Báo cáo của Phòng Văn hóa – Thông tin quận Bình Thủy cho biết, phòng này vừa phối hợp với các ngành chức năng có liên quan kiểm tra, phát hiện 32 tượng linh vật có dấu hiệu không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
“Đón tiếp” khách tham quan là hai linh vật với vẻ hung tợn
Ông Vũ Mạnh Khang, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin quận Bình Thủy thông tin: “Chúng tôi đã kiểm tra, thấy các tượng linh vật có một số nét không giống lắm với mẫu tượng linh vật được phép trưng bày ở trong các di tích. Chúng tôi đang chờ các cơ quan chuyên môn thẩm định cho ý kiến thêm và chờ ý kiến chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) TP.Cần Thơ và hướng dẫn của các cơ quan cấp trên nữa”.
Được biết, trước đó, khi nhận được công văn chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL TP.Cần Thơ đã chỉ đạo các địa phương, trong đó có quận Bình Thủy triển khai kiểm tra các di tích có tượng linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam để có kế hoạch xử lý.
Tượng linh vật được làm bằng đá, rất to lớn
Ông Huỳnh Đỉnh Chung - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở VHTTDL TP.Cần Thơ) cho biết: “Địa phương có kiểm tra Di tích Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Tượng linh vật này do một công ty mỹ thuật ở trung ương làm khi trao đổi thì họ nói là tượng lân nhưng thấy không giống lân và lai nhiều loại, chúng tôi đang bàn tính hướng xử lý.”
“Dời thì sẽ dời thôi vì tượng linh vật này giống linh vật “lạ” nhưng cái khó là tìm địa điểm vì số lượng tượng đương đối nhiều. Thật ra, lúc đưa tượng vào di tích thì mình chưa hiểu sâu về linh vật “lạ”, khi công ty mỹ thuật họ làm thì mình để họ làm vì nghĩ chỉ là trang trí” – ông Chung cho biết thêm.
Mỗi hạng mục đều có cặp tượng linh vật đặt phía trước
Theo tìm hiểu, Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa có nhiều hạng mục chính như: nhà thờ, nhà trưng bày, nhà khách, nhà bia tưởng niệm, khu mộ, cổng tam quan, sân đường, bãi đỗ xe... với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 54 tỷ đồng.
Nơi đây đã được Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích cấp Quốc gia vào năm 1994. Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa là một trong những nhà thơ yêu nước cuối thế kỷ 19. Cụ cũng là một trong bốn “Rồng vàng” ở đất Nam Bộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.