Chia sẻ với phóng viên
Dân Việt,
khi đang cho học sinh xếp hàng vào khoảng 12h trưa ngày 9.10, cô Ngô
Thị Ngọc Bích, giáo viên chủ nhiệm lớp 7D, trường THCS Thái Thịnh, Đống
Đa, Hà Nội cho biết: "Ý tưởng cho các cháu đến tiễn đưa cụ Giáp là của
Hội phụ huynh lớp. Tôi cũng rất đồng tình với ý tưởng này và 6h sáng
nay, cả đoàn đã có mặt tại đây để xếp hàng".
Cô Bạch Quế Hương nghẹn ngào xúc động khi nói về Đại tướng, bên cạnh là các em học sinh lớp 8E trường THCS Khương Thượng
"Đã 5 tiếng đồng hồ trôi qua, phần vì trời nắng, phần vì sợ các cháu đói, mệt, tôi hỏi các cháu có chịu được không, và đề nghị tách hàng, di chuyển đến cổng nhà Tướng Giáp để khấn vọng vào rồi về trường. Tuy nhiên, các cháu đều đồng loạt năn nỉ 'hàng nghìn người chờ được thì chúng con cũng chờ được. Chúng con chỉ ra về sau khi đã được thắp hương, và nhìn di ảnh của cụ Giáp'. Câu nói này của các cháu khiến tôi rất cảm động và quyết định cho các cháu ở lại", cô Bích cho biết thêm.
Cô Bích chia sẻ: "Mục đích để các cháu đến tiễn đưa Đại tướng là muốn các cháu biết ơn lịch sử, biết ơn những bậc cha ông đi trước, những người đóng góp công gây dựng và bảo vệ nền hòa bình, độc lập của nước nhà. Đồng thời cũng để các cháu hiểu hết về tinh thần "uống nước nhớ nguồn" của nhân dân ta. Có đến tận nơi, các cháu mới cảm nhận được hết không khí trang nghiêm, xúc động này. Những bài học này mà nếu chỉ dạy qua sách vở có lẽ các cháu cũng không thể hiểu hết được".
Theo quan sát của phóng viên, có rất nhiều học sinh tiểu học, trung học đứng trong hàng ngũ chờ vào tiễn biệt Đại tướng. Tất cả các em, mặc dù chỉ được biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua sách vở, qua ti vi, qua lời kể của ông bà, cha mẹ, nhưng với các em, Đại tướng luôn là một tấm gương lớn, một nhân cách vĩ đại.
Vân Nga - Xuân Lực (Vân Nga - Xuân Lực)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.