Nóng bỏng dồn điền đổi thửa: Nhường ruộng đẹp cho dân

Việt Tùng Thứ năm, ngày 17/04/2014 07:13 AM (GMT+7)
Ở Nam Định, Thái Bình lại xuất hiện chiều ngược lại: Cán bộ và đảng viên xung phong nhận ruộng xấu, ruộng xa để ruộng đẹp, ruộng gần lại cho dân.
Bình luận 0
Nếu như ở một số địa phương, khi dồn điền đổi thửa (DĐĐT) cán bộ thường “xung phong” lấy hết ruộng đẹp, ruộng gần đường cho gia đình mình, thì ở Nam Định, Thái Bình lại xuất hiện chiều ngược lại: Cán bộ và đảng viên xung phong nhận ruộng xấu, ruộng xa để ruộng đẹp, ruộng gần lại cho dân.

Cũng chính bởi vậy, nên Thái Bình, Nam Định đã trở thành nơi đầu tiên hoàn thành DĐĐT mà ít để xảy ra tình trạng kiện cáo.

Thăm dò từng hộ

Về Thái Bình những ngày này đi trên những con đường bê tông rộng rãi phẳng lì nối từ thôn, xóm ra những cánh đồng xanh mướt, thẳng cánh cò bay được chia theo ô bàn cờ, mới thấy hết được tác dụng của DĐĐT. Nông dân Nguyễn Văn Thành, xã Nam Thắng (Tiền Hải) chỉ tay về phía cánh đồng nói: “Nếu không có DĐĐT, thì không thể có cánh đồng mẫu lớn, khó có thể sản xuất hàng hóa.

Đây có thể coi là cuộc “cách mạng” ruộng đất lớn nhất, hiệu quả nhất từ trước tới nay”. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Ngọc Thủy – Chủ tịch UBND xã Nam Thắng nói: “Bước đầu, khi thực hiện DĐĐT chúng tôi tiến hành kiểm kê lại toàn bộ diện tích của thôn, từng hộ, cũng như từng xứ đồng. Sau mới tiến hành họp lấy ý kiến của người dân về phương án, cách chia.

Để công bằng cho tất cả mọi người, trước đây ở xã vẫn để khu ruộng ưu tiên cho những gia đình chính sách, nhưng trước khi DĐĐT lấy ý kiến của người dân và những gia đình chính sách họ đều đồng ý “rũ” ra chia lại rồi bốc thăm”. Theo ông Thủy, đã bốc thăm thì sẽ có yếu tố may rủi, nhưng ai cũng vui vì chính tay họ bốc, chứ không phải ai áp đặt. Còn về cán bộ, chúng tôi yêu cầu các thôn cử ra những người có kinh nghiệm, am hiểu đồng ruộng để tham gia giám sát, bên cạnh đó tổ công tác xã thường đi cơ sở giám sát các thôn thực hiện.

  Việc dồn điền đổi thửa đã giúp  cho cơ giới  hóa ruộng đồng thuận lợi.
Việc dồn điền đổi thửa đã giúp cho cơ giới hóa ruộng đồng thuận lợi.

Tương tự xã Nghĩa Minh, là một trong 4 xã về đích đầu tiên của huyện và tỉnh, phương châm của xã Thụy Phúc (Thái Thụy) là: “Đồng thuận cao, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”. Ông Nguyễn Trường Ca – Chủ tịch UBND xã Thụy Phúc cho biết: “Về DĐĐT chúng tôi làm nhẹ nhàng, đơn giản lắm, chỉ trong vòng 4 cuộc họp là xong. Đầu tiên, chúng tôi họp để bàn phương án; họp công khai quỹ đất và diện tích của từng hộ; họp thông báo phóng tuyến và cuối cùng là họp bốc thăm”.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình, đến nay toàn tỉnh đã cơ bản đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Qua đó, giảm được 499.930 thửa so với trước khi DĐĐT, hiện chỉ còn 462.187 thửa, bình quân chung toàn tỉnh là 1,79 thửa/hộ.

Làm khéo sẽ không kiện

"Để người dân không thắc mắc, thì trước khi chia ruộng phải họp bàn kỹ. Kế hoạch, phương án là do dân bàn, khi dân thuận thì mới chia. Về phía cán bộ trong ban, tiểu ban DĐĐT ở các thôn, đội phải cam kết thực hiện công tâm, xung phong nhận những khu ruộng xấu, xa để “nhường” ruộng đẹp hơn cho bà con. Nếu làm khéo, đừng để dân thiệt sẽ không chỉ tránh được khiếu kiện, mà còn được người dân ủng hộ và tăng uy tín của cán bộ…”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn

Chúng tôi về xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng, Nam Định), một trong những xã vừa hoàn thành DĐĐT sớm nhất huyện, mặc dù khi bắt đầu DĐĐT xã cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Vũ Văn Thụy – Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Minh phấn khởi cho biết, đặc điểm của xã trước khi DĐĐT mỗi hộ có khoảng 3 thửa, kênh mương thủy lợi chưa đảm bảo, một số hộ đang canh tác trên những thửa ruộng tốt, thuận lợi, nên không đồng ý DĐĐT.

“Nhưng bằng sự tuyên truyền, vận động của các đoàn thể đến người dân, họ đã hiểu và nhiệt tình hưởng ứng. Trải qua quá trình thực hiện, tôi rút ra bài học rằng: Ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, đội ngũ cán bộ phải thực sự gương mẫu, kỷ cương, trách nhiệm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện; lấy người dân làm nòng cốt…” – ông Thụy đúc kết.

Toàn tỉnh Nam Định có 200/204 xã, thị trấn thuộc 9 huyện, với tổng 3.009 thôn, đội triển khai công tác DĐĐT. Tính đến nay, đã có 199 xã đã giao ruộng trên thực địa và gần 170 xã, thị trấn hoàn thành 100%, với 2.446 thôn, đội. Chia sẻ về những kinh nghiệm trong DĐĐT, ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là làm đến đâu, chắc đến đó. Có nghĩa đã làm là không để dân phải khiếu kiện, thắc mắc, vì lý do không công bằng, thiếu dân chủ… “DĐĐT có nghĩa dồn ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, thay đổi vị trí ruộng, nên hộ từ vị trí đẹp sau khi chia có thể được vị trí xấu hơn và ngược lại là điều không thể tránh khỏi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem