Người dân xã Xuân Tầm phơi vỏ quế mới thu hoạch.
Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền xã Xuân Tầm cùng với sự cố gắng của người dân, cuộc sống của bà con nơi đây đang từng bước đổi thay. Nguồn thu nhập chính của nông dân trong xã từ phát triển kinh tế đồi rừng, với tổng diện tích rừng sản xuất trên 4.500 ha thì quế chiếm gần 3.400 ha.
Trong đó, trên 50% diện tích quế đến kỳ khai thác, mỗi năm xuất bán từ 500 - 600 tấn quế vỏ, hàng nghìn tấn cành, lá thu về hàng chục tỷ đồng. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, chính quyền xã đã tích cực vận động người dân, tạo điều kiện về đất trồng, cây giống, đặc biệt là cây quế. Hầu như gia đình nào ở Xuân Tầm cũng trồng quế, nhà ít thì 1 ha, nhà nhiều vài chục ha.
Những gia đình trồng nhiều quế như: ông Triệu Tài Trình ở thôn Khe Lép 1 có trên 20 ha; ông Triệu Văn An ở thôn Khe Chung 3 có 20 ha; ông Đặng Phúc Huyện ở thôn Khe Chung 1 có 25 ha… Nhà xây, xe máy, ti vi, tủ lạnh hay con cái học hành đều từ quế mà ra.
Sơ chế, phân loại vỏ quế tại một điểm thu mua. Ảnh: I.T
Ông Triệu Văn An ở thôn Khe Chung 3 từng là một trong những hộ khó khăn trong thôn chia sẻ: “Kinh tế gia đình tôi trước kia chỉ trông chờ vào mấy mẫu ruộng chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong khi đó gia đình đông con nên cuộc sống rất khó khăn. Từ khi chuyển sang trồng quế, kinh tế gia đình tôi mới khá lên. Hiện giờ, tôi lúc nào cũng duy trì nuôi 15 con lợn trở lên, cùng với 20 ha quế từ 1 - 20 năm tuổi. Mỗi năm từ khai thác quế, chăn nuôi, tôi cũng thu về trên 200 triệu đồng”.
So với các loại cây lâm nghiệp khác thì quế là cây có giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Với ưu điểm sống được trên các diện tích đất bạc màu, đất xói mòn và phù hợp với khí hậu nên quế ở Xuân Tầm đã trở thành cây chủ lực để xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.
Sản phẩm quế ở Văn Yên nổi tiếng chất lượng cao, thơm nồng đậm đà. Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, tiềm năng và cơ hội đã có nhưng việc phát triển kinh tế đồi rừng của Xuân Tầm vẫn còn không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do người dân vẫn quen lối canh tác lạc hậu, áp dụng khoa học, kỹ thuật còn nhiều hạn chế, giao thông đi lại ở các thôn, bản xa còn gây khó khăn trong quá trình khai thác, vận chuyển.
Ông Trần Đức Thịnh - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xuân Tầm là một xã còn nhiều khó khăn, cho nên chúng tôi luôn tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để bà con tích cực xóa đói giảm nghèo. Mỗi năm, có tới 30.000 cây quế giống được hỗ trợ cho các hộ trên địa bàn theo Chương trình 135. Bên cạnh việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật để bà con trồng rừng hiệu quả hơn cùng với việc phát triển rừng, công tác bảo vệ rừng cũng được chính quyền rất chú trọng".
"Chúng tôi đã tích cực phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức các lớp tập huấn cho bà con ở các thôn, bản nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong quản lý, khai thác tài nguyên rừng bền vững. Giá trị kinh tế từ cây quế mang lại đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 50,2% đến thời điểm hết năm 2016” - ông Thịnh trao đổi.
Ngôi nhà to đẹp của con trai ông Hoàng Văn An, dân tộc Tày ở thôn 1, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái được xây dựng nên nhờ cây quế. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Thấy được lợi ích và hiệu quả của cây quế, nên nhiều hộ trong xã tập trung mở rộng diện tích trồng quế. Quế rải khắp 20 thôn, bản; trong đó, tập trung nhiều nhất ở các thôn: Khe Chung 1, Khe Lép 1, Khe Đóm 1, Khe Chung 3, Khe Lép 2...
Đặc biệt, các thôn như Khe Chung 3 và Khe Lép 2 chỉ có hơn 5 ha ruộng nước, nhưng mỗi thôn có trên 200 ha quế. Đầu ra của sản phẩm quế cơ bản đều được các tiểu thương, doanh nghiệp thu mua và chế biến. Hợp tác xã Bách Lâm thu mua cành, lá, chế biến tinh dầu đóng ngay trên địa bàn xã. Đối với sản phẩm quế vỏ khô, xã cũng đã liên kết với Công ty Hương gia vị Sơn Hà (Bắc Ninh) để thu mua nhằm giữ giá cả ổn định và giúp nhân dân về kỹ thuật trồng quế, phát triển vùng nguyên liệu quế ổn định và bền vững.
Có thể thấy, những năm qua, chính quyền và nhân dân xã Xuân Tầm đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn để tập trung sản xuất phát triển kinh tế đồi rừng. Phát huy tiềm năng và lợi thế về phát triển kinh tế đồi rừng chính là hướng đi đúng đắn thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Hải Hà (Báo Yên Bái)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.