Trong số những cặp dũng tướng là cha - con trong sử Việt, Triệu Túc và Triệu Quang Phục có công giúp Lý Bí đánh đuổi quân Lương xâm lược, Đặng Tất và Đặng Dung giúp nhà Hậu Trần chống lại giặc Minh, Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Lâm là anh hùng chống Pháp.
Hai cha con dũng tướng của Lý Nam Đế
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Triệu Túc (470-545) vốn là tù trưởng nổi tiếng của huyện Chu Diên (Hà Nội ngày nay). Khi Lý Bí chiêu tập hào kiệt bốn phương, chuẩn bị dựng cờ khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Lương, Triệu Túc là một trong những người đầu tiên tham gia.
Đi cùng với Triệu Túc là con Triệu Quang Phục và cháu của ông. Vốn là người giàu nghĩa khí, lại xuất thân là tù trưởng, Triệu Túc rất được Lý Bí coi trọng, là chỗ dựa tin cậy của Lý Nam Đế.
Ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, cha con Triệu Túc đã có những đóng góp to lớn cho cuộc khởi nghĩa. Sau khi lên ngôi hoàng đế (năm 544), Lý Bí đã phong Triệu Túc làm thái phó, đứng đầu quan võ.
Triệu Quang Phục đánh giặc. Ảnh: Hoàng thành Thăng Long.
Giữa năm 545, nhà Lương đem đại quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Sau những trận đánh ác liệt giữa đôi bên, nghĩa quân Lý Nam Đế rơi vào thế bất lợi, Triệu Túc đã chiến đấu đến cùng, anh dũng hy sinh.
Sau trận chiến ở hồ Điển Triệt (năm 546), Lý Nam Đế đã trao binh quyền cho con trai Triệu Túc là Triệu Quang Phục để tiếp tục chống quân Lương xâm lược.
Dưới sự lãnh đạo của Triệu Quang Phục, quân đội Vạn Xuân lui về xây dựng căn cứ mới ở đầm Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên), tiếp tục chiến đấu. Tại đây, ông nhiều lần đánh lui quân Lương. Đến năm 550, quân Lương phải tháo chạy về phương Bắc, Triệu Quang Phục lên ngôi, lấy hiệu là Triệu Việt Vương, giúp nước ta giành lại độc lập đến năm 602.
Với những công lao to lớn đóng góp cho nhà tiền Lý, Triệu Túc và Triệu Quang Phục được lịch sử ghi nhận là cặp dũng tướng cha và con nổi danh đầu tiên trong lịch sử nước ta.
Đặng Tất và Đặng Dung chống nhà Minh
Hai cha con Đặng Tất và Đặng Dung quê ở huyện Can Lộc của tỉnh Hà Tĩnh. Sinh thời, cả hai ông có công rất lớn giúp quý tộc nhà Trần giành lại quyền lực khi đất nước bị giặc Minh xâm lược.
Sau khi đánh bại nhà Hồ, xâm chiếm nước ta, bọn cai trị nhà Minh tăng cường đàn áp nhân dân. Trước thực trạng đau lòng của đất nước, Đặng Tất cùng con là Đặng Dung nổi dậy khởi nghĩa ở Châu Hóa, giết sạch quan lại binh lính giặc Minh ở đây rồi đưa quân ra Ngệ An, gia nhập nghĩa quân của Trần Ngỗi, tức vua Giản Định Đế, con vua Trần Nghệ Tông.
Cuối năm 1408, Đặng Tất cùng Nguyễn Cảnh Chân đã chỉ huy quân đội Hậu Trần giành chiến thắng trong trận Bô Cô (Nam Định), giết chết được thượng thư bộ binh Lưu Tuấn, Đô ti Lữ Nghị của nhà Minh.
Sau một năm giúp nhà Hậu Trần, Đặng Tất góp sức lập nhiều chiến công to lớn. Tiếc là Giản Định Đế không nhận ra người tài, nghe lời gièm pha kẻ xấu nên đã giết hại Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Hành động của vua Giản Định Đế chẳng khác nào tự chặt tay mình.
Khi nghe tin cha bị giết giết oan, Đặng Dung vô cùng đau xót, căm phẫn nhưng ông vẫn đặt nợ nước lên đầu, tiếp tục thay cha ủng hộ nhà Hậu Trần lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh. Không thể tiếp tục cống hiến cho Giản Định Đế nữa, Đặng Dung rút quân về Hà Tĩnh ngày nay rồi cho người ra Thanh Hóa rước cháu Trần Nghệ Tông là Trần Quý Khoáng về lập làm vua - tức vua Trùng Quang Đế.
Dưới trướng minh chủ mới, từ năm 1409 đến 1413, ông cùng Nguyễn Cảnh Dị (con trai Nguyễn Cảnh Chân), Nguyễn Súy, Nguyễn Biểu… giao chiến với quân Minh hàng chục trận lớn nhỏ, giành nhiều chiến thắng, giải phóng được nhiều vùng rộng lớn.
Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch, vận khí của họ Trần đã cạn, dù có lúc giành được những thắng lợi lớn, cuối cùng, Đặng Dung không thể giúp nhà Trần dành lại cơ nghiệp. Đặng Dung và nghĩa quân không cản nổi cuộc tấn công của Trương Phụ, Mộc Thạnh.
Đầu năm 1414, Đặng Dung rơi vào tay giặc Minh, Trương Phụ mở tiệc khoản đãi, dụ dỗ ông nhưng Đặng Dung thà chết chứ không can tâm làm tay sai của giặc. Dụ dỗ không được, chúng đưa ông lên thuyền cùng vua Trùng Quang Đế giải về Trung Quốc.
Trên đường đi ông khắc lên ván thuyền bài thơ “Thuật hoài” gửi tâm sự lại cho hậu thế. Rồi lợi dụng sự canh phòng sơ hở của giặc, ông nhảy xuống sông tuẫn tiết. Dù không thể trả được nợ nước, thù nhà, ấm lòng yêu nước của hai cha con Đặng Tất và Đặng Dung mãi mãi được hậu thế khen ngợi.
Cái chết lẫm liệt của cha con Nguyễn Tri Phương
Nguyễn Tri Phương (1800-1873) quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay. Dù chỉ sinh trưởng trong một gia đình nông dân, bằng ý chí và nghị lực hơn người, ông đã vươn lên trở thành đại thần, nhà quân sự xuất sắc của triều Nguyễn.
Sinh thời, ông chính là vị tổng chỉ huy quân đội triều đình chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).
Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Hoàng thành Thăng Long.
Nhờ tài năng quân sự hơn người, Nguyễn Tri Phương đã giúp quân đội nhà Nguyễn chặn đứng bước tiến của quân Pháp ở Đà Nẵng, đánh bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của kẻ thù, buộc chúng phải kéo vào Gia Định.
Tiếc rằng, lúc bấy giờ, khí thế nhà Nguyễn đã cạn. Dù cố gắng, Nguyễn Tri Phương không thế cứu đất nước khỏi rơi vào tay giặc.
Trong trận chiến bảo vệ thành Hà Nội năm 1873, con trai Nguyễn Tri Phương là Phò mã Nguyễn Lâm anh dũng chiến đấu không rời thành cho đến khi tử trận. Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và rơi vào tay giặc.
Bắt được Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, quân Pháp tìm cách hòng mua chuộc ông. Tuy nhiên, bỏ qua mọi dụ dỗ của kẻ thù, Nguyễn Tri Phương từ chối thẳng thừng yêu cầu đắp thuốc chữa trị vết thương của chúng, với câu nói nổi tiếng: “Bây giờ nếu ta chỉ lăy lắt mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”. Không chỉ khước từ mọi sự chữa trị của kẻ thù, Nguyễn Tri Phương còn tuyệt thực cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Cả hai cha con ông đều hy sinh anh dũng. Dù không sinh ra ở Hà thành nhưng nhân dân nơi đây vẫn vô cùng cảm kích trước cống hiến của Nguyễn Tri Phương, và đã lập đền Trung Liệt thuộc Gò Đống Đa và Vọng Lâu thành Cửa Bắc để tôn thờ.
Nguyễn Thanh Điệp (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.