Nhiều bạn sinh viên từng kinh doanh phải thừa nhận rằng, việc buôn bán kiếm tiền không hề dễ dàng, đằng sau số tiền lãi thu được là một hậu trường “khốc liệt”. Không ít bạn vấp phải những tình huống bi hài như “buôn 10 bán 9”, bị khách hàng lừa, thậm chí ảnh hưởng nặng nề đến công việc học tập chỉ vì quá ham mê buôn bán.
Buôn 10 bán 9
“Buôn 10 bán 9” thậm chí phải đổ đi là tình huống không ít bạn sinh viên mới tập tành buôn hoa tươi gặp phải.
Thu Trà (sinh viên trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) từng có một phen “dở khóc dở cười” vì kinh doanh hoa Tết.
Trà kể lại: “Năm trước mình và một nhóm bạn cùng lớp rủ nhau nhập hoa tươi về bán dịp Tết. Chúng mình lặn lội về tận Mê Linh (Hà Nội) lấy hàng vì nghĩ ở đó giá rẻ. Mà đúng là giá rẻ thật, chúng mình nhập có 2 nghìn đồng một bông hồng, các loại hoa khác đều rẻ bất thường. Thấy vậy, mấy đứa rủ nhau nhập thật nhiều bởi, giá gốc rẻ vậy thì dù bán không hết thì vẫn có lãi”.
Nào ngờ, Trà và các bạn không kiểm tra kĩ chất lượng hàng, hoa nhập về hầu hết đều là hoa đã bị “ướp” đến hai, ba ngày. Khi mở ra, cánh và lá đều bị thâm, dập, chưa kể trong quá trình vận chuyển không cẩn thận nên nhiều thân hoa bị gãy.
Trà kể: “Ngày hôm đó, dù phải bán tống, bán tháo cho hết hàng mà nhóm mình vẫn không thu đủ vốn. Hôm sau, chúng mình rút kinh nghiệm chọn hoa kỹ lưỡng hơn, chấp nhận giá nhập đắt một chút. Nhưng số chúng mình đen đủi, hôm đó trời lại nắng to, hoa nở bung bét. Hơn nữa, chúng mình lại không biết cách chăm sóc, nên đến chiều là bông nào bông nấy héo rũ. Lần này thì không bán tháo được nữa, mấy đứa ê chề ôm hoa về nhà... ngắm. Cả nhóm được một phen buôn bán nhớ đời”.
Thiếu kinh nghiệm trong việc kinh doanh hoa tươi khiến Trà phải nếm mùi thất bại (Ảnh minh họa)
Trà tâm sự, không chỉ thiếu kinh nghiệm trong việc chọn hàng, chăm sóc hoa, mà nhóm của cô bạn còn không phân tích kỹ thị trường dịp Tết. Cả nhóm cứ nhập ồ ạt mà không để ý ngày Tết người dân chuộng loại hoa nào. Đó cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thất bại của việc kinh doanh hoa tươi.
Không lỗ “ê chề” như nhóm Trà nhưng Nguyễn Giang (sinh viên trường Trung cấp Tuệ Tĩnh) cũng không mấy vui vẻ với số lãi ít ỏi thu được sau cả tuần vật vã với việc kinh doanh.
Giang kể lại, năm ngoái, cô bạn bỏ ra 3 triệu tiền vốn để kinh doanh hoa tươi và mứt Tết. Hoa tươi thì Giang nhập về còn mứt Tết thì mua nguyên liệu, tự mày mò làm và tự rao bán, chuyển hàng…
Phải mất khá nhiều thời gian học và làm thử cô bạn mới cho ra sản phẩm mứt ưng ý bán với giá 85 nghìn đồng/hộp. Suốt thời gian sau đó, Giang cũng tốn rất nhiều công sức giới thiệu sản phẩm và vận chuyển hàng cho khách.
“Riêng hoa tươi, mình nhập và bán vào những ngày giáp Tết. Mình phải dậy từ 3 giờ sáng đi lấy hàng sau đó ra chợ bán, rao đến rát họng mới bán được mấy bông. Đó là chưa kể, vừa bán mình vừa lo nơm nớp trời nắng, hoa nở bung sẽ không bán nổi. Mà “ế” thì chỉ còn có nước đem vứt bỏ”, Giang chia sẻ.
Vất vả là vậy, nhưng cả dịp Tết, Giang chỉ thu được vài trăm tiền lãi. “Người ta bảo “phi thương bất phú” nhưng mình thì “phú” chẳng thấy đâu chỉ thấy hòa vốn với lãi mấy trăm nghìn đồng.
Thực sự, việc kinh doanh không hề đơn giản như mọi người nghĩ. Hơn nữa, mình lại là sinh viên, chưa có kinh nghiệm lại không thể toàn tâm toàn ý cho việc kinh doanh nên càng khó khăn hơn” – Giang tâm sự.
Bất lực vì bị lừa
Nhiều con buôn sinh viên còn phải chịu những cú lừa đau đớn từ khách hàng, ấm ức nhưng không thể kêu ai.
Hiện nay, hầu hết các bạn sinh viên đều chọn hình thức kinh doanh online, vừa không mất tiền thuê cửa hàng lại vừa có thể giới thiệu sản phẩm đến bạn bè gần xa.
Tuy vậy, việc kinh doanh online cũng có nhiều bất cập như: bị động, không hiểu rõ khách hàng, không thể chắc chắn vào đơn đặt hàng... Chính bởi những bất cập đó, mà nhiều “con buôn” sinh viên phải ngậm ngùi, ấm ức khi gặp phải những khách hàng “thích đùa”.
Để an toàn hơn, năm nay Nguyễn Giang quyết định kinh doanh hoa giả. Cô bạn mua nguyên liệu về rồi tự làm thành những chậu hoa pha lê cảnh lộng lẫy, sau đó đăng trên trang cá nhân để quảng bá sản phẩm. Giang cho biết, hầu hết mọi hoạt động “giao dịch” đều diễn ra trên facebook.
Cũng từ đó, nhiều tình huống “dở khóc dở cười” diễn ra. Giang chia sẻ: “Có nhiều lần, mình nhận đơn đặt hàng của khách hàng, tỉ mỉ làm theo đúng yêu cầu của họ. Nhưng đến khi giao hàng theo địa chỉ thì không thể liên lạc được, đành ngậm ngùi ôm chậu hoa quay về. Cũng có nhiều trường hợp, khi nhìn thấy sản phẩm rồi, khách hàng lại chê bai này nọ, mặc dù mình đã rất tỉ mỉ, cẩn thận làm theo yêu cầu của họ. Đôi co một hồi rồi mình lại phải chịu nhún, đem hoa về. Những lúc ấy, mình thấy bất lực, ấm ức vô cùng”.
Giang đã rất cẩn thận, tỉ mỉ làm theo yêu cầu của khách hàng nhưng có khi lại bị chê bai đến nỗi phải ngậm ngùi "ôm" hàng về
Thiếu kinh nghiệm cũng là lý do khiến nhiều bạn sinh viên phải chịu những cú lừa đau đớn từ nguồn nhập cho đến khách hàng. Cũng có nhiều bạn, do mới tập tành kinh doanh chưa biết cách tính toán thu chi, chưa biết phân tích thị trường cung cầu nên cũng ngậm ngùi nếm thất bại. Hơn nữa, phần lớn các bạn sinh viên đều kinh doanh tự phát, thời vụ nên chưa thể thu được lợi nhuận lớn.
Đình chỉ thi vì ham mê buôn bán
Dù là chỉ là kinh doanh thời vụ, nhưng việc tính toán thu, chi sao cho hợp lý cũng “ngốn” không ít thời gian của các bạn sinh viên. Vì mải mê kinh doanh, nhiều bạn sinh viên bỏ bê việc học hành, để ảnh hưởng không nhỏ đến công việc học tập.
Bạn Nguyễn Mạnh T. (Sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) là chủ của hai của hàng quần áo lớn ở Hà Nội. Công việc của bạn là điều phối một đội ngũ cộng tác viên kinh doanh, nhận đơn đặt làm áo đồng phục của khách hàng, thiết kế, gửi xưởng sản xuất và chuyển sản phẩm đến tận tay khách hàng.
Khối lượng công việc lớn nhiều khi khiến chàng sinh viên năm 2 quay cuồng. T. chia sẻ: “Trước đây mình chỉ kinh doanh áo bóng đá, nhưng lên đại học mình bắt đầu “lấn sân” sang áo đồng phục học sinh, sinh viên nên khối lượng công việc rất lớn. Có lúc cao điểm, khách đặt hàng nhiều, mình phải đi gặp thiết kế, nhận hàng bên xưởng, chuyển hàng… thức làm việc đến 2 – 3 giờ sáng là chuyện bình thường. Mà kỳ 1 năm thứ hai mình lại học buổi sáng, nhiều lần, đêm hôm trước thức khuya quá, sáng hôm sau không dậy nổi phải nghỉ học. Có một môn mình nghỉ quá số buổi quy định phải đình chỉ thi”.
Không riêng Nguyễn Mạnh T. nhiều bạn sinh viên khác cũng để việc buôn bán ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc học hành. Nhiều bạn vừa học vừa check facebook “giao dịch” với khách hàng. Nhiều bạn còn nghỉ học giữa chừng đi chuyển hàng cho khách cho đúng hẹn.
Kinh doanh là công việc tốt giúp các bạn sinh viên năng động, hoạt bát hơn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho công việc sau này. Tuy vậy, các bạn sinh viên cũng không nên quá coi trọng việc lỗ lãi mà để ảnh hưởng đến kết quả học tập kẻo lại rơi vào tình trạng “xôi hỏng bỏng không”.
***
Kinh doanh dịp Tết không chỉ để tiếm kiền tiêu tết mà nhiều bạn sinh viên còn vạch ra cho mình kế hoạch phát triển công việc kinh doanh lâu dài, với ước mơ sẽ trở thành những "ông chủ", "bà chủ" trong tương lai. Và họ đã có những kế hoạch gì cho công việc buôn bán của mình? Mời các bạn hãy đón xem phần tiếp theo vào lúc 0h00 ngày 3/2/2015.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.