1 triệu tỷ "nằm không" trong hệ thống, ngân hàng phải huy động lãi suất cao: Quy trách nhiệm cho ai?

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 18/11/2022 06:30 AM (GMT+7)
"Hiện có gần 1 triệu tỷ đồng đầu tư công đang gửi tại ngân hàng mà không tiêu được. Để vậy có thể coi là lãng phí không trong khi các ngân hàng huy động vốn lãi suất cao. Ai phải chịu trách nhiệm? Làm sao khơi thông nguồn vốn này?".
Bình luận 0

Đó là những chia sẻ của TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) khi đề cập về giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Có nới thêm room tín dụng, ngân hàng thương mại cũng không có vốn để cho vay

TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, theo thông lệ ngân hàng chỉ là nơi cung cấp vốn lưu động, chủ yếu là vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, doanh nghiệp muốn huy động vốn trung, dài hạn thì phải ra thị trường vốn.

Thế nhưng, trên thực tế ngân hàng phải gánh cả vai của thị trường vốn. Do đó, đến thời điểm hiện tại không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả ngân hàng cũng đang mất cân đối nghiêm trọng về nguồn vốn, đặc biệt là khi xảy ra tình trạng trái phiếu chưa đến hạn đã phải trả trước hạn.

"Việc phải trả cả trái phiếu chưa đến hạn, buộc doanh nghiệp phải lấy cả nguồn tiền sản xuất kinh doanh, thậm chí cả vốn vay ngân hàng để trả nợ. Điều này cũng khiến doanh nghiệp nảy ra đề xuất ngân hàng tăng room để bổ sung vốn cho doanh nghiệp", ông Hùng nói.

Trong khi đó, thông điệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất rõ ràng, đó là "kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022, có sự linh hoạt với diễn biến vĩ mô". 

Đến nay, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt 11,8 triệu tỷ đồng, tăng hơn 11% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng nguồn vốn chỉ 4,8%. "Như vậy, NHNN có nới thêm room tín dụng thì ngân hàng thương mại cũng không có vốn để cho vay", TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

1 triệu tỷ "nhốt" tại ngân hàng không tiêu được, ngân hàng huy động lãi suất cao: Lãng phí, phải quy trách nhiệm!? - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tại Diễn đàn Diễn đàn “Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp “vượt sóng”

Chưa hết, các ngân hàng hiện còn đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn. Tính chung cả ngành, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, nghĩa là có bao nhiêu vốn ngân hàng đã cho vay gần hết. Đó cũng là lý do, buộc các ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất huy động để "hút" tiền.

Cũng theo ông Hùng, bản thân các tổ chức tín dụng dù đã tiết giảm chi phí hoạt động để lãi suất cho vay tăng chậm hơn lãi suất huy động nhưng các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp nên "không thể hy sinh mãi được".

Ông Hùng cũng bày tỏ lo ngại nợ xấu sẽ có xu hướng tăng cao. Thời gian tới nợ xấu có thể rất căng thẳng khi nhiều khoản nợ trong đối tượng được giãn, hoãn nợ theo Thông tư 14 trước đây nếu khách hàng vẫn khó khăn không trả nợ thì sẽ bị chuyển nợ xấu.

Trong khi đó, công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn do quá trình triển khai phát sinh nhiều vướng mắc, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng. 

Gần 1 triệu tỷ đồng đầu tư công "nhốt" tại ngân hàng, không tiêu được, trong khi ngân hàng huy động vốn lãi suất cao

Từ thực tiễn, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, cần việc thiết lập, xây dựng một hệ thống giải pháp chính sách phù hợp, mạnh mẽ cho doanh nghiệp là điều cần thiết, trong đó đề xuất một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Trước tiên, cần phải có sự điều hành đồng bộ cả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Do vậy, ông Hùng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tăng cường đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng.

Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư… giúp cải thiện cung - cầu ngoại tệ cũng như giảm áp lực đối với tỷ giá.

"Cần quyết liệt trong giải ngân đầu tư công. Hiện có gần 1 triệu tỷ đồng đang gửi tại ngân hàng mà không tiêu được. Con số này tương đương với tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay. Để vậy có thể coi là lãng phí không trong khi các ngân hàng huy động vốn lãi suất cao? Ai chịu trách nhiệm? Làm sao khơi thông nguồn vốn này?", ông Hùng nhấn mạnh.

1 triệu tỷ "nhốt" tại ngân hàng không tiêu được, ngân hàng huy động lãi suất cao: Lãng phí, phải quy trách nhiệm!? - Ảnh 3.

Cần quyết liệt trong giải ngân đầu tư công.

Hai là, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành nghề tiềm năng có tính lan tỏa cao, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình cho vay liên kết, chuỗi cung ứng; Tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Ngoài ra, hiện nay cả trung ương và địa phương đều có quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa với hơn 20 quỹ bảo lãnh tại các tỉnh, thành phố nhưng lại không hoạt động được. Ông Hùng cho rằng, cần phải xem xét và khởi động lại hoạt động của các quỹ bảo lãnh, có bảo lãnh, các ngân hàng mới dám cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay.

Bên cạnh đó, xem xét có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các ngân hàng thương mại tích cực giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ thông qua giảm thuế, phí cho các ngân hàng thương mại này với mức giảm cao hơn so với quy định hiện nay; xem xét có cơ chế hỗ trợ các ngân hàng thương mại thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý.

Đồng thời, thành lập thị trường mua bán nợ, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua bán nợ của các doanh nghiệp và khung pháp lý quản lý thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ.

Cũng theo Tổng thư ký VNBA, điều doanh nghiệp cần nhất thời điểm hiện tại chính là chính sách, cơ chế của nhà nước; một chính sách nhất quán không giật cục, siết chặt, không phải chính sách hôm nay đúng, mai sai, rồi ngày kia lại đúng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem