1001 chuyện đi chợ hộ dân ở TP.HCM - Bài 2: Dọn vào cơ quan... để đi chợ cho tiện

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 27/08/2021 13:00 PM (GMT+7)
Tiếp xúc FO trong quá trình đi chợ hộ khiến Diệu Hiền phải vào khu cách ly tập trung. Hết hạn cách ly, có xét nghiệm âm tính, Diệu Hiền lại về đi chợ hộ để hỗ trợ người dân mua thực phẩm.
Bình luận 0

Để đi chợ hộ, hỗ trợ người dân trong giai đoạn TP.HCM "ai ở đâu thì ở đó", nhiều tình nguyện viên đã phải dọn đồ vào ở luôn cơ quan. Có người, vì đi chợ hộ mà phải vào khu cách ly tập trung, nhưng họ vẫn không nản chí.

Sẵn lòng phục vụ người dân

Dò lại danh sách nhờ mua thực phẩm: Anh Trường (1 combo rau củ, 1 combo trái cây), bà Dẫn (1 combo rau củ, 1 combo thực phẩm chế biến, 1 combo thịt), ông Tùng (1 combo rau củ), chị Quyên (1 thùng mì Gấu đỏ)… cô gái trẻ Trần Thị Thùy Linh trong màu áo xanh tình nguyện, nhanh chóng chuyển toàn bộ số hàng vừa mua cho lực lượng dân phòng và bộ đội được tăng cường để giao tận nhà người dân ngay trong buổi sáng.

Vào diện cách ly tập trung vì đi chợ hộ nhưng vẫn không sợ - Ảnh 1.

Trần Thị Thùy Linh (phía trước) cùng lực lượng thanh niên tình nguyện đi chợ hộ cho người dân phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Thùy Linh là Phó Bí thư Đoàn phường Cô Giang (quận 1, TP.HCM). Đi chợ hộ mỗi ngày đã là công việc quen thuộc của Linh và lực lượng tình nguyện tại phường trong những ngày qua. "Chúng tôi sẽ nhận đơn hàng của người dân, combo cũng có, người dân muốn mua lẻ đều được đáp ứng. Sau đó, chúng tôi trực tiếp đi mua, phân loại đơn, chia theo tuyến đường để hàng đến tay người dân nhanh nhất" - Linh nói.

Linh cho biết, thực tế việc đi chợ hộ đã được cô và khoảng 20 tình nguyện viên khác trong phường thực hiện gần 2 tháng nay, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM. Trước đây, cô và mọi người tỏa đi gom đơn cho khu cách ly y tế, khu phong tỏa. Nhưng từ ngày 23/8, đội bắt đầu chia thành từng nhóm để đi chợ hộ cho toàn bộ người dân trong phường.

"Đi chợ hộ" trong mùa dịch cũng không phải dễ. Giá cả thời gian qua biến động liên tục, một số mặt hàng không dễ tìm trong khi người dân có nhu cầu mua nhiều. Linh và mọi người phải thuyết phục mua mặt hàng thay thế, mua đủ dùng để mọi người đều có được thực phẩm trong mùa dịch. "Hiện các combo của siêu thị, cửa hàng thực phẩm được thiết kế sẵn, báo giá trước và khá bình ổn nên chúng tôi mua cũng dễ hơn" - Linh nói.

Mỗi ngày, nhóm giải quyết vài trăm đơn hàng, dự báo nhu cầu sẽ tiếp tục tăng cao trong vài ngày tới. nhưng cô cho biết khi mọi người cần, nhóm sẽ làm việc năng nổ hơn nữa. Khi TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội với tinh thần 'ai ở đâu thì ở đó', ngày 22/3, Thùy Linh đã "khăn gói" đến ở luôn tại cơ quan để tiếp tục đi chợ hộ, hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn này.

"Làm việc, ăn, ngủ tại cơ quan đương nhiên không thể thoải mái như ở nhà. Nhưng làm công tác Đoàn, đã quen lăn xả nên không khó khăn lắm với chúng tôi. Phục vụ người dân trong mùa dịch, chúng tôi đều rất sẵn lòng"-  Linh cười sau lớp khẩu trang và tiếp tục cùng đồng đội đi chợ.

Vào diện cách ly tập trung vì đi chợ hộ

Hơn 2 tháng nay, kể từ khi chợ Dân Sinh (quận 1) đóng cửa vì Covid-19, cũng là lúc chị Cao Thị Diệu Hiền (27 tuổi) tạm thất nghiệp. Hồi tháng 7, biết tin phường Cô Giang cần lực lượng thanh niên tình nguyện đi chợ hộ, chị Hiền đăng ký ngay mà không cần nghĩ ngợi.

"Nghỉ dịch, ở nhà không làm gì cả nên tôi đăng ký. Trong lúc này, giúp được gì cũng đều quý cả. Mình còn trẻ, còn khoẻ thì hỗ trợ mọi người cùng nhau vượt qua khó khăn" - chị Hiền nói. Bán hàng tại chợ, nên Hiền có nhiều kinh nghiệm, chọn thực phẩm tươi ngon, nhanh tay, giải quyết được càng nhiều đơn hàng càng tốt.

Vào diện cách ly tập trung vì đi chợ hộ nhưng vẫn không sợ - Ảnh 3.

Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và lực lượng bộ đội đi chợ hộ cho người dân TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Hỏi Hiền tham gia đi chợ hộ ngày này qua ngày khác hơn cả tháng nay, có sợ dịch Covid-19 không? Hiền nói ngay, cũng vì đi chợ hộ mà cô và một vài tình nguyện viên khác phải đi cách ly tập trung.

"Chúng tôi đi giao thức ăn và thực phẩm cho một số hộ dân trên đường Trần Đình Xu. Khu vực đó có nguy cơ cao, đang xét nghiệm và vô tình trong đó có F0. Khi được thông báo, chúng tôi 3-4 đứa ù chạy ra ngoài, rồi phải đi cách ly tập trung 14 ngày. Hết hạn cách ly, có kết quả xét nghiệm âm tính, không sợ hãi gì, tôi về đi chợ hộ tiếp cùng mọi người"- Hiền kể.

Những ngày qua, nhận đơn hàng liên tục, cô và mọi người đều cố gắng hết sức. "Là thành viên đi chợ hộ từ đầu mùa dịch, thậm chí còn phải đi cách ly tập trung nên đến giờ, tôi mạnh mẽ hơn nhiều rồi, thấy được nụ cười sau lớp khẩu trang của người dân khi nhận thực phẩm khiến mình vui lây. Tôi cũng mong hết dịch vì nhớ chợ lắm rồi" - Hiền nói.

Ông Nguyễn Duy An - Phó Chủ tịch UBND quận 1 - cho biết: Kể từ khi TP.HCM có quy định người dân không trực tiếp đi mua thực phẩm mà phải thông qua lực lượng đi chợ hộ, quận đã chủ động liên hệ siêu thị, cửa hàng thực phẩm để cung cấp cho người dân. Phường Cô Giang và phường Cầu Kho không có siêu thị và cửa hàng nào, nên địa phương phải liên hệ các nhà cung cấp khác, sao cho vừa đảm bảo cơ cấu hàng vừa có giá phù hợp người lao động thu nhập thấp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem