300 bác sĩ trẻ về trạm y tế: (Bài 2) "Làn sóng mới" cho y tế cơ sở
300 bác sĩ trẻ về trạm y tế ở TP.HCM: Làn sóng mới cho y tế cơ sở (bài 2)
Bạch Dương
Thứ bảy, ngày 12/03/2022 06:30 AM (GMT+7)
Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết, đây là bước đi đầu tiên giải quyết nhu cầu cấp bách từ thực tiễn về việc tiếp tục củng cố, phục hồi hệ thống y tế cơ sở sau một thời gian dài ứng phó với đại dịch Covid-19.
Nhận nhiệm vụ tăng cường cho trạm y tế phường 11, quận 5, công việc của bác sĩ trẻ Cao Minh Ngọc Hà là hỗ trợ trạm đi lấy mẫu xét nghiệm tại nhà dân và quản lý F0 trên địa bàn. Mỗi tuần, Hà trực ở trạm y tế 3 ngày, 4 ngày thực hành tại Bệnh viện Nguyễn Trãi.
Chia sẻ về quyết định của mình, Hà cho biết: "Em xung phong về thực hành tại trạm y tế vì muốn được trực tiếp gần người dân. Nhờ đó, em học được rất nhiều điều mà sách vở, nhà trường không dạy hết được".
Ngọc Hà là một trong 297 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch được tăng cường về thực hành lấy chứng chỉ hành nghề tại trạm y tế xã, phường. Các bác sĩ trẻ này sẽ thực hành luân phiên 12 tháng tại trạm y tế và 6 tháng tại bệnh viện, thay vì thực hành 18 tháng tại bệnh viện như truyền thống trước đây.
Bác sĩ trẻ Hoàng Thị Như Ý là một trong 12 bác sĩ vừa được cử về trạm y tế thuộc quận 12. Như Ý cũng là thành viên tổ y tế chăm sóc F0 từ xa trong giai đoạn khốc liệt nhất của dịch Covid-19 tại TP.
Nữ bác sĩ không thể quên trường hợp một F0 khi liên hệ đến tổ tư vấn, nhưng không thể điều phối được xe cấp cứu. "Quá tải ở khắp nơi nên xe cấp cứu không đến kịp. Em ít nhiều cũng bị sốc và cảm thấy mình không đủ điều kiện giúp đỡ người bệnh".
Trải qua những cảm xúc đắt giá trong đỉnh dịch, Như Ý có thêm quyết tâm để đăng ký chương trình thực hành tại y tế cơ sở ngay sau khi vừa tốt nghiệp.
Là một trong số 29 bác sĩ trẻ được tăng cường về y tế cơ sở tại TP.Thủ Đức, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái Toàn cho biết, khi nhận được thông tin huy động các bác sĩ trẻ về y tế cơ sở đã tìm hiểu và đăng ký tham gia.
Theo Thái Toàn, dù điều kiện làm việc tại y tế cơ sở không thể bằng các bệnh viện lớn, song truyền thống hướng về cộng đồng của Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhất là đợt dịch Covid-19 vừa qua đã chứng minh y tế cơ sở là một phần không thể thiếu trong hệ thống y tế, Toàn tin rằng mình sẽ trưởng thành từ môi trường này.
Trong khi đó, Huỳnh Ngọc Kim Ngân (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đã có thời gian tình nguyện tham gia phòng chống dịch trong thời điểm dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát nên thấu hiểu những khó khăn của các y, bác sĩ và nhân viên y tế tại cơ sở. Dù vậy, Kim Ngân tiếp tục đăng ký tham gia với hy vọng sẽ được đóng góp một phần kiến thức, một phần sức trẻ của mình để nâng cao chất lượng y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay từ tuyến đầu.
Sáng kiến mang tính bước ngoặt
Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết, trước nhu cầu cấp bách từ thực tiễn về việc tiếp tục củng cố, phục hồi hệ thống y tế cơ sở sau một thời gian dài ứng phó với đại dịch Covid-19, Sở Y tế chính thức triển khai hoạt động đầu tiên trong đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở. Đó là đưa 297 bác sĩ trẻ về tăng cường cho các trạm y tế phường, xã, thị trấn.
Theo đó, bác sĩ y khoa mới tốt nghiệp sẽ thực hành 12 tháng ở trạm y tế dưới sự hướng dẫn chuyên môn và hướng dẫn thực hành của bác sĩ bệnh viện đa khoa hạng 1 tuyến thành phố; 6 tháng còn lại về thực hành tại các bệnh viện. TP hỗ trợ toàn bộ kinh phí thực hành và hỗ trợ chi phí sinh hoạt, dự kiến 60 triệu đồng cho một bác sĩ trong 12 tháng thực hành tại y tế cơ sở.
Bác sĩ sau khi hoàn thành chương trình thực hành này sẽ có chứng chỉ hành nghề bác sĩ đa khoa. "Bác sĩ trẻ sẽ được nâng cao năng lực chăm sóc sức khoẻ hướng về cộng đồng, năng lực phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ liên tục và toàn diện, cũng như năng lực hoạt động xã hội… Qua đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và bổ sung nguồn nhân lực cho hệ thống y tế cơ sở thành phố", ông Thượng nhấn mạnh.
Trên cơ sở này, UBND TP sẽ đề xuất tại kỳ họp HĐND TP tới ban hành nghị quyết về vấn đề này. Sở Y tế sẽ định kỳ đánh giá rút kinh nghiệm để làm tiền đề tốt duy trì hàng năm.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, từ thực tiễn trong thời gian chống dịch, TP đã sớm nhận ra điểm yếu và nhận định, nhiệm vụ cấp bách qua thời gian chống dịch là cấp thiết củng cố y tế cơ sở. Ngay khi dịch được kiểm soát, TP đã khẩn trương họp, xác định chiến lược y tế là trụ cột, nền tảng cho các chiến lược khác.
"Củng cố y tế cơ sở trước hết là củng cố con người, mà con người không thể có được trong ngày một ngày hai. Trong những tháng ngày cam go, TP nhận hỗ trợ của y tế cả nước, nhưng khi họ rút đi, TP không có lực lượng để lấp vào những lỗ hổng này.
Chiến lược đưa bác sĩ trẻ về y tế cơ sở của Sở Y tế là rất mới và hợp lý. Đây là công việc mới, không thể tránh khỏi những việc cần phải uốn nắn, đây là đợt đầu tiên thực hiện chủ trương cấp bách của TP nên phải chấp nhận nhiều việc chưa chuẩn bị kịp. Chắc chắn có nhiều bỡ ngỡ, băn khoăn, lo lắng và thử thách", Bí thư Nên nói.
Ông Nên giao Sở Y tế phối hợp ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, các bệnh viện sớm ban hành quy chế rõ ràng để bác sĩ trẻ nắm rõ công việc được giao. Đồng thời, sớm tham mưu ban hành quy chế mang tính pháp lý để các bác sĩ trẻ yên tâm làm việc khi chưa đủ tư cách hành nghề (chưa có chứng chỉ hành nghề).
"Đây là hành trang của bác sĩ trẻ trở lại chiến trường sau những tháng ngày chống dịch với tư thế khác, vai trò khác. Không để bác sĩ trẻ phải thiệt thòi so với các khoá khác, trường khác. Sở Y tế cần khẩn trương có quy chế luân phiên bác sĩ ở cơ sở, bệnh viện trong thời gian như thế nào để họ yên tâm, tích cực, hào hứng với nhiệm vụ", Bí thư Nên căn dặn.
300 bác sĩ trẻ về trạm y tế ở TP.HCM: Nâng cao y tế cơ sở là nhiệm vụ trọng yếu (bài cuối)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.