Số liệu được tổ chức Soufan đưa ra cho thấy việc ngăn chặn dòng chảy lũ lượt của những kẻ khủng bố và giảm thiểu sức hút của những nhóm thánh chiến không mang lại kết quả đáng kể nào.
“Hiện tượng những phiến quân nước ngoài tới chiến đấu ở Iraq và Syria thực sự mang tính chất toàn cầu”, báo cáo của cơ quan tư vấn chiến lược có trụ sở ở New York cho biết. “IS đã thành công hơn hẳn những nhóm khủng bố khác, kể cả tổ chức khét tiếng như Al-Qaeda. Hơn 27.000 người đã gia nhập tổ chức IS và rất nhiều người khác sẵn sàng giúp đỡ khi được yêu cầu”.
27.000 người nước ngoài đã đến lãnh thổ mà IS kiểm soát trong năm 2015
Báo cáo của Soufan cho thấy trong năm 2015 có từ 27.000 đến 31.000 tên khủng bố ở 86 quốc gia tìm đường sang Iraq và Syria. Tháng 6.2014, chỉ có khoảng 12.000 phiến quân ngoại quốc sang Syria tham chiến.
Hơn 8.000 tên ở khu vực Trung Đông đã sang vùng lãnh thổ do IS kiểm soát từ Syria trải dài sang Iraq. Ở châu Âu, hơn 5.000 phiến quân đóng góp vào đội ngũ đông đảo này. Các nước thuộc liên bang Xô Viết cũ cũng cung cấp hơn 4.700 tên.
Tổ chức Soufan cho biết 20% đến 30% phiến quân nước ngoài quay trở về nước sau khi sang Iraq và Syria. Điều này tạo ra sức ép lớn cho cơ quan an ninh sở tại khi IS đang tìm cách mở rộng các cuộc tấn công khủng bố ở phạm vi nước ngoài.
Khu vực Trung Đông cung cấp nhiều kẻ ủng hộ IS nhất với hơn 8.200 người
IS tuyên bố nhận trách nhiệm tấn công liên hoàn ở Paris tháng trước khiến 130 người chết và hàng loạt vụ bạo lực đẫm máu xảy ra từ Iraq tới Bangladesh.
Sau vụ tấn công ở Paris, các nhà làm luật ở Mỹ đã kêu gọi xem xét lại quy định cho công dân thuộc các quốc gia châu Âu vào Mỹ mà không cần visa.
Tuy nhiên theo tổ chức Soufan, các số liệu mới nhất “là bằng chứng cho thấy các nỗ lực ngăn chặn dòng chảy khủng bố đổ vào Syria và Iraq ít gây tác động lớn”.
“Khi IS thay đổi mục tiêu từ việc củng cố lãnh thổ kiểm soát sang tấn công những kẻ thù nước ngoài trên chính quê hương họ, cách thức tuyển mộ các binh sĩ nước ngoài của IS cũng sẽ thay đổi” , báo cáo có đoạn viết.
Binh sĩ Iraq dòng Shiite đang khiêng xác một tên IS bị giết ở thị trấn Deli Abbas, tỉnh Diyala.
Chúng tìm kiếm những kẻ ủng hộ qua mạng xã hội khiến châu Âu dấy lên cảnh báo lo ngại về hình thức tuyên truyền này. Hội đồng châu Âu đã tổ chức một diễn đàn thảo luận trong tháng 12 để những ông lớn như Google, Facebook có thể chung tay tiêu diệt chủ nghĩa cực đoan trên internet.
Bản báo cáo có viết: “Việc tuyển mộ qua mạng xã hội sẽ dần dà ít quan trọng hơn khi một số lượng nhất định kẻ ủng hộ đồng ý đi theo IS. Chúng sẽ gặp bạn bè, hàng xóm và thuyết phục họ cùng tham chiến cho IS. Giao tiếp trực diện luôn mang lại kết quả tốt hơn”.
“Kể cả khi IS có bị suy thoái thảm hại thì những gì chúng truyền đạt cho nhóm người ủng hộ vẫn còn. Và nếu IS diệt vong, những người này chắc chắn sẽ gây hại còn nhiều hơn cả IS”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.