Yên Bái: Nỗ lực đưa pháp luật vào cuộc sống

Thứ bảy, ngày 09/06/2012 12:45 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thực hiện xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở và đầu tư phát triển tam nông, những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với hội viên, nông dân luôn được Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Yên Bái chú trọng.
Bình luận 0

Bà Phạm Thị Tuyết Nga - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái, cho biết: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ mà Hội rất quan tâm. Hội đã có sự phối hợp chặt chẽ với ngành tư pháp, công an, phụ nữ, đoàn thanh niên và các ngành chức năng, báo chí; thông qua các kênh: Tuyên truyền trực tiếp, cấp phát miễn phí băng, đĩa để phát trên radio, tivi, video… nhằm đưa được nhiều thông tin nhất đến với nông dân. Ngoài ra, Hội còn thành lập nhiều câu lạc bộ: Đồng cảm, Nông dân với pháp luật... Hoạt động đó đã giúp hội viên, nông dân chúng tôi tháo gỡ nhiều khó khăn trong cuộc sống.

img
Nông dân xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn phát triển nghề rừng và nguyên liệu giấy.

Đến với bà con nông dân thôn Bĩu, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn vào đúng mùa những vườn cam sai trĩu quả, lão nông Hà Văn Phu - chủ vườn cam sành cho biết: Nhờ được Hội Nông dân tổ chức học tập nhiều lần về pháp luật và các chính sách của Nhà nước nên nông dân dám mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại và gắn với trồng rừng. Nhà tôi cũng có hơn 3.000m2 đất trồng cam, còn lại đầu tư cho hơn 10ha rừng nguyên liệu. Làm vườn, làm rừng mà không hiểu pháp luật thì vất vả lắm.

Từ những khó khăn ban đầu như tranh chấp đất đai, bản quyền giống gốc, quy định được công nhận trang trại… tới những quy định pháp luật khác như: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ Môi trường, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; bảo vệ, khai thác, phát triển vốn rừng, quy định về rau- củ - quả sạch... Ở đây, nhà nào cũng có những hiểu biết cơ bản về những nội dung đó. Khi gặp phải vấn đề đó, mình sẽ tự nhận thức được là sai hay đúng. Nội dung gì cần hiểu sâu sắc hơn, kỹ càng hơn thì gặp cán bộ hội, cán bộ tư pháp xã là sẽ rõ hơn thôi.

Bà Hà Thị Ninh - hộ kinh doanh ở trung tâm xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, bảo: Nhờ hiểu biết về pháp luật nên khi sức khoẻ yếu, chuyển từ làm nông nghiệp sang làm kinh doanh, tôi đã biết được mình phải kinh doanh như thế nào cho có lãi và an toàn. Mình là hộ kinh doanh nhỏ thì các mức thuế phải đóng ở mức nào, tôi cũng biết. Khi có việc muốn nghỉ dài ngày, tôi đều làm đơn gửi ngành thuế để được miễn trừ. Các con tôi cũng rất quan tâm tìm hiểu và học tập về Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Hôn nhân - Gia đình…

"Nói tóm lại là ở tuổi nào, nghề nào, làm cái gì cũng phải hiểu biết luật pháp về lĩnh vực ấy" - bà Ninh quả quyết như vậy.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem