Xe buýt điện bị lỗ, Sở GTVT TP.HCM đề xuất tăng tiền trợ giá

Vũ Quyền Thứ sáu, ngày 04/08/2023 10:07 AM (GMT+7)
Với tỷ lệ trợ giá 44,1%, mỗi chuyến của tuyến xe buýt điện D4 bù lỗ gần 240.000 đồng. Sở GTVT TP.HCM đề xuất tăng tỷ lệ trợ giá lên 64,8%.
Bình luận 0

Theo nội dung công văn đề xuất tháo gỡ khó khăn tuyến xe buýt sử dụng xe buýt điện của Sở GTVT TP.HCM gửi UBND TP, tuyến xe buýt điện D4 (VinHome Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn) có trợ giá sử dụng năng lượng điện tử thí điểm đầu tiên đưa vào hoạt động.

Tuyến xe buýt được trang bị các tiện ích phục vụ tốt cho hành khách. Qua khảo sát, kết quả hài lòng của hành khách, đánh giá theo quý đều đạt 89-95 điểm (thang điểm 100).

Sản lượng hành khách bình quân năm 2022 đạt 22,5 hành khách/chuyến và 6 tháng đầu năm 2023 bình quân đạt 27,6 hành khách/chuyến. Từ khi đưa vào hoạt động tháng 3/2022, khối lượng vận chuyển tuyến xe buýt D4 liên tục tăng, từ bình quân 14,1 lượt hành khách/chuyến lên bình quân 28,7 hành khách/chuyến (vào tháng 6/2023).

Xe buýt điện bị lỗ, Sở GTVT TP.HCM đề xuất tăng tiền trợ giá - Ảnh 1.

Xe buýt điện D4 (VinHome Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn). Ảnh: Minh Quân.

Doanh thu vé bình quân mỗi chuyến tăng 80.900 đồng/chuyến lên mức 154.000 đồng/chuyến. Tuy nhiên, mức doanh thu này chỉ đạt khoảng 20,9% chi phí hoạt động.

Theo Sở GTVT TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2023, tuyến xe buýt D4 có khoảng 19.000 chuyến, vận chuyển 525.400 lượt hành khách, giúp giảm lượng phương tiện giao thông cá nhân lưu thông trên đường, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Theo chủ trương, trước đó UBND TP.HCM chấp thuận tổ chức 5 tuyến xe buýt điện, thời gian thí điểm 24 tháng, tỷ lệ trợ giá/chi phí là 44,1%. Đây là tỷ lệ được xây dựng trên cơ sở thống kê tỷ lệ trợ giá bình quân trong 10 năm, từ 2009 đến 2019.

Tuy nhiên, hiện nay, theo thống kê của Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thì giai đoạn 2020-2023 tỷ lệ trợ giá/chi phí bình quân toàn hệ thống là 63,7%. Do đó, tỷ lệ trợ giá của tuyến D4 hiện nay là thấp so với bình quân toàn hệ thống.

Trong khi đó, chi phí mỗi chuyến của tuyến xe điện D4 khoảng 700.000 đồng, với tỷ lệ trợ giá/chi phí là 44,1%, tương đương 309.000 đồng, phần doanh thu phải đảm bảo 55,9%, tương đương 392.000 đồng, tương ứng sản lượng phải đạt 71 hành khách/chuyến.

Xe buýt điện bị lỗ, Sở GTVT TP.HCM đề xuất tăng tiền trợ giá - Ảnh 2.

Bên trong xe buýt điện D4. Ảnh: Chinh Hoàng.

Qua đánh giá sản lượng thực hiện trên tuyến, năm 2022 chỉ đạt 22,5 hành khách/chuyến, tương ứng 31,8% so với sản lượng, doanh thu tính trợ giá. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 27,6 hành khách/chuyến, tương ứng 38,9% so với sản lượng, doanh thu tính trợ giá, tức mỗi chuyến xe buýt điện D4 lỗ 240.000 đồng.

Sở GTVT TP.HCM cho hay, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách công cộng. Sản lượng thực hiện, doanh thu thấp và tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ, trạm nạp điện chưa kịp thời, bị kéo dài nên ảnh hưởng đến triển khai đưa vào vận hành 4 tuyến xe buýt điện còn lại.

Để tháo gỡ khó khăn và khuyến khích đơn vị vận tải tham gia đến hoạt động vận tải hành khách công cộng sử dụng năng lượng xanh, Sở GTVT TP.HCM đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương tiếp tục tổ chức 5 chuyến xe buýt điện hoạt động thí điểm trên địa bàn thành phố. Trong đó, tăng tỷ lệ trợ giá/chi phí lên 64,8%.

Đồng thời, cho phép tiếp tục áp dụng phương thức đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn đối với 5 tuyến xe buýt điện trong thời gian thí điểm. Kinh phí trợ giá được lấy từ nguồn vốn sự nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem