"Nặn đất thành vàng”, kỹ sư phần mềm làm chủ trại chanh tiền tỷ

Trương Minh - Huệ Minh Thứ ba, ngày 02/09/2014 07:18 AM (GMT+7)
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ kỹ sư phần mềm, anh trở thành niềm tự hào của cả gia đình và bà con bản Soi. Đang có cơ hội thăng tiến, anh lại bỏ tất cả để về quê chinh phục những quả đồi đá sỏi... 
Bình luận 0

LTS: Không cam chịu cảnh nghèo, nhiều nông dân đã tìm ra hướng đi riêng cho mình để làm giàu trên chính cánh đồng, con sông của quê hương… Họ  là những người “nặn đất thành vàng”!

Anh là Nguyễn Văn Bách, biệt danh “Bách chanh tứ mùa”, chủ sơn trang trồng chanh hàng hóa lớn bậc nhất xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Quyết định liều mà gặp lành!

Anh kể rằng, là kỹ sư chuyên ngành quản lý và viết phần mềm từng tốt nghiệp bằng đỏ tại Trường ĐH Thái Nguyên nhưng anh lại có một sở

thích rất đặc biệt đó là chăm đọc, nghe và tìm hiểu về những tấm gương vượt khó làm giàu, những ý tưởng táo bạo, độc đáo trong lao động, sản xuất, những mô hình kinh tế đang phát huy thế mạnh trở thành hình mẫu trong tương lai... Và quyết định bỏ phố về quê để làm nghề trồng trọt của anh một phần không nhỏ cũng chịu ảnh hưởng từ sở thích ấy.

Đó là dịp tình cờ năm 2010, anh được một người bạn ở miền Trung giới thiệu về một giống chanh tứ mùa có đặc điểm là đậu hoa quanh năm, quả mọng nước như giống chanh ta. Nhận thấy nhu cầu của xã hội ngày càng lớn về loại quả gia vị phổ biến này, với những hiểu biết về kinh doanh, phân tích thị trường, anh cho rằng, thị trường tiêu thụ chanh không thiếu, chỉ sợ không đủ chanh để bán. Vậy là, sau mấy đêm suy nghĩ, anh đã quyết định cất tấm bằng kỹ sư vào ngăn tủ, khăn gói rời phố về quê để làm nông dân...

“Giai đoạn ban đầu quả thực khó khăn chồng chất. Từ đầu bản đến cuối xã, đâu đâu người ta cũng bàn tán về việc tôi bỏ nghề, treo bằng về làm ruộng. Bố mẹ mình không chỉ phản đối gay gắt ý tưởng “điên rồ” của con trai mà còn dọa từ mặt. Anh em, họ hàng từ chỗ ái ngại, nhiều người còn cho rằng tôi có vấn đề về thần kinh... Tuy nhiên, một khi mình đã quyết tâm thì không được phép chùn bước, tôi đã bỏ qua tất cả dư luận để làm bạn với chanh tứ mùa. Trắng tay về trình độ hiểu biết, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây có múi; trắng tay cả về vốn đầu tư...” - anh Bách nhớ lại.

Tài sản giá trị nhất của anh tích cóp được sau mấy năm đi làm là một chiếc xe máy cũng phải bán đi cộng với vay mượn của bạn bè để có gần 30 triệu đồng đầu tư vào phân bón và lặn lội lên tận Đà Lạt để mua 100 cây chanh giống đem về. Giống cây đã có, cái khó là làm sao thuyết phục được gia đình để có đất trồng thử. Lại mất cả tháng làm công tác tư tưởng, 3 sào ruộng ở khu đồng trũng mới được người nhà đồng ý cho anh mượn để đào hố, hạ giống. Do là ruộng trũng nên chỉ sau một thời gian, lá chanh vàng vọt, cây không bật lộc; rễ bắt đầu thối dần vì bị úng.

“Nhìn những khóm cây giống dần lụi đi, lòng tôi như lửa đốt. Tôi vội vàng chuyển toàn bộ số cây giống còn lại lên vùng đất đồi, đặt theo khu, đánh rãnh thoát nước. Khi ấy, rễ cây còn rất ít, học hỏi kinh nghiệm của những người trồng cam ở địa phương Hàm Yên, tôi dùng loại thuốc kích thích rễ, dưỡng lá...”.

Sau hàng tháng trời “ăn tại bờ rừng, ngủ trong lán, quần áo cả ngày bết đất”, cuối cùng, vườn chanh cũng phát triển. Thông thường, chanh tứ mùa cho thu hoạch sau 1 năm trồng, nhưng vườn chanh của anh phải 1 năm rưỡi mới cho lứa quả đầu với hơn 2 tạ quả trên 100 gốc. Vậy là đã thành công bước đầu, chứng tỏ cây chanh tứ mùa hợp với khí hậu, đồng đất Yên Phú...

Mỗi gốc chanh thu 15 triệu đồng/năm



Anh Nguyễn Văn Bách 
   Điều tôi luôn mong muốn là trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ cả  vốn, giống, kiến thức để bà con đặc biệt là những thanh niên trẻ có thể làm giàu từ chanh...”.


 
Năm 2014 này mới bước sang tuổi 35, nhưng trong tay anh Bách đã có một khối tài sản cả chục tỷ đồng. Anh bảo, khi đã có sản phẩm rồi thì khâu tiếp thị đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Đầu tiên, anh tiếp thị sản phẩm ngay tại địa phương mình. Tại các quán ăn, quán nước, anh gửi chanh hay bán rẻ cho chủ quán. Dần dà được thị trường chấp nhận, tiếng lành đồn xa, chanh tứ mùa của anh được tiêu thụ đi nhiều tỉnh. Chính vụ, chanh bán tại vườn từ 12.000 -15.000 đồng/kg; chanh trái vụ, từ 35.000- 45.000 đồng/kg. Mỗi một gốc chanh cho thu nhập khoảng 15 triệu đồng/năm.

 

Thành công, anh được bố mẹ ủng hộ và giao toàn bộ đất đai sản xuất để trồng chanh tứ mùa. “Tôi chỉ lên mạng học cách chiết cành và cũng làm hỏng không ít. Từ 100 cây chanh giống, tôi đã chiết thêm 400 gốc chanh, mở rộng diện tích lên 1.000m2.

Vừa bán quả, tôi kiêm thêm công việc sản xuất, cung ứng chanh giống. Số lượng khách hàng đặt giống cây chanh của tôi ngày càng nhiều, đến nay tôi đã có hàng chục nghìn lượt khách hàng ở miền Bắc, miền Trung và cả Tây Nguyên. Vụ chanh năm 2014, tôi đã cung ứng khoảng 3 vạn cành giống, thu 1,5 tỷ đồng. Hiện nay, khách hàng đã đặt giống cho năm 2015, khoảng 10.000 cành”- anh Bách chia sẻ.

Trang trại chanh của anh tạo việc làm cho 7 lao động địa phương với lương 4 triệu đồng/người/tháng. Riêng anh, mỗi năm, chanh tứ mùa đem về khoảng 900 triệu đồng. Như năm 2013, tổng thu từ sản xuất giống và bán chanh gần 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 1 tỷ đồng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem