"Cánh chim" Nay Đroeng

Ngọc Tấn Chủ nhật, ngày 13/07/2014 07:08 AM (GMT+7)
Những ngày thi ĐH - CĐ đang diễn ra sôi động, tại điểm thi TP.Đà Nẵng, 1 sinh viên CĐ công nghệ thông tin trong trang phục thanh niên tình nguyện, dưới nắng nóng vẫn tận tình hướng dẫn thí sinh khiến nhiều người cảm phục…
Bình luận 0

Để được sánh vai cùng các bạn hôm nay, ít ai biết người thanh niên này đã vượt lên số phận nghiệt ngã bằng một nghị lực phi thường đến nhường nào… Em là Nay Đroeng - một cánh chim ở buôn Ji A, xã Krông Năng, huyện Krông Pa, Gia Lai.

Từ giọt nước mắt cha

“Ở cái xứ nắng nôi, nghèo khó nhất Gia Lai này, cảm giác cái thân con người nhỏ bé lắm…”. Lời mở đầu câu chuyện như là sự cảm thán đầy chua xót của ông Kbôn Yoang năm nào vẫn còn văng vẳng trong tôi…

Cuộc đời Kbôn Yoang kể thì đơn giản như bấm đốt ngón tay nhưng bất hạnh thì có lẽ cả vùng này chẳng ai hơn được… Năm 1972, Yoang cùng vợ làm du kích ở căn cứ E Ré. Sau giải phóng tham gia công việc xã một thời gian rồi xin nghỉ…

img

Chắc là bị nhiễm chất độc Mỹ rải nên mới sinh ra những đứa con dị tật… Đứa đầu – Nay H’Đốt- sinh ra không có bàn chân, bàn tay. Đứa tiếp đẻ ra thì chân tay không rõ hình, mặt mũi vẹo vọ như cái tổ sâu. Đến năm 1994 thì Nay Đroeng ra đời. Chỉ khác chị- nó là con trai- còn thì y hệt: Tay trên to, dưới nhỏ, hai chân cũng kỳ dị.

Thường khi lên rẫy, Yoang vẫn để Đroeng ở nhà. Nhiều lúc đi làm về để ý thấy Đroeng ngồi nhìn lũ bạn đi học như người thèm ăn. Thế rồi một hôm vừa từ rẫy về đã thấy nó mon men lại gần thì thầm “Ma (cha) cho con đi học ?”. Cứ tưởng tai mình nghe nhầm, rõ rồi mới xoa đầu nó nói đùa “Ừ, mày đi học về mà làm cán bộ”. Nó phụng phịu “Làm gì cũng được, nhưng cứ phải cho con đi học đã…”.

“Chẳng biết nó có học được không. Thôi thì cứ đưa đi, không được chữ thì được cái vui”. Đi học được mấy ngày thấy cha cứ chầu chực đưa đón, nó bảo: “Từ mai ma không phải cõng nữa, con tự đi được”. Chẳng ngờ từ đó nó một mình đến trường thật…

Và câu chuyện Nay Đroeng đi học…

Chiều hôm đó tôi quyết định theo Đroeng đến lớp… Do hôm trước trời mưa nên đường làng vẫn hơi trơn. Đến được cửa lớp, cả người cậu đã nhễ nhại mồ hôi lẫn bùn đất. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng phải lấy nước rửa chân tay, mặt mũi cho cậu… Đroeng tự mình mở cặp, lấy sách vở, gấy bút một cách thành thạo. Tuy nhiên để viết được, cậu phải nhoài người lên bàn, dùng cùi tay làm điểm tựa rồi kẹp chặt bằng cả hai bàn tay cụt rê đi. Rất nhọc nhằn nhưng chữ cậu vẫn rõ ràng, đều đặn và sạch sẽ. Không những thế Đroeng còn vẽ được. Cậu vẽ nhà rông, trái cây màu sắc khá sinh động…

Hỏi chuyện cô giáo Hồng tôi được biết, hóa ra cô là người đã dạy Đroeng từ hồi lớp 1. Bằng giọng xúc động, cô kể: “Thú thực là lúc ông Yoang đưa Đroeng đến xin học, em cứ nghĩ ông ấy nhờ khéo nhà trường giữ con, thế mà không ngờ... Lòng ham học của em thật đáng nể phục. Hai năm dạy Đroeng, dù là ngày mưa dầm hay giá rét, chưa bao giờ thấy Đroeng chịu bỏ học”.

…Đã hơn 10 năm rồi, từng chi tiết về cậu bé tật nguyền Nay Đroeng vẫn chưa phai nhạt trong tôi… Nhìn con đường lóa nắng với những vết ổ gà nho nhỏ, tôi lại bùi ngùi nhớ vết chân tròn trên con đường tới lớp của cậu bé năm nào…

  Để “đi” được nhanh hơn, Đroeng phải vặn người như con sâu đo. Đoạn đường từ nhà đến trường chỉ chừng 1km nhưng Đroeng phải “đo” hơn nửa giờ…  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem