Yên Thủy (Hòa Bình): Hóa giải thách thức trong dồn điền đổi thửa

Anh Thơ Thứ hai, ngày 27/10/2014 06:27 AM (GMT+7)
Địa hình bị chia cắt phức tạp, diện tích manh mún, những tưởng khi thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT), huyện Yên Thuỷ sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi quy chế dân chủ được phát huy, ý kiến đóng góp của dân được tôn trọng thì mọi khó khăn, thách thức đã được hoá giải.
Bình luận 0

Tôn trọng ý kiến dân

Trò chuyện với chúng tôi, ông Bùi Huyên - Trưởng phòng NNPTNT huyện Yên Thuỷ khẳng định, DĐĐT là một đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn sản xuất bởi ruộng đồng trên địa bàn vô cùng manh mún, bình quân mỗi hộ có từ 10 – 15 thửa, cá biệt có hộ lên đến 30 thửa, phân bố ở các xứ đồng khác nhau nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và áp dụng cơ giới hoá. Vì vậy, khi UBND huyện ban hành Kế hoạch số 36 ngày 28.5.2013 về việc triển khai thực hiện thí điểm DĐĐT đất nông nghiệp, từ cán bộ đến nhân dân đều đồng tình ủng hộ, bởi thực lòng họ luôn ước mơ làm điều gì đó để thay đổi diện mạo những cánh đồng nhiều năm triền miên khát nước, năng suất cây trồng bấp bênh...

img Cánh đồng lớn bí xanh ở huyện Yên Thủy. 

Ngay sau khi UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm DĐĐT, ở 2 xã được chọn làm thí điểm là Ngọc Lương, Yên Trị cũng thành lập Ban chỉ đạo DĐĐT và Ban DĐĐT tại các xóm. Xã Ngọc Lương chọn xóm Trường Long và Hổ 2, còn xã Yên Trị chọn xóm Ao Hay để thực hiện cuộc “cách mạng” này.

Nhớ lại những ngày bắt tay vào đo đạc, giao đất ngoài thực địa, ông Huyên phấn chấn nói: “Xóm làng hôm đó rộn ràng, vui như ngày hội, người dân ai cũng hân hoan nhận khu ruộng mới của gia đình, sẵn sàng bắt tay gieo hạt cho vụ tới. Khi tiếng nói của dân được tôn trọng thì mọi khó khăn, vướng mắc đã được hoá giải, tư tưởng ruộng xa – gần, tốt – xấu hầu như không còn”.

Nhưng để có được ngày vui đó, ông Huyên cho biết, đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở đã luôn sát cánh cùng người dân, mở các cuộc họp để quán triệt văn bản chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện và Đảng ủy xã. Phòng Tài nguyên và Môi trường in bản đồ giải thửa diện tích đất nông nghiệp của xóm để bà con nghiên cứu, xây dựng phương án DĐĐT. Tất cả các phương án dồn đổi đều được đưa ra bàn bạc công khai với dân. Trên cơ sở phương án đã được thông qua, Ban DĐĐT của xóm mới tổ chức cho các hộ bốc thăm vị trí đất mới, ưu tiên cho những gia đình chính sách, có công với cách mạng; sau đó đo đạc cắm mốc và giao đất ngoài thực địa, lập hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Gieo niềm hy vọng

Giờ thì đồng đất ở 3 xóm Ao Hay, Trường Long và Hổ 2 đã được quy hoạch gọn gàng, khoa học. Hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng đang được hoàn thiện theo đúng tiêu chí NTM trên cơ sở sự đóng góp đất, ngày công của người dân. Hiện, số hộ đã hoàn thành DĐĐT tại 3 xóm là 179, với diện tích dồn đổi 90,59ha. Trước đây tổng số thửa tại 3 xóm là 1.658 thửa, nhưng nay chỉ còn 508 thửa. Người dân cũng đã đào đắp, làm mới 9,4km đường nội đồng; nạo vét, đào mới 17,4km kênh mương; xây mới 67m kênh bê tông, 23 cống qua đường… Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện DĐĐT năm 2013 cho 3 xóm là 547 triệu đồng.

Và hiệu quả của công tác DĐĐT đã được chứng minh ngay trong vụ đông năm 2013 khi ruộng đất tập trung đã giúp bà con giảm thời gian chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và công làm đất từ 30 – 35%; năng suất cây trồng (chủ yếu là ngô, lạc) tăng thêm 2 – 3 tạ/ha. Khi chưa DĐĐT, chi phí sản xuất 1ha cây màu là 8 - 9 triệu đồng nhưng nay giảm còn 5 - 6 triệu đồng/ha, vì vậy lợi nhuận của bà con tăng thêm 3 - 4 triệu đồng/ha.

   Ông Vũ Huy Nam - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Yên Thủy cho biết: “DĐĐT là tiền đề quan trọng để các địa phương hoàn thành các tiêu chí khác, do đó, trên cơ sở thắng lợi của 3 xóm thí điểm DĐĐT, huyện đã xây dựng phương án triển khai công tác này đến toàn bộ các xã  trong năm 2014”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem