10 năm khoét núi, đào mồ mả... săn kho báu

Thứ bảy, ngày 23/11/2013 11:56 AM (GMT+7)
Khắp gian trong gian ngoài, tủ trà, tủ kính, tầng trên tầng dưới, thậm chí là gầm cầu thang cũng được trưng dụng làm nơi cất giữ các món đồ cổ.
Bình luận 0
Người dân làng Mỹ Cụ (Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng) gọi anh Lê Văn Tuyến là “chuyên gia đào mồ cuốc mả”, bởi anh có tới 10 năm đào hầm xuyên ngang xẻ dọc quả núi Phượng Hoàng để tìm mộ Hán rồi phá mộ lấy cổ vật, của quý.

Xưa kia người dân gọi anh là Tuyến “còi” vì cơ thể nhỏ bé, gầy còm, nhưng giới đào mộ săn cổ vật thì gọi là Tuyến “chuột chũi”, vì bao năm nay đào hang như chuột!

Nhà anh Tuyến nằm ngay chân núi Linh Sơn, còn gọi là núi Phượng Hoàng, vì quả núi có dáng đan phượng hàm thư, tức con chim phượng ngậm sách. Ngôi nhà khá khang trang, với vườn cây cảnh trị giá bạc tỉ.
Đồ cổ chứa ngập trong tủ nhà anh Tuyến.
Đồ cổ chứa ngập trong tủ nhà anh Tuyến.

Biết tôi là nhà báo, Tuyến “còi” không những không ngại bị bêu tên vì thành tích đào phá mộ cổ, mà anh còn vui vẻ dẫn tôi đi khắp nhà xem đồ cổ. Tôi quả thực choáng ngợp trước số lượng đồ cổ mà Tuyến “còi” sở hữu. Khắp gian trong gian ngoài, tủ trà, tủ kính, tầng trên tầng dưới, thậm chí là gầm cầu thang cũng được trưng dụng làm nơi cất giữ các món đồ cổ.

Đồ cổ trong nhà anh Tuyến sẵn đến nỗi anh dùng chúng làm những vật dụng thường ngày. Chiếc đĩnh cổ phủ men xanh lốm đốm rất đẹp, có tuổi trên dưới 2.000 năm, được anh dùng làm gạt tàn thuốc!

Thấy tôi xuýt xoa về lượng cổ vật, toàn những thứ trên dưới 2.000 năm tuổi, anh Tuyến bảo: “Nói thực với nhà báo, 10 năm đào núi tìm kho báu, tớ phải moi được cỡ xe tải cổ vật. Nhưng ngày đó nghèo đói quá, lại không biết giá trị của những cổ vật này, nên bán tống bán tháo như bán đồng nát. Nếu giữ được toàn bộ cổ vật đến bây giờ thì tớ phải được liệt vào hàng tỷ phú, có hàng chục tỷ rồi”.

Lời anh Tuyến nói chẳng phải ngoa. Anh chỉ tôi những chiếc chĩnh cổ đặt thành hàng trong tủ kính, dưới gậm giường và bảo: “Những cái chĩnh này được giới buôn cổ vật trả 200 triệu một cái nhưng tớ chưa bán”. Rồi anh chỉ những ngôi nhà mô hình đất nung thời Hán và bảo anh vừa bí tiền mua cây nên bán một cái với giá 150 triệu đồng.
Chiếc chĩnh trị giá 200 triệu đồng.
Chiếc chĩnh trị giá 200 triệu đồng.

Chỉ riêng mấy chiếc chĩnh cổ, nhà Hán cổ bằng gốm này cũng có giá cả tỷ bạc rồi. Chẳng thế mà anh chàng chẳng có nghề ngỗng đặc biệt gì ngoài đào bới mộ cổ lại xây được nhà cửa khang trang, cùng với vườn cây trị giá bạc tỷ.

Ngắm nghía “bảo tàng cổ vật” chán chê, anh Tuyến dẫn tôi ra phía sau nhà để lên núi Phượng Hoàng. Đứng giữa khu vườn rộng hàng ngàn mét vuông, anh Tuyến khoát tay chỉ một vòng và bảo rằng, chục năm trước, toàn bộ mảnh vườn này là sườn núi.

Gần chục năm trước, anh đã vay mượn lượng tiền khá lớn thuê máy xúc múc ruỗng cả góc núi để tìm kho báu. Riêng góc núi ngay sau nhà này, anh đã bới lên 5 ngôi mộ cổ, thu được vô số cổ vật giá trị. Những dấu tích mộ gạch vẫn còn lại bên vách núi.

Tuy nhiên, phần lớn những ngôi mộ này đều đã bị xâm phạm từ trước, nên cổ vật thu được chỉ là mót lại. Anh dẫn tôi chui vào một hầm mộ và chỉ vết thủng trên nóc mộ, để tôi biết rằng, hàng trăm năm trước, giới đào trộm mộ đã khoét đường hầm từ trên nóc, rồi chui vào hầm mộ khoắng của cải.

Anh Tuyến dẫn tôi đi xem bể chứa nước khổng lồ dưới chân núi. Hóa ra, lượng gạch thu được từ những ngôi mộ nhiều quá, nên anh gom lại xây một cái bể chứa nước tưới cho vườn cây mà anh mở sâu vào vách núi.

Không những anh Tuyến, mà rất nhiều hộ dân ở quanh núi Phượng Hoàng cũng dùng chiêu bài “mở rộng vườn tược” để thuê máy xúc, máy ủi móc núi, nhằm tránh sự trách móc của nhà chùa Linh Sơn và chính quyền địa phương. Anh Tuyết chỉ tôi mảnh vườn chỉ có lơ phơ vài cây bạch đàn èo uột bảo: “Nhà báo xem, cái thứ đá sỏi gan trâu cứng như thép này thì cây gì lên được mà vườn với chả tược. Dân quanh núi này nói là khoét núi mở rộng vườn nhưng thực ra toàn là phá mộ tìm kho báu thôi”.

Tôi đi dọc sườn núi Phượng Hoàng và thấy đúng như lời anh Tuyến nói. Chi chít những vòm gạch, những thành mộ lộ ra khỏi vách núi đã bị moi rỗng ruột. Hầu như vườn tược nhà nào cũng có một vài ngôi mộ bị phá và theo như lời anh Tuyến thì nhà nào cũng trúng một vài kho báu.

Nhìn những hình ảnh hầm mộ la liệt bên vách núi, có thể tin rằng, quả núi này từng là một nghĩa địa mộ Hán và cũng có nghĩa rằng, nơi đây có một hệ thống hầm ngầm cất giữ các báu vật.
Những đường hầm anh Tuyến đào sâu vào lòng núi.
Những đường hầm anh Tuyến đào sâu vào lòng núi.

Theo chân anh Tuyến trèo lên đỉnh một quả đồi dưới chân núi Phượng Hoàng, tôi thực sự ngỡ ngàng trước hệ thống “hang động” dày đặc, chi chít của người đàn ông nhỏ thó này. Những căn hầm mở từ sườn núi, rồi những căn hầm mở dốc đứng như giếng đất, sâu tít hút. Có hang dương xỉ mọc bít kín, có hầm vẫn còn mới tinh vết đào.

Tôi bám vào thành một căn hầm và chui xuống. Anh Tuyến đứng trên dặn dò không nên chui sâu quá, sợ yếm khí hoặc khí độc tích tụ lâu ngày gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tôi chui xuống độ sâu chừng 20m, thì không định hướng được nữa. Hầm nọ nối tiếp hầm kia, thông với nhau ngoắt ngoéo, lúc xiên ngang, lúc rẽ dọc, lúc trồi lên, lúc dốc xuống thẳng đứng. Nhiều chỗ hầm nhỏ xíu, phải nằm rạp trườn như rắn mới lách đi được.

Tôi đã từng chui vào hang đào vàng xuyên núi đá vôi từ Võ Nhai (Thái Nguyên) xuyên sang bên kia núi thuộc Bắc Kạn của giới đào vàng, rồi đi cả ngày trong hầm than của Công ty than Vàng Danh (Quảng Ninh), song cũng phải kính nể trước công trình đường hầm chi chít ngang dọc xuyên nát quả núi đá sỏi cứng như thép của chuyên gia đào mồ cuốc mả Lê Văn Tuyến. Chỉ với chiếc cuốc chim, chiếc xẻng cán ngắn và đôi tay mà Lê Văn Tuyến đào được những đường hầm như thế này thì thật đáng nể.

Tôi cũng đã có khá nhiều cơ hội tận mắt các ngôi mộ Hán, từng chứng kiến cả nghĩa địa mộ Hán ở làng An Thái (Kim Thành, Hải Dương), song cũng không hiểu nổi vì sao những ngôi mộ Hán ở làng Mỹ Cụ lại được chôn sâu trong lòng núi đến vậy.

Thông thường, quy cách lập mộ Hán được thực hiện như sau: Người ta vét lớp đất màu ở cánh đồng ở độ sâu 30 đến 40cm. Khi đã có mặt bằng, người thợ xây mộ bằng gạch giống như các đường hầm có vòm. Mộ nhỏ thì có một đường hầm, mộ lớn có 3 đến 4 đường hầm song song, nối thông với nhau. Xây dựng mộ xong, thì lấp đất lên to như quả đồi.

Tuy nhiên, điều lạ là những ngôi mộ Hán trong những quả núi làng Mỹ Cụ nằm ở độ sâu khủng khiếp. Những đường hầm anh Tuyến mở sâu vào lòng núi đến cả chục mét mới gặp mộ.

Tôi thắc mắc về điều này, thì anh Tuyến bảo rằng, những quả núi này không chỉ có mộ gạch, hay còn gọi là mộ Hán, mà có cả những căn hầm cất giữ kho báu thực sự.

Anh Tuyến tin vào sự lý giải của hòa thượng Kim Cương Tử, rằng trong lòng quả núi Phượng Hoàng này, có những kho báu Sở. Anh không rõ người Sở xưa kia đào núi thành hầm để giấu của cải, hay họ chia của cải cho người chết, nhưng có một thực tế, đó là anh đã đào hầm sâu vào lòng núi, xuyên qua cả những ngôi mộ Hán xây bằng gạch và phát hiện những căn hầm giấu vô vàn ngọc ngà châu báu, đồ dùng, vật dụng của người xưa.

Câu chuyện anh Tuyến kể về một cuộc đào bới xuyên sâu vào lòng núi và phát hiện một kho báu lớn, cõng ra đống tiền cổ to như đống thóc, đã khiến tôi hết sức ngỡ ngàng.

(Kỳ tiếp: Đào mộ săn kho báu và sự trả giá rùng rợn)
img Đồ cổ chứa ngập trong tủ nhà anh Tuyến.
img Anh Tuyến dùng món đồ cổ làm gạt tàn thuốc.
img Chiếc chĩnh trị giá 200 triệu đồng.
img Nhà Hán bằng đất nung trị giá 150 triệu đồng.
img Những hầm mộ lộ ra khỏi vách núi chỗ vườn nhà anh Tuyến.
img
img Hầm mộ có vết tích đào trộm từ lâu rồi.
img Anh tuyến dẫn PV lên núi Phượng Hoàng xem những đường hầm anh đào sâu vào lòng núi.
img PV thử chui xuống một đường hầm sâu hun hút do anh Tuyến đào.
img Bể chứa nước tưới cây do anh Tuyến xây bằng gạch lấy từ những ngôi mộ Hán cổ.
img Một số cổ vật bằng đồng anh Tuyến gom được từ những ngôi mộ Hán.
VTC (Theo VTC)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem