10 năm Nghị quyết tam nông: Gỡ "điểm liệt" về đất đai, thị trường

Minh Huệ Thứ năm, ngày 29/11/2018 18:30 PM (GMT+7)
Ngày 5.8.2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông). Đến nay, có thể nói Nghị quyết 26 đã làm thay đổi bộ mặt tam nông, tạo nền tảng vững chắc để bước sang giai đoạn phát triển mới.
Bình luận 0

Sáng 27.11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết tam nông.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đại diện các Bộ, ban ngành và hơn 500 đại biểu tại đầu cầu Hà Nội cùng 50-100 đại biểu tại các đầu cầu mỗi tỉnh, thành phố...

img

Sáng 27/11, tại Hà Nội, Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc và Triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tận dụng cơ hội “vàng” cho tam nông

Dự kiến, đến năm 2020 các chỉ tiêu đạt và có khả năng đạt là: Nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay (năm 2017 đạt khoảng 32 triệu đồng/người, tăng 3,49 lần so với năm 2008). Lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội (năm 2017 đã giảm còn 40,1% và đến tháng 6.2018 còn 38,6%). Số xã đạt tiêu chuẩn NTM khoảng 50% (dự kiến sẽ đạt trên 50%). Nâng hiệu suất sử dụng các công trình thủy lợi lên trên 80% (năm 2017 hiệu suất phục vụ tưới đạt 78%, hiệu suất phục vụ tiêu đã đạt 90,2%).

Báo cáo của BCĐ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, sau khi Nghị quyết 26-NQ/TW được ban hành, Chính phủ  đã có chương trình hành động gồm 3 chương trình mục tiêu quốc gia, 9 đề án quy hoạch và 36 đề án chuyên ngành. Đây là nghị quyết mang tính lịch sử, đầu tiên đề cập đến toàn diện cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt.

“Giải quyết tốt vấn đề tam nông chính là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, không chỉ đến năm 2020 mà còn cho suốt chặng đường phát triển của đất nước”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Nghị quyết đã được các cấp ủy và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai nghiêm túc và sau 10 năm thực hiện, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhiều thành tựu to lớn được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Cụ thể, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, giai đoạn 2008 - 2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn ngành nông lâm thủy sản đạt trung bình 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 3,9%/năm;

Tuy nhiên, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cũng chỉ ra những tồn tại, yếu kém. Đến năm 2020, một số mục tiêu do Nghị quyết đề ra có khả năng không đạt nếu không có những giải pháp đột phá và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời.

img

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các bộ, ngành thăm các gian hàng trưng bày
nông sản địa phương. Ảnh: Quang Kiểm

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Minh Sơn – Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đánh giá, Hà Tĩnh cũng như nhiều địa phương khác coi Nghị quyết 26 là cuộc “cách mạng”, là “cơ hội vàng” để phát triển tam nông nên đã thúc đẩy nhận thức của cả hệ thống chính trị, của nhân dân để triển khai nội dung trong Nghị quyết quan trọng này.

Trong khi đó, ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp cho rằng, ở một số nơi chưa đặt rõ vai trò chủ thể của người nông dân trong đời sống sản xuất, rất nhiều năm một bộ phận người nông dân còn dựa dẫm vào Nhà nước, xem chuyện xây dựng nông thôn mới (NTM), tái cơ cấu nông nghiệp là việc của chính quyền.

“Vì thế, chúng tôi có sáng kiến tổ chức nhiều không gian sinh hoạt để nông dân có điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống và nâng cao nhận thức, đó là mô hình Hội quán nông dân. Thành phần tham dự gồm rất nhiều “nhà” như nông dân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học… Không gian sinh hoạt ngay tại sân nhà nông dân nên rất đầm ấm, gần gũi, bà con có thể tranh thủ thời gian tham gia” – ông Hoan cho biết.

Cũng theo ông Hoan, nhờ tham gia sinh hoạt trong Hội quán nông dân, cộng đồng dân cư tại khu vực đó cũng gần gũi, hòa đồng hơn, nhiều mâu thuẫn, hiềm khích dần được xoá bỏ, bà con đoàn kết cùng nhau làm ăn, tăng thu nhập. Đặc biệt là phong trào thành lập, phát triển các hợp tác xã (HTX ) được phát triển rát mạnh ở Đồng Tháp, bà con tham gia rất sôi nổi.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan các gian hàng tại Triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đã tăng lên hơn 90 triệu đồng/ha/năm (2017); xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 đạt 36,5 tỷ USD và tăng 2,2 lần so với năm 2008. Năng suất lao động trong nông nghiệp tăng nhanh hơn, năm 2017 là 6,48%.

Sớm xóa bỏ những “điểm liệt”

Là nông dân đầu tiên được mời phát biểu tại hội nghị, ông Võ Quan Huy, người có khoảng 1.000ha đất và được mệnh danh là “vua chuối” tỉnh Long An chia sẻ: “Vừa qua tôi may mắn được tham gia chuyến công tác Trung Quốc cùng Thủ tướng và các bộ, ngành. Tôi nhận thấy thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu cao đối với nhiều loại nông sản đặc sản của Việt Nam, họ đã hình thành những kho lưu trữ nông sản với hệ thống logistic rất chuyên nghiệp. Chúng ta cần làm sao nâng cao chất lượng nông sản để tận dụng được cơ hội này”.

Cũng theo ông Huy, hiện nay Trung Quốc đã trồng được cây thanh long với diện tích rất lớn, sắp tới trái thanh long của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn để vào thị trường này, do đó ngành chức năng cần nhanh chóng có dự báo mùa vụ, dự báo nhu cầu của nước bạn để chúng ta sản xuất thanh long mùa vụ lệch với họ, tránh tình trạng dội hàng ở biên giới như thời gian vừa qua.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: M.H

“Thực tế sản xuất của chúng tôi cho thấy, điều quan trọng nhất vẫn là phải có thị trường. Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng các tiêu chuẩn cho những mặt hàng có lợi thế để đủ điều kiện xuất khẩu. Đặc biệt, cần sớm sửa đổi chính sách đất đai để tạo điều kiện cho người nông dân tích tụ ruộng đất mở rộng sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà xưởng…, làm sao mỗi chủ trang trại có thể lớn mạnh, trở thành “tiểu” doanh nghiệp” – ông Huy nói.

Tiếp tục ý kiến, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng: “Ngành nông nghiệp đang mắc những “điểm liệt” về chất lượng nông sản, giá thành cao. Mô hình kinh tế hợp tác hay HTX đang được xem là giải pháp hữu hiệu của nông nghiệp. Nhưng người nông dân phải chủ động tham gia, hiểu được bản chất của HTX, hiểu được con đường mình đi chứ không phải dựa dẫm vào sự dẫn dắt của Nhà nước. Đồng Tháp xác định vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong thị trường, có vai trò giúp nông dân chuyển tư duy sản xuất từ lấy số lượng làm giá trị gia tăng sang lấy chất lượng để nâng cao giá trị nông sản” - ông Hoan nói. 

Ngoài ra, ông Hoan cũng nhấn mạnh thêm: Nếu xem HTX là giải pháp tốt nhất của nông nghiệp thì chúng ta nên tách ra thành 1 đề án phát triển HXT riêng, làm sao gắn kết được với doanh nghiệp, thực hiện mua chung, bán chung, hoạt động chung nhằm kích hoạt được sức mạnh của kinh tế hộ trong mỗi ngành hàng”.

Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng:

Xây dựng hình mẫu người nông dân mới

Trong giai đoạn tới đây, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân, thể chế hoá đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng nhằm góp phần xây dựng hình ảnh người nông dân giàu có, nông thôn thịnh vượng; xây dựng hình mẫu người nông dân mới có ý chí, tự lực tự cường vươn lên làm giàu; đoàn kết hợp tác xây dựng NTM thành công, song song với việc giữ gìn và phát huy các nét đẹp văn hoá truyền thống.

Ngoài ra, cần phải tiếp tục đổi mới nội dung chương trình đào tạo, dạy nghề cho nông dân để nâng cao trình độ canh tác sản xuất theo chuỗi cho bà con, nhằm đạt 3 mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; đẩy mạnh liên kết “6 nhà”... Những điều này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ nêu ra tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tháng 4.2018; phát huy tốt vai trò hỗ trợ nông dân của các nhà khoa học, doanh nghiệp…

Bộ trưởng Bộ Công Thương trần Tuấn Anh: Thay đổi tư duy hội nhập

Đến nay Việt Nam đã đàm phán 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 10 hiệp định đang thực thi, qua đó tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho hàng hóa nông sản của Việt Nam. Trong đó nhiều thị trường có FTA được khai thác tốt.

Tuy nhiên với các cam kết sâu rộng của mình, các FTA và sắp tới là CPTPP được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Do đó quá trình hội nhập trong giai đoạn mới này sẽ trở nên khó lường với nhiều thách thức, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ tăng sức ép cạnh tranh cho các nhà sản xuất trong nước, không chỉ về giá mà còn chất lượng và vệ sinh an toàn thức phẩm…

Để tận dụng được các cơ hội FTA, CPTPP mang lại, chúng ta cần thay đổi nhận thức, tư duy trong hội nhập, đồng thời cải cách thể chế và chính sách để tạo thuận lợi thúc đẩy môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, tuân thủ các cam kết để phát huy tốt nhất những lợi thế, tiềm năng của đất nước.

Thiên Hương (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem