Xã Chế Tạo cách trung tâm huyện Mù Cang Chải khoảng 35km. Muốn di chuyển từ trung tâm huyện vào xã, chỉ có con đường đất độc đạo nhỏ như một sợi chỉ vắt qua bao núi cao, đèo sâu mới đến được.
Cây thảo quả - loại cây dễ trồng, mà không phải đầu tư bất cứ khoản phí nào khác.
Nhưng từ khi đồng bào nơi đây được tiếp cận các nguồn vốn vay và các chính sách an sinh xã hội, bà con đã tích cực tham gia phát triển kinh tế, làm đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, nhờ trồng cây thảo quả - loại quả được mệnh danh là "nữ hoàng gia vị" mà đồng bào người Mông đang từng bước thoát nghèo, vươn lên khá, giàu.
Cách đây 5 năm trở về trước, bản Kể Cả, xã Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải) là một trong những bản có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nhì trong xã, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ thiếu đói giáp hạt chiếm trên 80%. Nhưng giờ đây, đời sống đồng bào ngày càng khấm khá nhờ trồng cây thảo quả và một số cây lâm nghiệp gắn với phát triển, bảo vệ rừng.
Gia đình ông Sùng A Páo (bản Kể Cả, xã Chế Tạo) là một trong những hộ có hoàn cảnh nghèo khó nhất nhì của bản, đất sản xuất ít nên cái đói, cái nghèo luôn đeo bám. Năm 2012, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện Mù Cang Chải, gia đình ông đã đầu tư trồng cây thảo quả. Nhờ cần cù, chịu khó mà 3 năm trở lại đây gia đình ông Páo đã có thêm nguồn thu trung bình từ 60 - 80 triệu đồng/năm từ thảo quả.
Ông Páo phấn khởi cho phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN biết: “Năm 2018 gia đình tôi thu được trên 100 triệu đồng từ thảo quả. Đây thực sự là cây xóa đói, giảm nghèo hiệu quả với người dân vùng cao chúng tôi”.
Thảo quả đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Sùng A Câu - Bí thư chi bộ bản Kể Cả cho biết: “Cả bản có gần 47 hộ dân với trên 300 nhân khẩu. Trước đây bản còn rất nghèo, nhưng sau khi đưa giống thảo quả vào trồng thì đời sống của dân bản đã có nhiều chuyển biến. Hiện nay, 100% số hộ trong bản có xe máy, gần 80% số hộ có nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới năm 2018 giảm xuống còn 63%”.
Cũng giống như bản Kể Cả, bản Tà Dông là một trong những bản có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất toàn xã hiện nay, với trên 43% hộ nghèo, 8% hộ cận nghèo. Để có được kết quả trên, cách đây hơn chục năm, người dân của bản đã biết gắn cuộc sống với rừng và tận dụng diện tích rừng để phát triển kinh tế, trong đó tập trung trồng cây thảo quả dưới tán rừng.
Đến nay cả bản có đã có hàng trăm hA thảo quả dưới tán rừng, tạo nguồn thu đáng kể cho người dân. Trong đó, có những hộ mỗi năm thu được vài trăm triệu đồng và đầu tư mua ô tô như ông Sùng Nủ Chư, ông Sùng A Khày…
Đồng bào dân tộc Mông thu hoạch thảo quả.
Hiện nay, xã Chế Tạo có 6 thôn, bản với trên 2.500 dân, toàn xã có trên 19.000 ha rừng, trong đó 16.000ha rừng thuộc khu bảo tồn các loài sinh vật. Để bảo vệ tốt diện tích rừng gắn với phát triển kinh tế đồi rừng, nâng cao đời sống của bà con nhân dân, những năm cuối thập niêm 90, người dân đã trồng thảo quả dưới tán rừng. Hiện nay diện tích này đã tăng lên hàng nghìn ha, giúp bà con nhân dân có thêm nguồn thu và giảm nghèo, làm giàu.
Cũng nhờ cây thảo quả và các chính sách của Đảng, Nhà nước đã làm thay đổi đổi bộ mặt nông thôn mới của xã từng ngày. Tính đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn trên 52% và từ đầu năm đến nay xã đã giảm được 70% (19/36 hộ) số hộ nghèo theo Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy và Kế hoạch 170 của Huyện ủy Mù Cang Chải.
"Nữ hoàng gia vị" phơi khô chuẩn bị được bán ra thị trường.
Ông Sùng A Chống, Chủ tịch UBND xã Chế Tạo cho biết: “Chúng tôi xác định, nếu muốn giảm nghèo nhanh và bền vững, cấp ủy chính quyền tiếp tục vận động nhân dân tập trung chăm sóc diện tích cây thảo quả; tận dụng đất nông nghiệp, kém hiệu quả trồng thêm các loại cây trồng cho năng suất cao như: táo mèo, sa nhân và một số loại cây có giá trị kinh tế khác phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, gắn với việc phát triển và bảo vệ rừng để đời sống người dân ngày càng ổn định hơn”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.