Yên Bái: Nước Ngập cây trái trĩu cành sau "cơn sốt" đá đỏ

Hoàng Hữu Chủ nhật, ngày 12/01/2020 13:30 PM (GMT+7)
Từ vùng đất chỉ thấy tệ nạn, rừng núi bị chặt phá, đất đai bị đào sới nham nhở sau "cơn sốt" đá đỏ những năm đầu thập niên 90, giờ đây, Nước Ngập (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đã được hồi sinh với những vườn cam trĩu quả.
Bình luận 0

Nậm Ngập – dịch nghĩa sang tiếng Việt có nghĩa là Nước Ngập. Vùng đất Nước Ngập là một dải núi thuộc địa bàn thị trấn Yên Thế và một số xã vùng lân cận.

Những năm đầu thập niên 90, trên các bãi đá quý như bãi Chuối, bãi Dây, bãi Thái, bãi Giữa, bãi Mường Lai… hằng ngày luôn có hàng nghìn người lên đào đá đỏ, tìm kiếm ruby...Từng đoàn người kéo đến và đi để lại những "vết thương" cho núi rừng.

Nhưng cũng chính những con người đã từng một thời đi tìm kiếm sự đổi đời ấy đã trở lại vùng đất năm xưa, hồi sinh mảnh đất Nước Ngập chằng chịt "vết thương" sau "cơn sốt" đá đỏ.

img

Những vườn cây ăn quả đã giúp hồi sinh vùng đất hoang ngày nào.

Đi theo con đường bê tông vắt ngang triền núi, PV Dân Việt đến với vùng đất Nước Ngập. Không còn là vùng đất hoang sơ ngày nào, Nước Ngập giờ đây hiện ra với những vùng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Là một trong những người đầu tiên quay lại Nước Ngập sau "cơn sốt" đá đỏ, đến giờ ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn nhớ như in chuỗi ngày gian khổ ấy. Đó là năm 1999, vợ chồng ông bà khăn gói quả mướp, mang theo vài cái xoong, cái bát, một số ít vật dụng sinh hoạt rời trung tâm thị trấn lên Nước Ngập. Chẳng còn suy nghĩ tìm kiếm đá đỏ, vợ ông cùng nhiều người khác lên đây với mong muốn phát triển kinh tế, khôi phục lại Nước Ngập.

Ông Dũng nhớ lại: “Lúc đi ai cũng can ngăn, kể cả anh em họ hàng. Họ nói đá đỏ còn chưa làm đổi đời được, lên bãi đất hoang đó thì có mà chết rũ xương”. Thế nhưng, vợ chồng ông vẫn quyết tâm lên đây. Dựng được căn lều nhỏ, ông bà bắt tay dọn từng bụi lau, san lấp các hố đá đỏ, tra cây ngô, cây sắn, nuôi thêm con gà, con lợn.

Dưới bàn tay tần tảo chăm sóc của ông bà, ngô, sắn tươi tốt và cho năng suất cao. Có đủ cái ăn, ông bà lại tiếp tục tìm tòi trồng các giống cây ăn quả mở hướng làm giàu. Năm 2014, ông chuyển đổi trên 5ha sang trồng các giống cam quýt và cây ăn quả có múi cho hiệu quả, năng suất cao.

img

Từ các loại cây ăn quả này, mỗi năm gia đình ông Đỗ Đình Tú thu về được hơn 400 triệu đồng.

Cách đây 4 năm, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng Nước Ngập thuận lợi cho việc trồng cây ăn quả có múi, gia đình ông Đỗ Đình Tú (khu Nước Ngập, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những loại cây không mang lại hiệu quả kinh tế sang cây ăn quả. Đến nay gia đình có hơn 1,5ha cam Vinh, cam đường canh, phật thủ. Từ các loại cây ăn quả này, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 400 triệu đồng.

Ông Tú chia sẻ: “Nhờ trồng cam mà gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn. Trước đây, toàn bộ diện tích vườn của gia đình cũng chỉ trồng ngô, sắn, chuối hiệu quả kinh tế thấp. Hiện gia đình tôi không chỉ tập trung chăm sóc cam, mà còn phát triển thêm diện tích để trồng cây phật thủ, nhiều loại cây sẽ hạn chế rủi ro hơn.”

Cũng đã từng có khoảng thời gian tìm vận may từ ruby ở vùng đất này, đến khi cả thung lũng bị “xới đi xới lại”, ruby chẳng còn, vận may chẳng có, gia đình ông Đỗ Văn Chiến đã chuyển đổi ngay sang trồng cây ăn quả ở bãi Nước Ngập. Hiện gia đình ông Chiến có 100 gốc cam đường canh, năm nay giá cam bán tại vườn được 20.000 đồng/kg, dự kiến thu về được khoảng gần 200 triệu đồng.

Ông Chiến cho biết: “Đối với bà con ở Bãi Nước ngập, trước đây khi nói đến vài chục triệu đồng cũng chẳng ai dám nghĩ tới, nhưng nay những hộ trồng cam, mỗi năm thu về ít nhất cũng phải được từ 100 triệu đồng trở lên.”

img

Những vườn cam ngọt trên Nước Ngập

Hiện nay, khu Nước Ngập (thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) có 34 hộ dân. Hầu hết các hộ dân đều là những người từng đến khai thác đá đỏ tại đây. Sau khi ruby hết, những hộ dân này đã làm nương tại chỗ, trồng cây sắn, cây ngô. Tuy nhiên qua thời gian, những loại cây trồng này ít có hiệu quả kinh tế, đặc biệt do đường giao thông đi lại khó khăn nên để phát huy lợi thế đất đai gặp nhiều khó khăn.

Thấu hiểu nỗi khó khăn ấy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện bê tông hóa 1,5km con đường độc đạo lên Nước Ngâp, điện lưới Quốc gia cũng kéo về đến trung tâm khu dân cư. Có điều kiện thuận lợi hơn, các hộ dân đã yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển các loại cây không đem lại hiệu quả kinh tế sang trồng cây ăn quả.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Viết Đại, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thế cho biết, hiện nay thị trấn Yên Thế đang tập trung phát triển cây ăn quả, trong đó vùng Nước Ngập là khu vực trọng tâm phát triển. Toàn thị trấn Yên Thế có 44ha cây ăn quả có múi, trong đó riêng ở Bãi Nước ngập đã có 35ha, cho thu nhập hàng tỷ đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem