"Đổi" mây tre đan lấy... đô la

Chủ nhật, ngày 24/07/2011 07:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không chỉ gia đình chị Thử, chị Thanh, mà ở thôn Hạnh Phúc huyện Lương Sơn, Hòa Bình còn có hàng chục hộ phất lên nhờ “đổi” mây tre đan lấy… đô la.
Bình luận 0

Mỗi năm huyện Lương Sơn, Hòa Bình đào tạo cho khoảng 3.200 học viên, với các nghề như: May mặc, chăn nuôi, mây tre đan... Trong đó mây tre đan đang rất phát triển với hàng trăm hộ làm nghề ở những vùng mất đất cho sân golf, mỗi tháng xuất hàng vạn sản phẩm ra nước ngoài thu về hàng chục nghìn USD...

Huyện Lương Sơn là một trong những huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của Hòa Bình, trong những năm gần đây có hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp được thu hồi để xây dựng khu công nghiệp (KCN), sân golf… nên diện tích đất nông nghiệp giảm đi đáng kể.

img
Chị Phan Thị Thanh (phải) làm mây tre đan thu nhập 2 – 3 triệu đồng/tháng.

Đào tạo 3.200 học viên mỗi năm

Lâm Sơn và Hòa Sơn là 2 xã có diện tích đất bị thu hồi nhiều nhất. Riêng Dự án sân golf Lâm Sơn chiếm tới 1/3 diện tích của xã, khoảng 500 hộ phải di dời. Còn xã Hòa Sơn có khoảng 200 hộ, với 150ha đất đã thu hồi làm KCN. Chính vì vậy, ngoài di dời dân đến nơi ở mới, việc đưa con em vào làm tại các KCN và đào tạo nghề cho người dân, đặc biệt là những hộ bị thu hồi đất được lãnh đạo huyện rất quan tâm.

Ông Nguyễn Xuân Tề - Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: “Huyện có 3 KCN với diện tích hơn 1.000ha và một sân golf 351ha, nên đất nông nghiệp chỉ còn khoảng 9.000ha và 19.000ha đất lâm nghiệp. Để giải quyết công ăn việc làm cho người dân, mỗi năm chúng tôi đào tạo cho khoảng 3.200 học viên với các nghề như: May mặc, chăn nuôi, trồng trọt, nghề thêu, mây tre đan… hết khóa học đa số các học viên đều có việc làm”.

Ông Tề cho hay, trong thời gian tới huyện sẽ liên kết với các trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề để mở rộng đào tạo các nghề “nóng” hiện nay như: Sửa chữa ô tô, điện tử, cơ khí… đồng thời liên kết với các công ty, xí nghiệp để giải quyết khâu đầu ra cho học viên.

Có nhà, có… đô la

Một trong những nghề đang rất phát triển ở Lương Sơn là nghề mây tre đan. Chỉ tính riêng xã Hòa Sơn đã có khoảng 150 hộ làm nghề, mỗi ngày làm ra hàng nghìn sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Thử, (thôn Hạnh Phúc) vừa là thợ vừa là chủ thu gom hàng để xuất đi nước ngoài, cho biết: “Tôi làm mây tre đan từ năm 2004, học mót nên chỉ làm được các sản phẩm bình thường. Năm 2006, xã mở lớp dạy nghề mây tre đan, sẵn có tay nghề lại được các thầy truyền dạy nên đến nay tôi đã làm được tất cả các sản phẩm tinh xảo nhất. Vì quen mối từ trước, nên tôi nhận thu mua hàng của bà con luôn, cứ một tuần lại xuất một xe ô tô đi Mỹ, Nhật, Thái Lan… đổi lấy đô la”.

img Năm 2010, xã mở 7 lớp dạy nghề mây tre đan cho gần 300 học viên, riêng thôn Hạnh Phúc có 100% hộ làm nghề. Nhờ được học nghề mà đời sống người dân được nâng lên, hiện xã chỉ còn 6% hộ nghèo theo tiêu chí mới. img

Ông Nguyễn Đình Hiến - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn

Chị Thử cho biết, làm mây tre không khó, nhưng để làm được hàng đẹp, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đòi hỏi người thợ phải kiên trì, khéo léo, bởi chỉ 1 sản phẩm lỗi là bị trả lại cả lô hàng. Nhưng làm tốt thì thu nhập khá ổn, từ 2 – 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện các sản phẩm mây tre đan có khoảng 20 – 30 mẫu và đang có đầu ra tốt, tùy khách đặt hàng nào thì làm hàng đấy như: Bát, đĩa, lọ hoa, lẵng hoa, bàn ghế…

Chị Phan Thị Thanh (thôn Hạnh Phúc) nhà 5 miệng ăn nhưng chỉ có 2 sào ruộng, không có nghề phụ nên năm nào cũng thiếu ăn. Từ khi được học nghề mây tre đan, không những đủ ăn mà chị còn xây được nhà và có của ăn của để. “Cả đời mình đã được cầm tờ đô la bao giờ đâu. Hôm xuất hàng, thấy chị Thử cầm một nắm, mình cứ tưởng “tiền âm phủ” nên bảo: Hôm nay có phải mùng 1 đâu mà chị đốt nhiều mã thế. Nghe vậy mọi người ồ lên bảo đô la đấy”.

Không chỉ gia đình chị Thử, chị Thanh, mà ở thôn Hạnh Phúc còn có hàng chục hộ phất lên nhờ “đổi” mây tre đan lấy… đô la. Gia đình chị Nguyễn Thị Năng, Nguyễn Thị Tính đều có 3 – 4 người làm nghề, mỗi tháng thu về hơn 500 USD mà “mưa không tới mặt, nắng không tới đầu”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem