Đã nửa tháng trôi qua, sau cái ngày ôm nhau bật khóc nức nở khi thấy dòng nước suối róc rách chảy về bể lớn của người dân bản Mỹ Á (xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú thọ), cảm xúc của các bạn tình nguyện viên (trường Đại học Khoa học Tự Nhiên Hà Nội) vẫn còn cảm xúc tươi nguyên. Hơn 10 ngày 10 đêm sống trên núi, chung tay xây dựng bể nước sạch cho bản Mông, gần 40 bạn sinh viên tình nguyện hiểu rõ, việc làm của mình đã giúp cuộc sống nơi rẻo cao bớt đi nhiều khó khăn.
Quyên góp 60 triệu trong 2 tháng
Các bạn sinh viên của câu lạc bộ “Sinh viên tự nguyện”, trường ĐHKHTN (Đại học Quốc gia Hà Nội) gọi chương trình tình nguyện “Dòng chảy khát vọng” vừa qua là chương trình “định mệnh”. Bởi trong suốt hai tháng quyên góp tiền và hơn 10 ngày 10 đêm hoạt động tình nguyện trên rẻo cao, họ đã gặp rất nhiều chuyện chỉ có thể là duyên trời đem đến.
Đội tình nguyện hăm hở đào mương giúp người dân
Ban đầu, các bạn trẻ dự định thực hiện chương trình tình nguyện tại tỉnh Cao Bằng, nhưng vì nơi đó xa xôi, kinh phí của nhóm hiện thời không đủ nên chuyển hướng sang tỉnh khác gần hơn là Phú Thọ. Trong chuyến đi tiền trạm (nghiên cứu địa bàn), cả nhóm lại phân vân giữa hai bản Mỹ Á và Đèo Mương (đều thuộc xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú thọ), nhưng rồi cuối cùng đã quyết định dừng chân tại bản Mỹ Á, một bản nghèo dường như bị tách biệt hoàn toàn với bên ngoài bởi đường đá gập ghềnh, cách huyện vài chục km.
“Trong chuyến tiền trạm đầu tiên, chúng mình được dùng cơm tối với trưởng bản và một vài người dân huyện Mỹ Á. Họ kể rất nhiều về cuộc sống khó khăn, vất vả nơi đây, đặc biệt là tình trạng thiếu nước sạch. Trưởng bản nói, ở đây, cả người lớn và trẻ con đều quá quen với việc vác can, chạy bộ 2km ra suốt cõng nước về. Có những đứa trẻ mới lên 6, lên 7 mà vai đã chai hằn vết đeo gùi chở nước... nhìn mà xót lắm.
Khi nghe chúng mình nói về chương trình tình nguyện, chú cầm vội lấy tay mình, rưng rưng nước mắt: “Các cháu mà dẫn được nước về cho dân thì tốt quá, quý hóa quá”. Từ giây phút đó, mình đã biết được những việc phải làm trong chuyến tình nguyện này”, Nguyễn Thị Kiều Anh (sinh viên năm 2, Khoa Địa chất, trường ĐHKHTN), trưởng ban tổ chức chia sẻ.
Vận chuyển gạch lên điểm xây bể nước
Xác định các hoạt động tình nguyện chính là xây bể chứa và đặt ống dẫn nước từ suối về cho dân nghèo, các bạn sinh viên bắt đầu triển khai kế hoạch quyên góp tiền. Họ thực hiện chương trình “Du ca” kêu gọi người dân làm từ thiện, bán trà đá, nhân trần lưu động, đi xin quần áo, sách vở cũ, thu lượm ve chai, xin tài trợ… Hơn 100 bạn sinh viên sẵn sàng làm tất cả các công việc để có tiền làm từ thiện.
Sau hai tháng, số tiền họ thu về được là 60 triệu và rất nhiều quần áo, sách vở cũ. Cả đội ai cũng hớn hở, vui mừng bởi họ biết, công sức của mình sẽ được đền đáp xứng đáng bằng nụ cười hạnh phúc của người dân nơi bản nghèo.
“Hoạt động quyên góp tiền từ thiện diễn ra đúng vào lúc chúng mình đang thi học kỳ nên có đôi phần khó khăn, cập rập. Tuy vậy, ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, bởi thế mà chuyến đi được khởi hành đúng như kế hoạch”, Nguyễn Thị Mai (sinh viên năm 2, khoa Môi trường, trường ĐHKHTN), trưởng ban truyền thông chia sẻ.
Chuyến tình nguyện của những “cái đầu tiên”
Sau 2 tháng quyền góp tiền và 6 lần tiền trạm (khảo sát tình hình, liên hệ với chính quyền xã, trao đổi với người dân…), 35 bạn tình nguyện viên đã sẵn sàng tiến lên bản nghèo Phú Thọ với niềm tin đưa được nước sạch về với người dân.
Giây phút đặt chân xuống bản Mỹ Á, không ít bạn phải nấc lên trước cảnh lũ trẻ nghèo, trần truồng, mặt lấm lem, chạy xô đến chào mừng các anh chị thanh niên tình nguyện. Có lẽ, nơi bản nghèo này chưa bao giờ rộn ràng đến thế.
Các bạn nữ xuống đồng cắt lúa giúp bà con
“Hàng trăm lần nghe truyền hình, báo chí nói về cái nghèo nơi vùng cao cũng không khiến chúng mình xúc động bằng một lần tận mắt chứng kiến mảnh đất khô cằn, gập ghềnh, nghèo đói này”, Mai tâm sự.
Sáng đó, họ bắt tay luôn vào công việc. Một đoàn vận chuyển vật liệu xây dựng, xây đắp bể, một đoàn đi tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường, một đoàn khác thì đi thu hoạch khoai, lúa giúp người dân, một vài bạn ở nhà làm công tác hậu cần.
Hằng chia sẻ: “Sáng nào chúng mình cũng dậy từ 4 giờ sáng (riêng đội hậu cần phải dậy sớm hơn để nấu ăn) tập thể dục, đánh răng rửa mặt, ăn sáng rồi bắt tay làm việc. Nhân lực được lưu chuyển thường xuyên, hôm nay làm việc này thì mai làm việc khác để sức lao động được san bằng, hơn nữa ai cũng được trải nghiệm qua tất cả các công việc tình nguyện”.
Nhưng có lẽ, công việc để lại ấn tượng lớn nhất cho các bạn trẻ là vận chuyển gạch, cát, xi măng… và xây đắp bể nước. Từ nơi ô tô chở vật liệu đỗ đến điểm xây bể là một con dốc dựng đứng dài hơn 1,5km. Các bạn trẻ phải đổ cát, gạch vào gùi rồi lết bộ lên đến tận đỉnh đèo. Riêng xi măng họ phải nhờ các anh trong bản chất lên xe máy rồi phi thẳng đường mòn mà lên. Chưa bao giờ, họ thấy sự chuyên chở nào gập ghềnh, chông chênh như thế.
Kiều Anh, trưởng đội tình nguyện hạnh phúc trong giây phút nước về với bản
Các bạn trẻ gọi đây là chuyến đi của những lần đầu tiên bởi gần như tất cả mọi công việc đều lần đầu làm. Nhiều bạn nữ bình thường nhìn liễu yếu đào tơ, có khi chẳng cầm nổi viên gạch mà cuối cùng cũng cõng gùi cát đi phăng phăng. Có những bạn lần đầu tiên thấy con đỉa, con vắt rừng, sợ hãi đến mức mặt cắt không còn giọt máu mà mấy ngày sau “chai mặt”, “miễn dịch” luôn với chúng. Cái cuốc, cái liềm vốn chỉ nhìn thấy trên ti vi thì giờ đây lại trở nên thân thuộc như từ bé sinh ra đã biết…
“Nhưng mấy cái đó còn chưa đặc biệt bằng việc chúng mình đã có 10 ngày, 10 đêm sống không điện thoại, không Zalo, Facebook… Ở đây sóng kém nên hầu như tất cả các smathphone đều bị tê liệt. Vì vậy, thay vì cắm đầu vào chiếc điện thoại chúng mình đã quây quần bên nhau ca hát, trò chuyện, tâm sự… Quả thật, chưa bao giờ cả đội thấy gần gũi nhau đến thế. Hóa ra, trước giờ, vì mải mê chạy theo thế giới ảo mà chúng mình đã bỏ lỡ biết bao thời gian ở bên nhau”, Mai tâm sự.
Sau 10 ngày, ba bể nước có diện tích hơn 8m khối đã hoàn thành, các đường ống dẫn nước từ suối về bể đã được đặt đúng vị trí, chỉ chờ đi vào hoạt động. Khoảnh khắc nghe thấy riếng nước suối róc rách chảy vào bể, các bạn trẻ xúc động, ôm nhau bật khóc nức nở. Trưởng bản Mùa A Tủa hô to: “Các em đã bỏ bao công sức xây nên những bể nước này, nhất định anh và bà con sẽ giữ gìn cẩn thận”.
Chuyến tình nguyện dài kết thúc, 35 bạn trẻ lên xe trở về thành phố, trong lòng ăm ắp kỷ niệm về bản nghèo Mỹ Á. Mai nhớ nhất hình ảnh người dân ùn ùn kéo đến cho đội tình nguyện rau rừng. Còn Hằng, nhớ nhất gương mặt những đứa trẻ sáng bừng lên vì ý nghĩa, ngày mai mình sẽ không phải ra suối cõng nước về.
Thầy Đỗ Đình Khải, Bí thư BCH Liên chi đoàn khoa Hóa học (trường ĐHKHTN) chia sẻ: Chúng ta có quyền tự hào về chương trình tình nguyện “Dòng chảy khát vọng” của các bạn trẻ ở CLB Sinh viên Tự nguyện. Nó không chỉ cho thấy sự nhiệt huyết, hoài bão sống vì cộng đồng mà còn cho thấy sự trưởng thành của các bạn trẻ. Họ đã biết cách tổ chức biến khát vọng thành hành động, biến hành động thành những công trình hiện thực. Chính các bạn đã nhắc nhở chúng tôi phải biết sống và làm việc có trách nhiệm hơn nữa.
|
Hạ Nhiên (Danviet.vn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.