20 năm thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân: Sức lan tỏa của đồng vốn Hội

­­­Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Thứ ba, ngày 01/03/2016 06:50 AM (GMT+7)
Ngày nay, đời sống của nông dân ta dễ chịu, sung túc hơn, nhưng thời hội nhập kinh tế toàn cầu có nhiều thời cơ, thách thức lớn chưa từng có ở Việt Nam, nên việc xây dựng “vốn”: vốn xã hội – con người; vốn vật chất, càng trở nên bức thiết và quan trọng.
Bình luận 0

LTS: Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (2.3.1996 - 2.3.2016), Dân Việt trân trọng giới thiệu bài viết của Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) về giá trị và ý nghĩa của nguồn vốn này với nông dân và tổ chức hội.

Hai nguồn vốn bức thiết

img

Kiểm tra việc sử dụng vốn Quỹ HTND tại 1 hộ vay vốn huyện Chợ Mới (Bắc Kạn).    

ảnh:Nguyễn Công

Chỉ có CNH-HĐH đất nước mới xóa bỏ được “xiềng xích đói nghèo” để người nông dân trở thành những công nhân trên cánh đồng lớn, khu nông nghiệp công nghệ cao; những công chức, viên chức, trí thức; những công nhân lao động trong nhà máy, công trường...

Giúp nông dân làm giàu, giảm nghèo bền vững trong hiện tại và nhiều năm tiếp theo, phải có cả hai nguồn “vốn” nêu trên để tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phải giải quyết đúng mối quan hệ “liên kết 4 nhà”- nhà khoa học tạo giống mới, xác lập quy trình thực hiện, huấn luyện và chuyển giao cho nông dân; nhà nông phải học kiến thức, sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao, phải học quản lý, kinh doanh và liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị sản phẩm hoặc ngành hàng; nhà doanh nghiệp phải tìm thị trường bán, mua nông sản, đầu tư, hỗ trợ nông dân, liên kết với nông dân xây dựng thương hiệu nông sản và chia sẻ lợi ích với nông dân qua khuyến nông, ứng dụng khoa học kỹ thuật; nhà nước làm chính sách đúng, trúng, kịp thời cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời định ra tiêu chuẩn, kiểm định tiêu chuẩn hàng hóa nông sản có thương hiệu quốc gia.

  20 năm xây dựng, trưởng thành, đồng hành cùng nông dân, Quỹ HTND đạt được nhiều thành tích lớn, có những kinh nghiệm hay từ sự lãnh đạo, chỉ đạo, những đóng góp hết mình về: Trí tuệ, trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ, cá nhân các đồng chí lãnh đạo Hội ND qua các nhiệm kỳ và đương nhiệm từ Trung ương đến địa phương, cùng với tinh thần đoàn kết, kỷ cương và nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ hoạt động  trong Quỹ HTND –  Đây là một nguồn năng lượng “vốn” để Hội tiếp tục giành thắng lợi cao hơn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn.

Cả 4 nhà hợp sức tăng lợi tức (có lãi) cho người nông dân một cách căn cơ và khả năng phát triển bền vững. Tạo điều kiện giúp nông dân làm giàu, giảm nghèo bền vững thì thị trường nông thôn phải kết nối với thị trường đô thị, công nghiệp và thị trường quốc tế. Thị trường càng lớn cạnh tranh càng cao.

Vì vậy, làm nông nghiệp là một nghề, người nông dân phải chuyên nghiệp, phải có “vốn”- kiến thức, kỹ năng, vốn tài chính cho sản xuất ra nông sản chất lượng theo yêu cầu của người tiêu dùng; khối lượng sản phẩm phải đủ lớn, giá phải cạnh tranh để tiêu thụ hàng hóa có hợp đồng.

Nhớ khi làm “Khoán hộ”, “Khoán 10”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - Kim Ngọc có nói, Chủ nghĩa xã hội của người nông dân là “Ăn ngon, mặc đẹp, ở sang”. Song, hiện tại, con đường kinh tế của người nông dân phải vượt qua những chặng “Thoát nghèo – no đủ - làm giàu” – Tinh thần ấy, khi được trình bày tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đã tạo được sự nhất trí lớn của Đại hội trong việc nâng cao vai trò, nhiệm vụ và bảo đảm nguồn lực cho Hội ND thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Có thể coi đây là điểm khởi phát tư duy để tạo thêm “năng lượng” về vốn xã hội, vốn vật chất cho Hội hoạt động. Vì thế, Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN đã dày công xây dựng Đề án “Nâng cao  vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân giai đoạn 2010 – 2020” trình Ban Bí thư và được phê duyệt bằng Kết luận 61, theo đó là Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ về “Hội NDVN trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 – 2020”.

Cần đổi mới tư duy làm kinh tế

Để tạo nguồn và sử dụng hai nguồn “vốn” có hiệu quả, cán bộ Hội ND cần đổi mới tư duy làm kinh tế; tham gia xây dựng, phản biện xã hội về chính sách, nhất là chính sách cho người nông dân khi tham gia sâu hơn vào thị trường khu vực và trên thế giới, đặc biệt là những thị trường “khó tính” như: Mỹ, EU, Canada, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc... luôn có sức mua lớn, có giá trị sinh lời cao. Cán bộ Hội ND phải hướng dẫn, huấn luyện nông dân liên kết, hợp tác sản xuất; cách làm dự án, nắm vững và thông thạo việc lập kế hoạch sản xuất, hạch toán “đầu vào, đầu ra” trên một đơn vị sản phẩm và bán nông sản theo hợp đồng, có thị trường bền vững.

Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của Hội từ cấp trung ương đến cấp địa phương đã làm theo cách đó, và chủ động chuyển hình thức cho vay vốn nhỏ đối với hộ nông dân phân tán sang cho vay theo dự án, gói giá trị sản phẩm từ sản xuất đến thị trường có địa chỉ - do các tổ, nhóm nông dân hợp tác, liên kết thực hiện, đã đem lại hiệu quả thực chất về kinh tế, xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước của nông dân, xây dựng tổ chức Hội ND vững mạnh.

Đó chính là sức mạnh nội sinh, có sức lan tỏa, được nhân dân, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các địa phương ghi nhận và nghiêm túc thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ. Một mặt, đã làm nên bước tăng trưởng lớn về quy mô và tổng  vốn tài chính của Quỹ HTND, mặt khác, đã tạo ra vốn xã hội - động lực cho nông dân sáng tạo làm giàu, mở ra nhiều cơ hội cho Hội ND hoạt động tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; xây dựng giai cấp nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem