Đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) đã hoàn thành công tác kiểm định 13 đoàn tàu và hạng mục liên quan của đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông. Sau khi kiểm định, 13 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông cũng đã chính thức được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho 13 đoàn tàu điện dự án này.
Đây là tin vui đối với Bộ GTVT vì đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông có thêm cơ sở để đảm bảo các đoàn tàu thực hiện vận hành thử nghiệm đánh giá an toàn hệ thống trước khi nghiệm thu đưa vào vận hành thương mại.
Đánh giá về chất lượng 13 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, việc kiểm tra các đoàn tàu được thực hiện theo quy chuẩn quốc gia về kiểm tra, nghiệm thu toa xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Ngoài ra, kiểm tra linh kiện từng đoàn tàu (ở trạng thái tĩnh, chuyển động) và đối chiếu với hồ sơ thiết kế, quy chuẩn kỹ thuật phương tiện đường sắt nhập khẩu…
Sau khi hoàn thành kiểm tra, phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm định để đưa vào vận hành... Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng phải trải qua việc đánh giá an toàn hệ thống do tư vấn độc lập Pháp (Liên danh Apave - Certifer – Tricc, do Việt Nam thuê) thực hiện.
Hiện, 13 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông vẫn đang được vận hành chạy thử nghiệm để Tư vấn Pháp đánh giá an toàn. Sau khi tư vấn của Pháp có kết quả đánh giá, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục thẩm định, cấp giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống trước khi dự án đi vào khai thác thương mại.
Trong đó, quá trình tàu Cát Linh - Hà Đông vận hành đã được các bên đưa ra nhiều tình huống giả định được đặt ra và yêu cầu có phương án giải quyết ngay, đặc biệt là vấn đề an toàn. Tuy nhiên, Tổng thầu Trung Quốc đã bị tư vấn Pháp "tuýt còi" với lý do khi đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đang vận hành tư vấn Pháp đưa ra tình huống cháy xảy ra ở giữa tàu để đơn vị vận hành xử lý.
Tổng thầu Trung Quốc - lực lượng vận hành không được bấm nút báo động để bơm khí tươi vào, vì đại diện tổng thầu giải thích rằng, khi cháy mà bơm khí tươi vào sẽ làm ngọn lửa bùng cháy thêm (hư hại tàu).
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tuyến chính dài hơn 13km đi trên cao, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, vận tốc thiết kế 80km/giờ và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35km/giờ. Khi khai thác, các đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống và tần suất đoàn tàu đến ga khoảng 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến.
Quá trình vận hành thử từ ngày 12/12, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thử mỗi ngày sẽ có 287 lượt tàu chạy; giờ cao điểm từ 5-6 phút/lượt; giờ bình thường 10 phút/lượt; bắt đầu vận hành từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm, theo đúng lịch trình khai thác thương mại.
Mỗi chuyến tàu sẽ có chuyên gia của Tổng thầu, đơn vị nghiệm thu cùng đi để ghi nhận, đánh giá. Riêng Hà Nội Metro đã huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên, khoảng 700 người lên tuyến làm việc, một số bộ phận kỹ thuật, an toàn, bảo vệ sẽ làm việc 3 ca, đảm bảo ứng trực 24/24 giờ.
Sau thời gian vận hành thử, nếu đạt các yêu cầu kỹ thuật, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ được nghiệm thu và bàn giao cho thành phố Hà Nội, sau đó chuyển giao cho Hà Nội Metro quản lý, vận hành, khai thác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.