Xuyên rừng quốc gia Pù Mát: Thú rừng - kẻ săn, người cứu

Thứ tư, ngày 12/09/2012 13:39 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Rừng quốc gia Pù Mát tập trung nhiều động vật, nhất là các loài thú quý hiếm. Khu rừng này luôn là tâm điểm của những tay thợ săn, ngày đêm bẫy thú một cách không thương tiếc.
Bình luận 0

Bẫy thú giăng khắp nơi

Chúng tôi theo chân anh Hoàng Hữu Sơn - Trưởng trạm Bảo vệ Khe Kèm (thuộc Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát) đi vào rừng. Trước khi lên đường, anh Sơn dặn: Bẫy thú rừng ở đây người dân giăng mắc khắp nơi, đi lại phải cẩn thận nếu không dính chưởng như chơi. Men theo dấu chân thú rừng, chúng tôi gặp nhiều bẫy, nào là bẫy răng cưa, bẫy dây phanh, bẫy đâm lao, bẫy chặt…

img
Thú rừng dính bẫy thợ săn đang được chữa trị ở Trung tâm Cứu hộ động vật VQG Pù Mát, Thú rừng Pù Mát luôn luôn bị đe doạ vì thợ săn. Ảnh: VQG Pù Mát cung cấp.

Theo anh Sơn, không ít lần anh em trong trạm tuần tra phát hiện động vật rừng sập bẫy thợ săn, nên phải đưa về Trung tâm Cứu hộ của vườn cứu chữa. Nếu động vật nhỏ thì dễ vận chuyển, gặp động vật lớn như gấu, lợn ri hoặc nhím… thì việc đưa về trung tâm cứu hộ rất khó khăn, vì rất dễ bị thú tấn công.

Rời Trạm Khe Kèm, chúng tôi đến khu vực xã biên giới Chi Khê, huyện Con Cuông. Đây là nơi bà con dân bản có truyền thống bẫy thú rừng từ lâu nên vì thế đi lối nào cũng gặp bẫy. Một tay thợ săn tên Lương Văn Tú, ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông tiết lộ, các loài thú mà anh này bẫy được ở rừng Pù Mát chủ yếu chồn hương, cầy, don, dúi, nhím, mang, lợn rừng... Mỗi khi bẫy được thú rừng, tay thợ săn này thường đưa đến nhập cho nhà hàng C.L ở trung tâm thị trấn Con Cuông. Nếu hôm nào kiểm lâm kiểm tra gắt gao thì anh ta thuê xe chạy xuống khu vực ngã ba cửa khẩu Thanh Thuỷ (huyện Thanh Chương) nhập cho các “nậu” hoặc đưa xuống trung tâm TP.Vinh bán cho các nhà hàng lớn.

Từ đầu năm đến nay, Kiểm lâm của VQG Pù Mát đã gỡ được hàng nghìn bẫy thú các loại. Những nơi bẫy thú rừng nhiều là khu vực các xã Tam Quang, Tam Đình, Tam Hợp (huyện Tương Dương), Yên Khê, Môn Sơn, Lục Dạ (huyện Con Cuông). Bẫy thú trong rừng Pù Mát khu vực nào cũng có. Ngoài gỡ bẫy, anh em kiểm lâm còn phải gỡ thú khi phát hiện con vật dính bẫy rồi đưa chúng về trung tâm cứu hộ.

Ngủ chung với... thú

Anh Phan Hữu Huấn - một cán bộ cứu hộ động vật của Trung tâm Cứu hộ động vật ở VQG Pù Mát cho biết, trung tâm như một “bệnh viện” sẵn sàng cứu chữa, chăm sóc cho những loài thú bị thương. Đây còn là nơi nghiên cứu động vật rồi trả chúng về với môi trường thiên nhiên. Mọi người có thể đến tham quan các hoạt động độc đáo của từng loài vật tại đây để thức tỉnh tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ, bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm. Ngoài động vật mà cán bộ kiểm lâm phát hiện mắc bẫy của thợ săn, tại đây số động vật thu được từ nạn vận chuyển trái phép cũng không ít.

Anh Huấn dẫn chúng tôi đi thăm hệ thống chuồng trại nuôi nhốt động vật tạm thời. Để những con thú nhanh lành vết thương, cán bộ ở đây ngoài lo chữa trị còn phải kiếm cái ăn cho con vật. Công việc này nhiều khi còn khó hơn chăm sóc người bệnh. Không ít thú con sau khi sập bẫy bị mất mẹ, trở nên yếu ớt nên phải để lại Trung tâm Cứu hộ chăm sóc. Hằng ngày, cán bộ trung tâm phải tập cho chúng ăn cháo, uống sữa rồi đêm đêm còn phải cho chúng ngủ với người để tiện chăm sóc.

Anh Huấn tâm sự: Loài “rùa trán hộp vàng” thức ăn của chúng là món giun đất nên anh em luôn phải vào rừng đào giun cho chúng ăn. Còn loài khỉ mốc thường sống ở độ cao trên 1.000m, ngủ trong hang đá, sống trầm lặng, thức ăn chủ yếu là chuối, nên phải nuôi ở khu vực vắng vẻ hơn và quanh chuồng của chúng được trồng cây cối um tùm.

Anh Trần Văn Cường - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Pù Mát kể rằng: Có lần trung tâm được chuyển về 2 chú gấu ngựa và gấu chó mới chỉ nặng khoảng 2kg, anh và một cán bộ trong đơn vị phải chăm sóc chúng chẳng khác những đứa trẻ mới lọt lòng mẹ. Trời lạnh phải cho gấu ngủ chung để đắp chăn cho chúng có hơi ấm, nửa đêm phải pha sữa bỏ vào ống cho gấu bú. Suốt ngày gấu cứ lẽo đẽo theo sau lưng người như con chó cúc. Khoảng hơn 3 năm sau, khi gấu đã lớn, anh em định đưa chúng về thiên nhiên nhưng khi thả thử thì 2 con vật này không thể tự kiếm ăn được, nên lại phải đưa chúng về nuôi nhốt.

Ông Võ Công Anh Tuấn - cán bộ Phòng Nghiên cứu khoa học VQG Pù Mát cho biết: Hàng năm các hạt kiểm lâm và các trạm quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn Nghệ An bắt được vụ buôn bán động vật hoang dã nào đều đưa về trung tâm để chăm sóc, chữa trị rồi sau đó mới thả vào rừng. Chỉ tính riêng năm 2006-2008, trung tâm đã cứu hộ được trên 100 con khỉ, 40 con beo lửa, 30 con gấu, hàng trăm con rùa đá, rùa hộp trán vàng và nhiều loài chim quý...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem