1 trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD là một sản phẩm ngành nông nghiệp, đó là gì?

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 28/12/2021 18:58 PM (GMT+7)
Chưa từng có, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tiếp tục lập kỷ lục mới với kim ngạch xuất khẩu 15,87 tỷ USD trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có những tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp.
Bình luận 0

Mỹ chi 9 tỷ USD mua đồ gỗ của Việt Nam

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tiếp tục lập kỷ lục mới trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có những tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam.

Tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành lâm nghiệp năm 2022 diễn ra chiều nay (28/12) ở Hà Nội, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, 5/5 chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Trong đó, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 15,87 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020 (riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,72 tỷ USD). Đáng chú ý, xuất siêu ước cả năm đạt 12,94 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ.

Thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.115 tỷ đồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42,02%, tăng 0,01% tương ứng 3.300 ha so với năm 2020.

Nông nghiệp có 1 trong 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD, là sản phẩm gì? - Ảnh 1.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, giá trị xuất siêu lâm sản chiếm lớn nhất trong sản phẩm nông lâm, thủy sản, đóng góp quan trọng vào giá trị xuất siêu của toàn ngành nông nghiệp. Ảnh: P.V

Theo lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, trong năm 2021, do tác động của dịch bệnh Covid-19, Tổng cục Lâm nghiệp đã chủ động, thường xuyên phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản để nắm bắt tình hình, tham mưu Bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; theo dõi và phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện và xử lý các vụ tranh chấp thương mại quốc tế.

Tổ chức các cuộc họp giao ban trực tuyến với các Hiệp hội gỗ, lâm sản, các doanh nghiệp, qua đó đã giúp các doanh nghiệp giảm bớt được những khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất để duy trì tăng trưởng ngành.

Theo dõi và phối hợp với các Bộ/ngành thực hiện các biện pháp nhằm bảo hộ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam về xuất khẩu gỗ và đồ gỗ.

Trong khi đó, theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tác động chính khiến ngành gỗ có sự chuyển biến tích cực trong những tháng cuối năm 2021 là nhờ những chính sách và hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, cùng với đó là sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành gỗ để duy trì sản xuất.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam, trong năm 2021, Mỹ chi tới 9 tỷ USD mua đồ gỗ của Việt Nam, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 59,4% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. 

Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn, trong khi sản phẩm đồ gỗ nội thất bằng gỗ của Việt Nam đang được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng và đánh giá cao. 

Tuy nhiên, quy định xuất xứ, phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này đang là vấn đề cần được quan tâm. 

Nông nghiệp có 1 trong 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD, là sản phẩm gì? - Ảnh 2.

Sản phẩm đồ gỗ nội thất bằng gỗ của Việt Nam đang được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng và đánh giá cao. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến gỗ của Công ty Hoàng Thông (Bình Dương). Ảnh: P.V

Mục tiêu xuất khẩu 16 tỷ USD, đồ gỗ Việt ngày càng được ưa chuộng tại Mỹ

Có thể thấy, ngành lâm nghiệp tiếp tục là điểm sáng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp khi các chỉ tiêu về giá trị xuất khẩu; tỷ lệ che phủ rừng; trồng rừng; thu dịch vụ môi trường rừng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị xuất khẩu lâm sản chạm mốc 15,87 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hướng tới giá trị xuất khẩu lâm sản trong năm 2022 đạt 16 tỷ USD với nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh dịch Covid 19 sẽ tiếp tục tác động đến hoạt động, sản xuất của ngành, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục có thêm nhiều nỗ lực, sáng kiến mới, nhất là tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại. 

Ông Võ Đại Hải, Viện trưởng Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho rằng: "Thuê dịch vụ môi trường rừng để phát triển về du lịch sinh thái đã làm thí điểm rồi cần có đánh giá và tổng kết để đưa ra chiến lược phát triển gia tăng giá trị từ rừng. Đối với rừng tự nhiên trong chiến lược phát triển phát triển sắp tới về phía quản lý ngành cần có giải pháp từng bước để khôi phục và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên.

Đánh giá cao những kết quả của ngành lâm nghiệp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh nêu rõ, giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm, thủy sản; 4,7% giá trị xuất khẩu toàn quốc và là 1 trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD. 

Năm 2022, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng 42%, nâng cao chất lượng rừng. Cả nước sẽ trồng 230.000 ha rừng tập trung, trồng 122 triệu cây phân tán; khai thác 31,5 triệu mét khối gỗ. Ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 16 tỷ USD.

Giá trị xuất siêu lâm sản chiếm lớn nhất trong sản phẩm nông lâm, thủy sản, đóng góp quan trọng vào giá trị xuất siêu của toàn ngành nông nghiệp. Trồng rừng không chỉ là số lượng mà còn là chất lượng để nâng cao giá trị của ngành lâm nghiệp. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý cần thêm các bộ giống cây lâm nghiệp chủ lực bên cạnh cây keo hiện nay để nâng cao chất lượng rừng và gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. 

"Chi trả môi trường rừng đạt 3.100 tỷ đồng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng từ rừng, chúng ta đang kỳ vọng việc bán tín chỉ các-bon từ rừng, đây là hướng phát triển lâu dài và bền vững, vừa đảm bảo công bằng và là động lực thúc đẩy hình thành vùng nguyên liệu và phát triển rừng. Ngành cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển và bảo vệ rừng. Bảo vệ rừng thường là bị động vì vậy không chủ quan phải chủ động nắm tình hình, kịp thời phối hợp với các địa phương, đơn vị để quản lý, bảo vệ rừng" - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem