"Amip ăn não người": Nguy hiểm nhưng có thể điều trị được

Thứ năm, ngày 30/08/2012 08:29 AM (GMT+7)
Nếu có yếu tố dịch tễ trên thì phải tiến hành chọc dò khảo sát dịch não tủy. Loại amip này rất dễ phát hiện qua kính hiển vi. Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Phú, nếu phát hiện bệnh sớm thì vẫn có thể điều trị được.
Bình luận 0
img
Ảnh chụp amip ăn não qua kính hiển vi.

Các bác sĩ cho biết, “amip ăn não người” là loài vi sinh vật đơn bào đáng sợ, có tên khoa học là Naegleria fowleri. Nhờ sở hữu trên 15.700 gen mã hóa protein, “amip ăn não người” có thể tồn tại trong tự nhiên ở 3 hình thái.

Chúng thường săn đuổi và ăn vi khuẩn giống như các loại amip, hoặc cũng có thể chuyển sang dạng trùng roi để bơi đi tìm môi trường thuận lợi hơn; thậm chí “biến” thành dạng bào nang nếu gặp điều kiện khắc nghiệt. Chính vì khả năng biến hình linh hoạt này mà Naegleria fowleri rất khó bị tiêu diệt, có thể tồn tại dai dẳng ở những nơi ấm và ẩm ướt.

Bác sĩ Phú cho biết: Khi một người có biểu hiện nhức đầu, buồn nôn, sốt, cứng cổ, xuất hiện ảo giác... thì nhanh chóng đến các cơ sở y tế để kiểm tra. Do đây là bệnh mới nên các triệu chứng ban đầu này dễ nhầm với viêm não, màng não do vi khuẩn hoặc do virus nên việc chẩn đoán rất khó khăn. Vì thế, các bác sĩ phải hỏi rõ bệnh nhân có tiếp xúc với nguồn nước ao hồ như tắm, bơi lội, lặn.

Nếu có yếu tố dịch tễ trên thì phải tiến hành chọc dò khảo sát dịch não tủy. Loại amip này rất dễ phát hiện qua kính hiển vi. Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Phú, nếu phát hiện bệnh sớm thì vẫn có thể điều trị được.

Theo bác sĩ Phú, “amip ăn não người” phát triển mạnh ở những vùng nước ngọt ấm áp như: ao, hồ, sông, suối… vào mùa hè; thậm chí là hồ bơi không được vệ sinh, sát khuẩn. Chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, di chuyển theo các sợi thần kinh khứu giác thông qua sàn sọ để lên não.

Điều nguy hiểm là amip này có thể vượt qua mọi khâu lọc khử trùng, nhiễm vào hệ thống nước sinh hoạt của các gia đình. May mắn, amip này không gây bệnh thông qua uống nước, trừ khi súc miệng mà nước nhiễm amip xộc lên mũi.

Sau khi nhiễm “amip ăn não người” 1-14 ngày, các triệu chứng khởi đầu của bệnh sẽ xuất hiện: nhức đầu, buồn nôn, sốt, cứng cổ, xuất hiện ảo giác, thậm chí mất khả năng kiểm soát hành vi. Các triệu chứng thứ phát có thể đi kèm như: lú lẫn, u ám, thiếu tập trung, cơn co giật.

Sau đó, bệnh diễn tiến nhanh chóng và nguy cơ tử vong rất cao, thường xảy ra từ 7 đến 14 ngày sau khi mắc bệnh. Các triệu chứng ban đầu này dễ nhầm với viêm não do vi khuẩn hoặc vi rút nên việc chẩn đoán rất khó khăn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh Mỹ (CDC), bản năng của loại ký sinh trùng này không hoạt động để tấn công người và chúng chủ yếu ăn vi khuẩn. Tuy nhiên, khi nhiễm vào não, chúng nhân lên nhanh chóng và bắt đầu ăn tế bào não để tồn tại. Nếu bị nhiễm, nạn nhân chắc chắn sẽ bị viêm màng não.

Bệnh “amip ăn não người” được hai bác sĩ M. Fowler và R.F. Carter lần đầu tiên mô tả ở Australia vào năm 1965. Năm 1966, ông Fowler đặt tên cho loại amip này là Naegleria fowleri. Cho đến nay, khoảng 150 ca bệnh đã được xác định trong nhiều quốc gia và chỉ có một ca được cứu sống vào năm 1978.

Các quốc gia từng ghi nhận các ca bệnh “amip ăn não người”:

Mỹ: Giai đoạn năm 1937-2007 có 121 nạn nhân tử vong. Các năm 2001-2011 đã có 35 ca tử vong được báo cáo; trong đó đến 32 ca tiếp xúc với nguồn nước ở khu vui chơi giải trí.

New Zealand: Năm 1968-1978 có 8 trường hợp tử vong sau khi các nạn nhân bơi trong một hồ nước ấm ở khu vực Waikato.

Pakistan: 2 bệnh nhân nam 39 tuổi và 54 tuổi tử vong vào năm 2010.

Tiệp Khắc cũ: Năm 1962-1965 ghi nhận 16 bệnh nhân chết vì viêm não - màng não cấp do tắm trong một bể bơi.

Theo Phụ nữ TP HCM, Lao động

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem