Đạt bộc bạch.

Cũng như lực lượng xét nghiệm, người làm công tác truy vết, điều tra dịch tễ là lực lượng có đóng góp quan trọng để "chặn đứng" nguồn lây…Trong đó, hoạt động của lực lượng trạm y tế lưu động ở các phường là rất cần thiết, góp phần giảm tải cho CDC Cà Mau.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Tôn Duy Đang – thành viên trạm y tế lưu động phường 7, TP.Cà Mau, chia sẻ: "Khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, thành viên ở Trạm y tế lưu động luôn nhắc nhau tích cực hỗ trợ công tác truy vết, điều tra dịch tễ. Bên cạnh đó phải theo sát, quản lý, theo dõi, hỗ trợ các trường hợp F1, F2 đang cách ly tại nhà. Việc nắm rõ địa bàn, hoàn cảnh của các hộ trong khu vực, nhất là khu vực phong tỏa sẽ hỗ trợ nhiều cho việc điều tra, truy vết".

Một ngày cùng những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch ở Cà Mau - Ảnh 6.

Bộ phận báo cáo trả kết quả phải làm việc hết công suất để kịp đưa ra những con số chính xác nhất. (Ảnh: Chúc Ly).

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Hải Đăng – Giám đốc CDC tỉnh Cà Mau thông tin: Với vai trò là một trong những lực lượng tuyến đầu của ngành, thời gian gần đây do lượng bà con từ vùng dịch trở về, xuất hiện lây lan trong cộng đồng nhiều, nên lượng công việc mà lực lượng CDC đảm nhận là rất lớn.

"Công tác truy vết ở các chốt trạm thì ở CDC cũng điều hành, phối hợp. Còn ở các địa phương, phòng khám, bệnh viện và người dân tự test, nếu có mẫu dương tính thì người của địa phương sẽ vận chuyển về CDC. Chúng tôi sẽ chuyển bộ phận dịch tễ (Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - kiểm dịch y tế quốc tế) thu thập thông tin và chuyển qua bộ phận xét nghiệm. Trong lúc chờ kết quả thì lực lượng này sẽ cùng địa phương điều tra dịch tễ. Khi có kết quả thì chúng tôi phải phản hồi ngay với địa phương, và lúc này chúng ta bước đầu sẽ có đầy đủ danh sách F1, F2" - ông Đăng cho biết.

Cũng theo ông Đăng, hiện CDC Cà Mau có 122 người, riêng Khoa Xét nghiệm có 17 người. Từ khoảng tháng 7, thì lượng ca bệnh tăng lên rất nhiều, như hiện nay mỗi ngày có thể chạy khoảng 5.000 mẫu.

Một ngày cùng những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch ở Cà Mau - Ảnh 7.

Lực lượng trạm y tế lưu động phường 7 tại khu phong tỏa. (Ảnh: Chúc Ly).

Một ngày cùng những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch ở Cà Mau - Ảnh 8.

Anh Tôn Duy Đang – thành viên trạm y tế lưu động phường 7 (bìa trái) cùng người đồng nghiệp đang thực hiện công tác truy vết, sàng lọc cộng đồng. (Ảnh: Chúc Ly).

Là một người luôn sâu sát và quyết liệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19, hơn ai hết Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải thấu hiểu, ghi nhận tinh thần quyết tâm, tận tụy, nỗ lực của lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch của tỉnh nhà trong thời gian qua.

"Hình ảnh các lực lượng tuyến đầu căng mình làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ, chạy đua với thời gian để chống dịch đã gây xúc động mạnh mẽ. Nhằm khống chế, ngăn chặn triệt để lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, tôi mong muốn lực lượng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, chung sức cùng hệ thống chính trị của tỉnh nhà sớm chiến thắng dịch bệnh, đem lại cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho người dân và sự phát triển của tỉnh nhà trong thời gian tới" - ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem