"Làm phim nghệ thuật thường long đong"

Thứ tư, ngày 22/08/2012 07:12 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Tôi thấy làm bộ phim nghệ thuật nào cũng quá long đong, đặc biệt là khâu đi tìm kinh phí cho phim”. Đạo diễn Nhuệ Giang chia sẻ với Dân Việt khi bộ phim “Không có Eva” đã đi được một nửa chặng đường.
Bình luận 0

Bộ phim “Không có Eva” đã đi được nửa chặng đường, vì sao chị lại quyết định đổi tên phim?

- Trong quá trình làm phim, tôi luôn băn khoăn không biết tên bộ phim đã sát với nội dung chưa và có phù hợp vào thời điểm này không. Sau đó, tôi nhận thấy tên phim chưa thật sự rõ rệt ý tưởng nên quyết định thay đổi tên phim thành “Lạc lối”. Đồng thời tôi còn thay đổi một số đoạn trong kịch bản vì kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Lập viết năm 2003 cho đến năm nay thì đôi chỗ đã không còn phù hợp.

img
Đạo diễn Nhuệ Giang (phải) đang chỉ đạo quay phim “Lạc lối”.

Từ khi thai nghén kịch bản cho đến lúc làm phim, “Không có Eva” đã mất đến 10 năm, đấy là chưa kể kinh phí làm phim hạn hẹp. Vậy chị có thấy làm bộ phim này quá long đong?

- Tôi thấy làm phim nghệ thuật thì phim nào cũng long đong, đặc biệt là khâu đi tìm kinh phí cho bộ phim. Ngay từ lúc quyết định làm bộ phim này, tôi đi xin tài trợ từ hãng phim nhà nước cho đến hãng phim tư nhân đều bị từ chối.

Đặc biệt với hãng phim tư nhân thì họ nói thẳng luôn rằng, họ không quan tâm phim nghệ thuật, chỉ quan tâm phim thương mại và những đề tài hot. Bởi theo họ, có đến 80% khán giả xem phim là thanh thiếu niên nên những đề tài họ quan tâm là học đường, tuổi teen…

Còn đối với những nhà làm phim nghệ thuật thì lại chỉ quan tâm đến những vấn đề xã hội, vấn đề gần gũi với cuộc sống cùng những cảm xúc nghệ sĩ… Cũng may sau đó tôi đã xin được tài trợ từ Quỹ Francophonie (Pháp) và Vision Sud Est (Thụy Điển) với số tiền là 2 tỷ đồng.

“Tôi nghĩ Nhà nước nên có một quỹ để trợ giúp dòng phim nghệ thuật được chiếu đều đặn ở các rạp trên toàn quốc, chứ không nên phó mặc để các nhà làm phim lao vào dòng phim thị trường”.

Đạo diễn Nhuệ Giang

Với 2 tỷ đồng, chị làm sao để có thể hoàn thành được bộ phim?

- Đúng là với 2 tỷ đồng, tôi không thể hoàn thành bộ phim được, nhưng tôi có cách làm của tôi. Trên thế giới cũng có rất nhiều phim có kinh phí hạn hẹp và họ thường làm hoàn thành từng khâu một. Với tôi cũng vậy, tôi sẽ hoàn thành khâu dựng phim trước, sau đó tôi tiếp tục đi xin tài trợ nước ngoài để làm phần hậu kỳ.

Có nhiều lúc tôi tự nói đùa rằng, dù có phải “nghiến răng” tôi cũng vẫn phải làm phim, phải làm cho bằng được, thậm chí là có lúc tôi còn phải móc tiền túi ra trả lương cho anh em (cười). Đó cũng vì tình yêu với nghề, niềm đam mê nghệ thuật thôi.

Ở những phim trước tôi thấy mình may mắn đã hoàn thành và lại rất hạnh phúc vì những phim đó còn được đi tham dự quốc tế, một số phim được trình chiếu ở nước ngoài. Còn ở trong nước nói thật, tôi thật sự bị bế tắc, các nhà phát hành luôn bị ám ảnh bởi sự thua lỗ khi kinh doanh phim nghệ thuật.

Có khi nào chị thấy nản, và không muốn làm phim này?

- Dù đôi lúc cũng có mệt mỏi, nhưng tôi nghĩ đó là công việc mình phải làm, bởi không thể nào khi người ta cho 2 tỷ đồng mình lại chê ít và trả lại tiền không làm. Như thế đối với người nghệ sĩ có vẻ hơi hèn (cười).

Thú thật tôi cũng có những lo lắng về bộ phim này từ khâu kịch bản đã được sửa tương đối để phù hợp với thời điểm hiện tại, nhưng điều đó lại có vẻ không làm hài lòng tác giả kịch bản, tôi muốn làm bộ phim có chất lượng, có cái gì đó nổi bật, ấn tượng khi ra rạp.

Vậy chị đã có những chiến dịch quảng bá, truyền thông như thế nào cho bộ phim?

- Tôi nghĩ hiện nay có một tư duy sai là phim nghệ thuật không có khán giả. Thực tế không hẳn như vậy, ví dụ phim “Tâm hồn mẹ” chiếu ở các câu lạc bộ cũng vẫn có lớp khán giả trẻ như sinh viên, những người tri thức rất thích thú.

Mặc dù “Tâm hồn mẹ” chưa được ra rạp vì chưa có ai dám đầu tư đưa nó ra rạp, nhưng ở bộ phim này, tôi sẽ không để đi theo vết xe của phim “Tâm hồn mẹ”. Tôi sẽ có chiến dịch quảng bá và đi theo đúng con đường phát hành. Tức là bắt đầu từ các nhà phát hành phim.

Nhiều đạo diễn bây giờ hay có quan niệm làm phim phải có cảnh nóng mới “câu khách”, vậy ở phim của chị có những cảnh nóng đó không?

- Tôi nghĩ các đạo diễn nếu suy nghĩ như vậy thì quá đơn giản. Bởi khán giả bây giờ rất tinh tế, nếu cảnh nóng mà không khéo, gượng ép, không thực tế sẽ bị phản đối và bị chê ngay.

Bản thân tôi, tôi không lấy những cảnh nóng làm sự hấp dẫn của phim. Sự hấp dẫn mà tôi nhìn thấy lại là sự chuyên nghiệp trong phim, đó là nhân vật, cách thể hiện của nhân vật, ngôn ngữ trong điện ảnh…

Xin cảm ơn chị!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem