1.000 tấn vàng và 36 tỷ USD “biến mất”

Thứ ba, ngày 09/11/2010 06:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lần đầu tiên Chính phủ đưa ra nhận định lượng ngoại tệ trong dân vào khoảng 36 tỷ USD, lượng vàng trong dân vào khoảng 1.000 tấn, tức cũng vào khoảng 45 tỷ USD. Số vàng, USD trên thể hiện điều gì?
Bình luận 0

Biến mất

Người sử dụng thuật ngữ "biến mất" là TS Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. "Cân đối trên các con số đầu vào, đầu ra ngoại tệ của cả nền kinh tế đã cho thấy một "sai số" giật mình.

Có khoảng hơn 5 tỷ USD đã biến mất. Số tiền này không nằm trong lưu thông, không thể hiện ở bất cứ một tài khoản tiền gửi hay đầu tư nào..." - ông Nghĩa nói.

img
Lượng USD trong dân dự kiến có khoảng 36 tỷ USD.

Ngoài ngoại tệ, vàng cũng là một trong những kênh cất giữ quan trọng của người dân. Việc ngoại tệ không được đưa vào lưu thông, đã làm cho tiền VN đồng liên tục mất giá và việc thu gom, cũng như tích trữ càng làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm và tỉ giá tăng vọt trên thị trường.

Nhưng 5 tỷ USD và 800 tấn vàng hóa ra chưa phải là con số cuối cùng. Việc Chính phủ đưa ra con số chính thức, lớn hơn dự đoán rất nhiều lần: 1.000 tấn vàng và 36 tỷ USD một mặt cho thấy số tiền biến mất, tiền chết là rất lớn, mặt khác đang chứng tỏ các chính sách chưa đủ hấp dẫn, chưa đủ tạo lòng tin để người dân mang tiền gửi vào hệ thống.

Lý giải nguyên nhân ngoại tệ và vàng bị cất giấu, bị biến mất khỏi lưu thông, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: Đứng ở góc độ lý thuyết kinh tế thì trong bối cảnh diễn biến như vừa qua ai cũng sẽ quyết định chuyển tiền đồng sang vàng, USD.

Trong vòng 1 năm giá vàng đã tăng 70-80%, riêng tháng qua đã tăng mười mấy %, trong khi lãi suất tiết kiệm lại giảm tới gần 1%. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng "Việc người dân rút tiền tiết kiệm khỏi hệ thống ngân hàng lên tới 45.000 tỷ đồng trong vòng nửa tháng gần đây, cộng với ước tính lượng vàng được giữ trong dân lên tới 1.000 tấn đã chứng tỏ niềm tin vào VN đồng không còn quá cao.

Mỗi khi niềm tin giảm sút, thì người dân sẽ tăng dự trữ. Và không may là thời gian qua hai lĩnh vực có thể thu hút dòng tiền lại cũng rơi vào khó khăn, thậm chí có thời điểm “tắc nghẽn”, đó là thị trường chứng khoán, bất động sản khiến cho việc đầu tư không thuận lợi.

Làm thế nào?

img Thời điểm này nhà nước nếu muốn người dân bán vàng và để đưa tiền vào lưu thông thì chỉ có áp dụng cơ chế nhận vàng của người dân, tính theo lãi suất vàng, chứ không phải lãi suất tiền, sau đó nhà nước có thể chủ động sử dụng số vàng đó để kinh doanh. img

Giải pháp dễ nhìn thấy, và là giải pháp hàng đầu là tăng lãi suất để đảm bảo cho một phần của giá trị đồng tiền.

“Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố quyết định, bởi để “lôi kéo” được nguồn tiền (vàng, USD) trong dân còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như vấn đề cân đối cung - cầu, tốc độ tăng giá của thị trường hàng hóa, đảm bảo niềm tin trong dân cư và giá trị của đồng tiền… - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói.

Còn bà Phạm Chi Lan cho rằng: Thời điểm này muốn khuyến khích người dân đưa tiền vào lưu thông là không dễ. Bởi lẽ đòi hỏi sự tái cấu trúc nền kinh tế rất mạnh mẽ, dứt khoát.

Nhà nước cần có những tuyên bố, công bố chẳng hạn như cam kết cắt giảm những hỗ trợ, ưu đãi đối với khu vực này, khu vực khác, đối với những ngành hoạt động có hiệu quả phải được hỗ trợ, tạo điều kiện nhiều hơn…

Những lời kêu gọi chung chung sẽ không mang lại hiệu quả. Phải tạo được niềm tin cho những người đang giữ vốn bằng những dự báo, định hướng, quan điểm đầu tư đúng đắn của Chính phủ…

Chẳng hạn theo tôi là cần phải có chính sách để hạn chế nguồn tiền đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ như chứng khoán, bất động sản bởi dù có đóng góp vào chỉ tiêu tăng trưởng thì cũng không mang tính chất bền vững. Mà tăng cường đầu tư vào các ngành sản xuất, đặc biệt là với lĩnh vực nông nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem