Xuyên rừng quốc gia Pù Mát: Tàn sát cây dược liệu

Thứ ba, ngày 11/09/2012 13:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thời gian gần đây, do một số thương gia Trung Quốc móc nối với các “nậu” trong nước thu gom dược liệu nên bà con địa phương ngày đêm ồ ạt đi săn dược liệu ở rừng quốc gia Pù Mát để bán kiếm tiền.
Bình luận 0

Tận diệt cây thuốc quý

Mỗi chiều tà, dọc theo Quốc lộ 7, từ thị trấn Con Cuông nguợc lên thị trấn Hoà Bình (Tương Dương, Nghệ An) rất dễ bắt gặp dòng người từ rừng đi ra.

img
Nhiều loại dược liệu quý, cây quý ở Pù Mát đang bị săn lùng...

Anh Lương Văn Kha (xã Yên Khê, Con Cuông) gùi đống dược liệu trên lưng vừa từ rừng Pù Mát ra, tiết lộ: “Trước đây, tôi thường đi chặt gỗ pơ mu bán cho các chủ xưởng gỗ ở Con Cuông. Gần đây, thấy bà con ồ ạt vào rừng tìm kiếm cây dược liệu quý về bán, nên tôi cũng đi theo. Đi tìm cây dược liệu vừa dễ khai thác lại dễ vận chuyển ra ngoài, ra khỏi rừng là bán được ngay. Mỗi ngày ít cũng kiếm được hơn 3 trăm nghìn, nếu trúng quả kiếm được cả triệu đồng”.

Thời gian gần đây, rừng quốc gia Pù Mát luôn phải đối mặt với lượng người dân bản địa rất đông ngày đêm vào rừng khai thác nguồn dược liệu quý. Một cán bộ Vườn quốc gia Pù Mát cho biết, ban đầu bà con khai thác ở vùng đệm, khi nguồn dược liệu ở vùng đệm cạn dần, người dân tràn sang cả khu vực rừng nghiêm ngặt để săn tìm. Và mặc dù lực lượng kiểm lâm của vườn ngày đêm tuần tra gắt gao nhưng không thể kiểm soát hết người dân địa phương vào rừng đào chặt.

Anh Bùi Hữu Hoàng - cán bộ lâm nghiệp huyện Con Cuông than thở: Ngày trước cây dây “máu chó” mọc khắp nơi nhưng bà con chẳng ai thèm để ý. Thời gian gần dây rộ lên chuyện mua bán loài cây này nên người dân ngày đêm tràn vào rừng quốc gia Pù Mát để tàn sát. Mấy dạo đầu, cán bộ VQG Pù Mát cũng như lực lượng kiểm lâm không để ý, khi phát hiện thương gia Trung Quốc thu mua loài dược liệu này ồ ạt thì mới kiểm tra gắt gao. Nhưng với diện tích rừng rộng lớn với nhiều đường mòn, đường tiểu ngạch ra vào nên không dễ tóm được người khai thác dược liệu lậu.

Ông Võ Công Tuấn Anh - Phó phòng NCKH, VQG Pù Mát cho biết: Qua điều tra của các nhà khoa học, VQG Pù Mát đã bổ sung các loài cây thuốc quý cho danh lục cây thuốc quý Việt Nam là 72 loài, thuộc 63 chi, 39 họ, tập trung chủ yếu vào ngành mộc lan. Một số cây thuốc quý hiếm của rừng Pù Mát sau khi bán sang Trung Quốc được người ta chiết xuất làm thuốc chữa ung thư tụy, sỏi thận, dạ dày…

Cây thuốc ở VQG Pù Mát có 182 loài ở cả vùng núi cao, thấp, trong các khu rừng nguyên sinh hay thứ sinh hoặc bám vào lèn núi đá vôi. Có trên 200 loài cây bám xung quanh bản làng, nương rẫy, ven đường đi, ruộng ẩm, khe suối. Có 226 loài dùng thân cây chữa các bệnh về gan, dạ dày tiêu hoá hay gãy xương trật khớp.

Vỏ, hoa, quả, hạt đều được sử dụng làm thuốc chữa bỏng hoặc sắc nước để chữa vết thương, nhiễm trùng hay thay thuốc kháng sinh để chữa viêm nhiễm, giải độc, giải nhiệt. Tuy nhiên, hiện nhiều loại cây thuốc quý ở đây đang có nguy cơ bị xoá sổ, do người dân khai thác trộm ồ ạt để bán cho các thương gia Trung Quốc.

Đột nhập cơ sở “trùm” dược liệu

Cách cổng vào trung tâm Vườn quốc gia Pù Mát chưa đầy 100m, một cơ sở công khai thu mua nguồn dược liệu quý. Bà Nguyễn Thị Gấm - chủ cơ sở này tự hào: Cả miền tây Nghệ An này duy nhất chỉ có bà là người thu mua nguồn dược liệu rừng lớn nhất.

Theo nghiên cứu của VQG Pù Mát: Hiện các thầy lang cùng với đồng bào miền tây Nghệ An đúc rút được 154 bài thuốc, thuộc 16 nhóm bệnh khác nhau. Nhóm bệnh đường tiêu hoá có 36 bài, 9 chứng bệnh; nhóm bệnh ngoài da có 25 bài, thuộc 16 chứng bệnh; nhóm bệnh của phụ nữ có 18 bài, thuộc 8 nhóm bệnh; nhóm bệnh về ung thư có 8 bài; bệnh giang mai có 3 bài... cách chế các bài thuốc này rất đơn giản, phần lớn đều phơi khô sắc uống hoặc dùng tươi.

Nói rồi bà Gấm giải thích công hiệu của từng loại dược liệu mà bà đang thu mua đã được tập kết về đây. Hầu như bất cứ loài dược liệu gì cũng được cơ sở này thu mua. Trong đó chủ yếu là dây máu chó tươi, củ thiên niên kiện (tiếng Thái gọi là “sắc thục”), hạt sa nhân, cây hoàng đằng, quả bo bo... Theo bà Gấm mỗi ngày cơ sở của bà thu mua khoảng 15 tấn dược liệu, có khi lên tới 30 đến 40 tấn.

Dọc theo Quốc lộ 7, đoạn qua huyện Con Cuông và Tương Dương, một số cơ sở đứng ra thu mua dược liệu nhưng sau đó lại nhập lại cho cơ sở bà Gấm. Khoảng một tuần hoặc 10 ngày, bà Gấm cho nhân công đóng gói dược liệu vào bao tải rồi chất lên ô tô đưa ra biên giới nhập cho các thương lái Trung Quốc.

Kỳ 3: Thú rừng - kẻ săn, người cứu

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem