Ngày 12/6, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã chủ trì Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố thông qua "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố" (Đề án).
Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết thông qua Đề án "Phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố" của UBND TP.Hà Nội thể hiện, Hà Nội là 1 trong 2 thành phố lớn của Việt Nam gặp tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Việc triển khai Đề án có tác động đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thủ đô, đến quyền lợi của người dân và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo kế hoạch chuyển đổi phương tiện buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh, tỷ lệ phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đặt mục tiêu, đến năm 2030: Đạt khoảng 70-90% và đến năm 2033 đạt 100%.
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội Phạm Ngọc Thảo đánh giá việc phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng sẽ buýt sử dụng điện, năng lượng xanh có thể coi là một cuộc cách mạng với giao thông đô thị của Hà Nội. Ảnh: TP.HN
Việc chuyển đổi đưa ra 3 kịch bản tới năm 2033: Kịch bản 1: Toàn bộ 100% xe buýt điện, tổng nguồn lực là 52.354 tỷ đồng; Kịch bản 2: 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG, tổng nguồn lực là 47.003 tỷ đồng; Kịch bản 3: 50% xe buýt điện; 50% xe buýt LNG/CNG), tổng nguồn lực là 43.940 tỷ đồng.
Để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, trước mắt, UBND TP.Hà Nội đề xuất lựa chọn thực hiện theo Kịch bản 3 (50% xe buýt điện; 50% xe buýt LNG/CNG) và khi điều kiện cho phép phấn đấu thực hiện theo Kịch bản 2 (70% xe buýt điện; 30% xe buýt LNG/CNG). Sau năm 2040, thực hiện theo Kịch bản 1 (100% xe buýt điện).
Tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thảo - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội đánh giá, việc phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng sẽ buýt sử dụng điện, năng lượng xanh có thể coi là một cuộc cách mạng, bước đột phá quan trọng đối với giao thông đô thị của Hà Nội.
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội Phạm Ngọc Thảo đề nghị, để thực hiện tốt Đề án, HĐND, UBND và các cơ quan của Thành phố làm rõ thêm các căn cứ để xác định lộ trình thực hiện các nội dung liên quan của Nghị quyết như lộ trình chuyển đổi phương tiện, lộ trình đầu tư hạ tầng cơ sở trạm sạc điện và cung cấp năng lượng sạch…
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho biết, Sở này đã xác định được nguồn lực thực hiện đó là ngân sách nhà nước và doanh nghiệp. Ảnh: TP.HN
Ngoài ra cần bổ sung việc tính toán dự kiến diện tích đất cần thiết để xây dựng các trạm điện phục vụ sạc điện cho phương tiện giao thông công cộng trước mắt và lâu dài khi loại bỏ phương tiện toàn Thành phố.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Doãn Minh Tâm - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải cho biết, Hà Nội tuy là một thành phố lớn, đông dân trên thế giới nhưng lại là thành phố có mạng lưới cơ sở hạ tầng thuộc loại còn lạc hậu và thực sự thiếu cơ sở hạ tầng đường bộ để phát triển đô thị và giao thông đô thị.
Theo PGS.TS Doãn Minh Tâm, Hà Nội đang thiếu trầm trọng điều kiện số một dành cho phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng đó là cơ sở hạ tầng đường bộ để đóng vai trò định hướng chủ đạo trong phát triển đô thị.
Để đạt được tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội từ 45-50% vào năm 2030, ngoài yêu cầu phải lập Đề án chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh, theo PGS.TS Doãn Minh Tâm còn phải tăng số lượng, tăng tuyến để tăng được năng lực vận chuyển đạt tới mức 4-5 triệu lượt người/ngày (gấp 4-5 lần so với năng lực hiện nay).
Vị nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải cho rằng, UBND TP.Hà Nội cần cần lập tiếp Đề án riêng để phát triển đội xe buýt của thành phố và đặc biệt cần phải mở rộng và phát triển hệ thống các tuyến đường bộ, đường đô thị để đủ điều kiện cho khoảng 5.000 xe buýt hoạt động từ nay đến năm 2030.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho biết, Sở này đã xác định được nguồn lực thực hiện đó là ngân sách nhà nước và doanh nghiệp.
Ông Long chia sẻ, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ tiếp thu toàn bộ các nội dung liên quan đến đề án và cùng với đơn vị tư vấn hoàn thiện để trình HĐND TP.Hà Nội.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị nếu giữ nguyên tên Đề án, cơ quan soạn thảo cần bổ sung nội hàm phát triển gồm giải pháp đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để bảo đảm tính khả thi.
Việc xác định lộ trình triển khai phải gắn với chỉ tiêu, bảo đảm tính khoa học, tính khả thi để tăng tính thuyết phục; có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để cùng tham gia thực hiện đề án này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.